Chỉ cần thêm tấm biển ‘xôi Phú Thượng’ đi cùng thúng xôi, một người bán xôi ở bất cứ đâu cũng chợt uy tín hẳn bởi tự nó đã là một tính từ để nói về đất Kẻ Gạ cổ “có nghề nấu xôi” nức tiếng.
Xôi được bán nhiều nơi trên dọc dài đất nước, nhưng chỉ xôi Phú Thượng mới có “tên” và được nhớ tên.
Nghề xôi Phú Thượng vừa trở thành di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Bà con làng Kẻ Gạ xưa – nay là làng Phú Thượng ở Tây Hồ, Hà Nội – mừng ra mặt.
Ngày nào cũng xôi mà ăn không chán
Bà Mai Thị Thanh (59 tuổi) – thuộc ban chấp hành Hội làng nghề xôi Phú Thượng – đón tin đó với một niềm xúc động.
Bà Thanh là người làng khác về đây làm dâu. Sáng nào bà cũng thấy mẹ chồng đội thúng xôi đi bán khắp Hà Nội.
Bà cưới chồng đầu năm 1988 thì giữa năm đó, sau hai buổi chỉ dạy của mẹ chồng, bà Thanh đã gia nhập vào những người làm xôi Phú Thượng xuống phố bán hàng. Mới đó mà bà theo nghề đã 36 năm.
Bà Thanh kể thời đó người ăn xôi không nhiều. Các cụ làng Gạ đội xôi đi bán mỗi ngày nhiều lắm cũng chỉ mươi cân trở lại.
Giờ thì… “phình” ra một cách bất ngờ. Cả làng có khoảng 600 hộ làm xôi, bán lẻ bán sỉ đủ cả.
Vào ngày thường, nhà nấu ít tiêu thụ 10 – 20kg gạo/ngày, nhiều thì 50 – 60kg. Những dịp lễ, Tết, cúng ông Táo hoặc rằm, mùng 1, nhà nấu ít cũng phải cả tạ gạo, nhà nấu nhiều thì… không đếm được.
Trung bình, làng Phú Thượng tiêu thụ hàng chục tấn gạo mỗi ngày.
Ông bà xưa chỉ thổi xôi đỗ, xôi lạc. Mãi sau này mới có xôi xéo, xôi vò.
Khoảng 8 năm trở lại có thêm các loại xôi ngũ sắc. Gần đây, người Phú Thượng bắt trend đóng khuôn xôi hoa, xôi cá chép, thậm chí cả xôi sô cô la.
Không chỉ Hà Nội, xôi Phú Thượng cũng vượt làng đến các vùng miền trên cả nước. Và có lẽ chỉ có người làng Phú Thượng, đã vào tận TP.HCM rồi, nhớ thương món ăn của làng lại dựng biển, mở một cửa hàng nhỏ bán xôi Phú Thượng cho đỡ nhớ.
Bà Công Thị Mỹ, 67 tuổi, giải thích vì sao dân Phú Thượng nhà bà thường dùng nếp nhung hoặc nếp cái hoa vàng để thổi xôi.
Trong hai loại, nếp cái hoa vàng có giá cao hơn nên khi có khách đặt người Phú Thượng mới thổi bằng loại này.
Phần lớn là dùng nếp nhung, loại gạo nếp làm cho hạt xôi khi chín tới đạt đến độ căng, tròn, mẩy và bóng. Và chỉ cần nếp nhung thôi, xôi Phú Thượng đã “rất là” Phú Thượng rồi.
Bà Mỹ làm xôi vò có tiếng của làng Phú Thượng. Lượng dầu và đỗ phải đủ, rồi muối dùng ra sao thì xôi mới tơi, không bị thiu mà vẫn thơm.
Bà nói, ở đây, mỗi nhà có một bí quyết riêng và không phải người Phú Thượng nào cũng đồ xôi ngon.
Nhưng dấu hiệu nhận biết xôi ngon không khó, bà Thanh nói. Để từ sáng tới chiều, xôi vẫn mềm, dẻo mà hạt xôi không nát dính, vẫn xốp, thế là ngon. Xôi mà thổi chưa đủ độ chín thì tới trưa là đanh cứng lại ngay.
Ngày nào cũng thổi xôi nhưng người Phú Thượng ăn xôi không thấy chán. Sáng ra vẫn phải làm một nắm xôi cho chắc bụng.
Bà Thanh kể mẹ chồng bà, khi cụ ngoài 90 tuổi, tuổi cao sức yếu nằm một chỗ trong nhà, mà ngửi thấy mùi xôi chín bốc lên ngoài này, nói vọng ra như reo lên cho thấy nỗi nhớ một thuở đội xôi đi bán của chính cụ.
Tâm tình hạt nếp và lễ thiêng đời người
Thời xưa, làng Gạ là làng lúa làng hoa, xung quanh hãy còn nhiều đồng ruộng.
Theo lời bà Mỹ, thuở đó không có đồng hồ báo thức, các cụ cứ nhìn con trăng con sao trên đỉnh đầu mà đoán giờ rồi nhà này í ới nhà kia gọi nhau dậy thổi xôi
Mẹ bà Mỹ dậy sẽ gọi con gái dậy theo để trông bếp cho bà vo gạo, xóc muối vào gạo cho đều. Hồi đó thổi xôi bằng rơm rạ nên bà Mỹ phải túc trực liên hồi.
Cô con gái mắt nhắm mắt mở ngủ chưa “đã” đã bị gọi dậy giữa chừng ngày ấy, lúc này đã ngoài lục tuần.
Kể chuyện cũ, mắt bà Mỹ chợt đỏ au vì nhớ mẹ và cả nhớ những ngày thiếu thời trong không gian làng xã có phần yên bình. Thương lắm nghề nên bà cứ ráng làm.
Nhà nghiên cứu Phan Cẩm Thượng từng viết trong một cuốn sách của ông, người Việt có nguồn gốc từ người Mường, ít nhất từ hai tập tục, trong đó có việc dùng xôi để cúng, là cách tưởng nhớ cội nguồn ăn gạo nương của mình, trước khi biết đến cây lúa Chiêm, lấy giống từ người Champa…
Người Mường cũng có Tết lúa mới vào tháng mười âm lịch – vẫn được duy trì tới nay.
Điều này vừa hay giống với câu chuyện bà Công Thị Mỹ kể. Ngoài lễ hội truyền thống vào tháng giêng, dân làng Gạ xưa có tục cúng lúa mới vào tháng mười âm lịch sau khi gặt lúa.
Mỗi nhà thường cúng xôi, gà luộc và chè bà cốt. Giờ nhiều nhà đã quên, nhưng riêng bà vẫn nhớ tháng mười, mùa gặt lúa của riêng mình.
Người Phú Thượng nhìn nhau, học nhau mà thổi xôi ngon, rồi mang xôi làng mình đi khắp nơi. Lớp này nối lớp nọ, lớp sau “mạnh” hơn lớp trước, cứ thế luyến lưu, lưu giữ nét riêng của làng.
Chẳng cần nằm trong 36 phố phường, ở tận mạn Tây Hồ, người Kẻ Gạ vẫn có thể viết nên một “huyền thoại phố phường” riêng của làng mình bằng tâm tình hạt nếp rất Việt Nam.
Nguồn: Tuổi Trẻ Online – tuoitre.vn