Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu có công suất tiêu thụ điện 30MW

Đây là Trung tâm dữ liệu (DC) thứ 14 của Viettel và là DC đầu tiên ở Việt Nam được thiết kế công suất cao, với 60.000 máy chủ, 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30MW.

Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu có công suất tiêu thụ điện 30MW- Ảnh 1.

Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội phát biểu tại Lễ khai trương – Ảnh: VGP/HM

Ngày 10/4, Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu tại Hoà Lạc. Trung tâm này có công suất rack cao gấp 3 lần mức trung bình, đáp ứng xu thế phát triển của AI với yêu cầu về các con chip hiệu năng cao để gia tăng khả năng tính toán. Đây cũng là một trong số các trung tâm dữ liệu lớn nhất Việt Nam hiện nay.

Theo Thiếu tướng Tào Đức Thắng, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp – Viễn thông Quân đội, đến nay Viettel đã có tổng 230.000 máy chủ, 81.000 m2 mặt sàn, 11.500 rack, 87MW điện – tương đương một siêu DC của thế giới. Điều này tiếp tục khẳng định cam kết mạnh mẽ của Viettel về xây dựng hạ tầng số Việt Nam hiện đại.

“Viettel sẽ không ngừng đầu tư cho các DC. Theo lộ trình, tới năm 2025, Viettel sẽ đầu tư thêm 10.000 tỷ đồng để mở rộng quy mô lên 17.000 rack. Năm 2030, Viettel sẽ nâng mức đầu tư lên 40.000 tỷ đồng với quy mô 34.000 rack”, Thiếu tướng Tào Đức Thắng nhấn mạnh.

Lãnh đạo Tập đoàn Viettel cũng chia sẻ, cùng với việc tạo ra trung tâm dữ liệu quy mô lớn, Viettel cũng đi đầu về các cam kết chuyển đổi xanh và bền vững.

Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc đang nắm giữ nhiều chứng chỉ xanh như tiêu chuẩn về quản lý năng lượng, tiêu chuẩn về quản lý tác động môi trường, tiêu chuẩn về quản lý vệ sinh lao động. Đây cũng là DC đầu tiên cam kết hướng tới sử dụng năng lượng tái tạo để đáp ứng 30% lượng điện tiêu thụ.

Viettel khai trương Trung tâm dữ liệu có công suất tiêu thụ điện 30MW- Ảnh 2.

Trung tâm dữ liệu thứ 14 của Viettel ở Hoà Lạc được thiết kế với 60.000 máy chủ, 2.400 rack, 21.000m2 mặt sàn, tổng công suất điện 30MW – Ảnh: VGP/HM

Cụ thể, chỉ số hiệu quả năng lượng – COP đạt trên 6.0, cao hơn so với các hệ thống điều hoà trung tâm khác hơn 40%; chỉ số tiêu thụ điện cho thiết bị IT – PuE đạt 1.4 – 1.45, thấp hơn các DC hiện có ở Việt Nam là 12%. HSBC cũng đã chứng nhận Trung tâm dữ liệu Viettel Hòa Lạc đủ điều kiện nhận tín dụng xanh.

Tại tất cả các Trung tâm dữ liệu của mình, Viettel đưa vào sử dụng bộ lưu điện UPS hiệu suất cao, giúp tạo mức hiệu quả sử dụng năng lượng cao hơn trung bình ngành. Trong năm 2023, Viettel đã tiết kiệm được gần 3.000.000 kWh trong việc vận hành các trung tâm dữ liệu, tương đương giảm phát thải khoảng 2.100 tấn CO2.

Ông Lê Hoài Nam, Phó Giám đốc Viettel IDC cho biết, tất cả các trung tâm dữ liệu của Viettel được thiết kế theo tiêu chuẩn quốc tế TIA 942. Trong đó, Trung tâm ở Hoà Lạc được thiết kế và triển khai đảm bảo an toàn vật lý 5 lớp, đây là mức cao nhất hiện nay.

Tại trung tâm dữ liệu của Viettel ở Hoà Lạc có thể kết nối với tất cả các nước và 5 tuyến cáp quang biển với 5 hướng khác nhau, nên luôn đảm bảo dự phòng. Toàn bộ việc vận hành của Trung tâm dữ liệu đều được giám sát và hỗ trợ 24/7 từ xa.

Hiện, thị trường trung tâm dữ liệu trên thế giới đang phát triển với mức khoảng 7-8%/năm. Tại châu Á – Thái Bình Dương, dự báo sẽ tăng khoảng 18-19%/năm đến năm 2030. Ở Việt Nam, thị trường trung tâm dữ liệu tăng trưởng khoảng 14%.

Ưu tiên sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu của Việt Nam

Phát biểu tại Lễ khai trương, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh, đầu tư các trung tâm dữ liệu là một loại đầu tư mới của các nhà mạng viễn thông. Không đầu tư vào đây thì nhà mạng không có không gian tăng trưởng mới.

Dữ liệu là tài nguyên quan trọng nhất của kinh tế số. Sự giàu có của một quốc gia trong tương lai được đo bằng dữ liệu. Dữ liệu lớn và xử lý dữ liệu lớn sẽ là ngành công nghiệp lớn nhất. Viettel cũng như các nhà mạng viễn thông khác của Việt Nam, phải có một tầm nhìn đúng về hạ tầng dữ liệu của một quốc gia, để biến Việt Nam thành một Digital Hub của thế giới.

Bộ trưởng cũng cho rằng, Luật Viễn thông năm 2023 đã mở rộng pháp vi điều chỉnh bao gồm cả trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây. Như vậy, chúng ta đã có luật, đã có quy hoạch hạ tầng ngành thông tin và truyền thông để các doanh nghiệp yên tâm đầu tư phát triển hạ tầng dữ liệu, thể chế chính sách đã cơ bản đầy đủ. Sự phát triển mạnh mẽ của cuộc cách mạng số đặt ra vấn đề bảo vệ chủ quyền dữ liệu quốc gia, bảo vệ dữ liệu cá nhân trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Vì vậy, việc có một hệ thống trung tâm dữ liệu an toàn, tin cậy và bảo mật cao nhất, công nghệ tiên tiến nhất như trung tâm dữ liệu của Viettel Hòa Lạc sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc bảo vệ chủ quyền dữ liệu và bảo vệ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

Nhân dịp này, Bộ trưởng Bộ TT&TT cũng kêu gọi các tổ chức, doanh nghiệp Việt Nam tăng cường sử dụng dịch vụ trung tâm dữ liệu, điện toán đám mây của Việt Nam, nhất là khi hạ tầng, dịch vụ của Việt Nam đã đạt tiêu chuẩn khắt khe nhất của thế giới và giá cả cạnh tranh.

Tới đây, Bộ TT&TT sẽ trình Chính phủ ban hành Nghị định hướng dẫn Luật Viễn thông, trong đó quy định dữ liệu của cơ quan nhà nước phải lưu trữ tại Việt Nam. Sử dụng hạ tầng số, dịch vụ số “Make in Việt Nam” vừa đảm bảo hiệu quả hơn, về chi phí tối ưu hơn, về hiệu suất an toàn và linh hoạt hơn, đồng thời cũng chính là chung tay đóng góp cho sự phát triển của các doanh nghiệp công nghệ số nước nhà.

Nguồn: Hiền Minh – Báo điện tử chính phủ

https://baochinhphu.vn/viettel-khai-truong-trung-tam-du-lieu-co-cong-suat-tieu-thu-dien-30mw-102240410151008376.htm