Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, đổi mới sáng tạo, các tiến bộ của khoa học, công nghệ có nhiều thay đổi, xung đột địa chính trị diễn ra gay gắt, cũng như ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 đã tác động tới mục tiêu phát triển bền vững giai đoạn 2021 – 2030.
Bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước. |
Không nằm ngoài xu thế chung đó, thời gian qua, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước đã tích cực kêu gọi sự chủ động tham gia của cộng đồng doanh nghiệp, nhà đầu tư nhằm tạo một nền tảng bền vững cho tăng trưởng xanh và phát triển bền vững thông qua việc xây dựng hệ thống văn bản pháp quy điều chỉnh tài chính bền vững, nâng cao các tiêu chuẩn về quản trị công ty và công bố thông tin gắn với các tiêu chí ESG, nâng cao năng lực và tăng cường nhận thức của cả cơ quan quản lý lẫn các thành viên thị trường, nhà đầu tư về các công cụ tài chính xanh và phát triển bền vững.
Ngoài ra, nhận thức được tầm quan trọng của quản trị công ty tốt đối với nền kinh tế nói chung và sự phát triển, ổn định hiệu quả của thị trường chứng khoán nói riêng, Ủy ban Chứng khoán Nhà nước luôn nỗ lực tuyên truyền, phổ biến kiến thức, xây dựng khung pháp lý, tạo nền tảng cho việc tiếp thu và áp dụng các thông lệ tốt về quản trị công ty tại Việt Nam. Trong đó, bộ nguyên tắc quản trị công ty của G20/OECD đã trở thành tiêu chuẩn toàn cầu để tiến hành đánh giá cho các quốc gia, nâng cao hiệu quả kinh tế và tăng trưởng bền vững bằng cách hỗ trợ các chính sách và thông lệ quản trị công ty tốt trong khu vực.
Việc phổ biến kiến thức về chứng khoán và thị trường chứng khoán, đào tạo nâng cao kiến thức về thị trường vốn cũng như vai trò và quyền lợi của nhà đầu tư trên thị trường đang là một trong những ưu tiên hàng đầu của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước để hướng tới mục tiêu xây dựng một thị trường vốn xanh và phát triển bền vững.
Nguồn: Tinnhanhchungkhoan.vn