Xây dựng chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Xây dựng chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia- Ảnh 1.

Xây dựng chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số 108/2023/QH15 về giám sát chuyên đề “Việc triển khai thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về các Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 – 2025, giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 – 2030”.

Nghị quyết nêu rõ: Dưới sự lãnh đạo của Đảng, đồng hành, giám sát của Quốc hội, sự điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và sự tham gia, ủng hộ tích cực của nhân dân, việc thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia đã kế thừa, phát huy những thành tựu xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo và các chính sách đối với đồng bào dân tộc thiểu số của giai đoạn trước.

Đến nay, công tác tổ chức thực hiện các Chương trình đã đạt được một số kết quả nhất định, bám sát mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ, yêu cầu đổi mới về cơ chế, chính sách quản lý trong các nghị quyết của Quốc hội. Kết cấu hạ tầng kinh tế, văn hóa, xã hội, môi trường được quan tâm đầu tư góp phần làm thay đổi diện mạo vùng nông thôn, miền núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Tín dụng chính sách xã hội phát huy hiệu quả; đời sống nhân dân tiếp tục được cải thiện…

Tuy nhiên, việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia thuộc thẩm quyền của Chính phủ, bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương còn chậm. Tiến độ thực hiện và giải ngân vốn rất chậm, phải chuyển nguồn, kéo dài, nhất là vốn sự nghiệp sẽ ảnh hưởng đến khả năng hoàn thành mục tiêu, chỉ tiêu của các Chương trình mục tiêu quốc gia đến năm 2025.

Ở một số địa phương, kết quả giảm nghèo chưa thực sự bền vững, nguy cơ tái nghèo, phát sinh nghèo còn cao; việc xây dựng nông thôn mới còn chạy theo thành tích, tiêu chí đạt được chưa bền vững, còn nợ, hụt tiêu chí…

Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu

Về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, Quốc hội cho phép số vốn ngân sách nhà nước năm 2022 (bao gồm cả vốn năm 2021 được chuyển nguồn sang năm 2022) chưa thực hiện giải ngân hết trong năm 2023 được kéo dài thực hiện sang năm 2024 để các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương tiếp tục triển khai thực hiện.

Quốc hội giao Chính phủ khẩn trương xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia trình Quốc hội xem xét, quyết định tại kỳ họp gần nhất theo trình tự, thủ tục rút gọn quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; trong đó có cơ chế thí điểm phân cấp cho cấp huyện quyết định danh mục, cơ cấu, phân bổ sử dụng vốn ngân sách nhà nước, xử lý một số kiến nghị của địa phương liên quan đến việc thực hiện kết luận kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước trong triển khai thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Quốc hội giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các cơ quan chủ Chương trình, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, các bộ, ngành và địa phương quán triệt, thực hiện nghiêm túc các đề xuất, kiến nghị, khắc phục tồn tại, hạn chế đã nêu trong Báo cáo số 550/BC-ĐGS ngày 21/10/2023 của Đoàn giám sát, đồng thời khẩn trương rà soát, sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới theo thẩm quyền các quy định, cơ chế, chính sách về nội dung còn thiếu hoặc chưa phù hợp, nhất là các quy định về phân cấp, phân quyền, ủy quyền, đơn giản hóa thủ tục hành chính, đầu tư và sử dụng các nguồn vốn có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải, kéo dài để kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, triển khai hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Bên cạnh đó, tập trung giải quyết có hiệu quả những khó khăn, vướng mắc, bức xúc của người dân về đất ở, nhà ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt; quy hoạch, sắp xếp ổn định dân cư ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; nâng cao hiệu quả đào tạo nghề tại các huyện nghèo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tiếp tục đổi mới việc thực hiện tín dụng chính sách xã hội, tăng nguồn vốn tín dụng chính sách xã hội để thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; có cơ chế, chính sách đủ mạnh để thu hút doanh nghiệp, người dân đầu tư sản xuất, kinh doanh vào vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn.

Ngoài ra, rà soát, sửa đổi, bổ sung các tiêu chí, chỉ tiêu trong Bộ tiêu chí nông thôn mới các cấp cho phù hợp với tình hình thực tiễn; tiếp tục đánh giá mô hình Ban Chỉ đạo, cơ quan giúp việc Ban Chỉ đạo các cấp, làm rõ vai trò, trách nhiệm, nhiệm vụ của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo, cơ quan chủ quản Chương trình, người đứng đầu các bộ, ngành liên quan, địa phương và các cơ quan, tổ chức khác đối với những tồn tại, hạn chế do chủ quan, xem xét, xử lý theo quy định.

Trên cơ sở đánh giá kết quả thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia thực hiện trong giai đoạn 2021-2025, Chính phủ trình Quốc hội xem xét, quyết định phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2026 – 2030 tại kỳ họp cuối năm 2025.

Quốc hội giao Kiểm toán Nhà nước tham gia với Chính phủ nghiên cứu, đề xuất cơ chế đặc thù để xử lý một số kiến nghị liên quan đến thực hiện kết luận của Kiểm toán Nhà nước đối với việc thu hồi kinh phí, hoàn trả ngân sách nhà nước nhằm bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân, các cơ quan, tổ chức trong triển khai các Chương trình mục tiêu quốc gia.

Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm toàn diện trong việc triển khai thực hiện, tiến độ, hiệu quả các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; phát huy vai trò, sự tham gia, hỗ trợ hiệu quả của lực lượng Quân đội, Công an, các tổ chức, đơn vị khác trên các địa bàn chiến lược, khu vực biên giới, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn.

Các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn thực hiện, đổi mới, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật và nội dung các Chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn; huy động sự vào cuộc của các tổ chức, cá nhân cùng tham gia thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; có biện pháp quyết liệt thúc đẩy việc giải ngân nguồn vốn trung ương và nguồn vốn địa phương đã được phân bổ; tăng cường cơ chế lồng ghép giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia, giữa các Chương trình mục tiêu quốc gia với các chương trình, dự án khác…

Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức thành viên của Mặt trận phát huy vai trò nòng cốt trong việc tổ chức các phong trào thi đua, cuộc vận động thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia; phát động phong trào thi đua chung tay vì người nghèo, phát triển vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; huy động sự tham gia của cộng đồng và xã hội đối với công tác giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới, phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi; tăng cường giám sát và phản biện xã hội trong quá trình thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia…

Nguồn: Vũ Phương Nhi – Báo điện tử Chính phủ