Quy hoạch điện VIII đã xác định cụ thể tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên của ngành điện giai đoạn tới năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 để làm cơ sở triển khai.
Chiều 3/4, Bộ Công Thương đã tổ chức Hội nghị triển khai Kế hoạch thực hiện Quy hoạch phát triển điện lực Quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 (gọi tắt là Quy hoạch điện 8).
Bản Kế hoạch vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (ngày 1/4/2024) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, tạo tiền đề để các địa phương trên cả nước, các Tập đoàn kinh tế, các nhà đầu tư tư nhân có cơ sở triển khai phát triển điện lực, mở ra không gian phát triển mới cho ngành năng lượng Việt Nam theo hướng bền vững, công bằng, phù hợp với xu hướng Kinh tế Xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế carbon thấp.
Đa dạng hóa các nguồn điện
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII được đã được Bộ Công Thương chi tiết hóa nhiều nội dung của Quy hoạch điện VIII được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 500/QĐ-TTg (ngày 15/05/2023), trong đó, đã xác định cụ thể tiến độ đưa vào vận hành các dự án nguồn điện quan trọng, ưu tiên của ngành điện giai đoạn tới năm 2025 và giai đoạn 2026-2030 để làm cơ sở triển khai và điều hành phát triển nguồn điện (gồm có dự án điện khí trong nước, khí LNG, thủy điện vừa và lớn, thủy điện tích năng…).
Đối với các dự án lưới điện truyền tải, đã xác định được giai đoạn vận hành cũng như hình thức đầu tư các dự án (Nhà nước hoặc xã hội hóa) để làm cơ sở đầu tư phát triển lưới điện truyền tải, đảm bảo đồng bộ với phát triển nguồn điện cũng như cải thiện, nâng cao chất lượng, độ tin cậy của lưới điện truyền tải; Xác định danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo (thủy điện nhỏ, điện gió, điện sinh khối và điện sản xuất từ rác) phù hợp với quy mô công suất tính toán, phân bổ cho các địa phương.
Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII đã xác định rõ 2 trung tâm công nghiệp, dịch vụ năng lượng tái tạo liên vùng. Trung tâm 1 tại khu vực Hải Phòng, Quảng Ninh, Thái Bình và khu vực lân cận (quy mô khoảng 2.000 MW) và Trung tâm 2 tại Ninh Thuận, Bình Thuận, Bà Rịa-Vũng Tàu, TPHCM và mở rộng lân cận trong tương lai.
Đánh giá cao bản Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII vừa được ban hành, ông Đàm Thanh Sơn, Phó Chủ tịch tỉnh Lạng Sơn cho biết: Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 của Lạng Sơn cũng vừa được phê duyệt vào ngày 19/3/2024 do vậy là những dự án trong Kế hoạch thực hiện quy hoạch điện VIII, Lạng Sơn đã được cập nhật đầy đủ.
Tỉnh Lạng Sơn đang tiếp tục rà soát, cập nhật những quy hoạch chuyên ngành có liên quan để đảm bảo đầy đủ không gian thực hiện cũng như quỹ đất để thực hiện các dự án.
Tiếp tục xử lý khó khăn các dự án điện gió ngoài khơi
Theo ông Tô Xuân Bảo, Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo (Bộ Công Thương), đối với nguồn điện gió ngoài khơi do vẫn còn nhiều thông tin chưa rõ ràng (quy hoạch không gian biển chưa được phê duyệt…), Bộ Công Thương đang nghiên cứu, xử lý những khó khăn, vướng mắc và báo cáo các cấp có thẩm quyền để xem xét xác định cụ thể các dự án điện gió ngoài khơi trong thời gian tới.
Về một số các khó khăn khác, ông Tô Xuân Bảo cho biết, danh mục các dự án nguồn điện năng lượng tái tạo được phê duyệt tại Quyết định số 262/QĐ-TTg mới chỉ đáp ứng được 46/63 địa phương. Một số địa phương gửi văn bản chậm sau ngày Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu nên Bộ Công Thương đã phải cố định một thời điểm để rà soát, thẩm tra và xây dựng danh mục dự án nguồn điện theo yêu cầu về tiến độ của Chính phủ.
Vì vậy, Bộ Công Thương chưa kịp tổng hợp thêm danh mục dự án của một số địa phương gửi văn bản chậm; một số địa phương chưa tuân thủ nghiêm túc các chỉ đạo của Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trong việc đề xuất các dự án phù hợp với quy mô công suất phân bổ.
Bên cạnh đó, ông Tô Xuân Bảo cũng cho biết: Một số địa phương đề xuất danh mục dự án năng lượng tái tạo gấp nhiều lần so với quy mô công suất phân bổ, không đưa theo thứ tự ưu tiên phát triển dự án trong thời kỳ quy hoạch nên đã gây nhiều khó khăn cho Bộ Công Thương trong quá trình thẩm tra, sàng lọc và xây dựng danh mục dự án…
Tại Hội nghị, ông Nguyễn Anh Tuấn, Tổng Giám đốc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) kiến nghị Bộ Công Thương ban hành các quy định để kiểm soát tiến độ của các dự án nguồn và lưới điện, có chế tài xử lý thu hồi các dự án chậm tiến độ.
Đại diện EVN cũng đề xuất các địa phương hỗ trợ EVN và các đơn vị trong công tác chấp thuận chủ trương đầu tư và nhà đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư đối với các dự án lưới điện để EVN có cơ sở triển khai các bước tiếp theo, đồng thời quan tâm hỗ trợ các công tác liên quan đến quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất, bố trí đủ quỹ đất cho EVN và các đơn vị đầu tư các dự án điện phục vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Tuân thủ đúng Quy hoạch Điện VIII đã thực hiện
Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cho rằng: Đây là lần đầu tiên Kế hoạch thực hiện Quy hoạch ngành Điện được lập theo quy định của Luật Quy hoạch. Do tính đặc thù của ngành và sự liên quan, kết nối rất chặt chẽ của Quy hoạch Điện VIII với các quy hoạch ngành thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau và các quy hoạch cấp tỉnh nên Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan đã gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng…
Hiện Kế hoạch thực hiện Quy hoạch Điện VIII đã được phê duyệt mới chỉ là kết quả bước đầu. Vì vậy, để tổ chức thực hiện thành công Kế hoạch này, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị các Bộ ngành, cơ quan liên quan phối hợp chặt chẽ, tập trung thực hiện nghiêm túc các nhiệm vụ được giao tại Quyết định số 262/QĐ-TTg ngày 01/4/2024 của Thủ tướng Chính phủ.
Bộ trưởng đề nghị các bộ, ngành Trung ương theo chức năng nhiệm vụ được phân công nghiên cứu đề xuất các cấp có thẩm quyền ban hành quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án điện khí, điện gió ngoài khơi, các dự án sản xuất hydrogen/amoniac sử dụng điện gió ngoài khơi, các dự án xuất khẩu điện gió ngoài khơi.
Cùng với đó, nghiên cứu đề xuất xây dựng, sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, cơ chế chính sách có liên quan, nhất là các cơ chế tài chính, cơ chế giá điện, cơ chế khuyến khích để hỗ trợ thực hiện…
Trước việc một số địa phương tiếp tục xin chủ trương cho phép hoặc chuyển đổi dự án nhiệt điện than sang nhiệt điện khí LNG, hoặc gia tăng nguồn điện năng lượng tái tạo, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định, các loại hình nguồn điện và công suất tại Quy hoạch đã được thẩm định, dự báo đã đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước, vì vậy, cần tuân thủ theo đúng Quy hoạch đã được duyệt.
Nguồn: Phan Trang – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/xac-dinh-cu-the-tien-do-dua-vao-van-hanh-cac-du-an-nguon-dien-quan-trong-102240403192152957.htm