Theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc có ba loại đặt cược, bóng đá, đua ngựa, đua chó nhưng hiện chưa triển khai được.
Vừa nghiên cứu, triển khai, vừa ngăn ngừa những rủi ro của các hình thức này
Tại phiên chất vấn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội sáng 18/3, đại biểu Nguyễn Thị Huế (Đoàn Bắc Kạn) đã quan tâm, đặt câu hỏi với Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc về nội dung liên quan đến kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng và đặt cược.
Đại biểu Nguyễn Thị Huế đề nghị Bộ trưởng Tài chính cho biết khung pháp lý đối với hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử và đặt cược có thưởng có những thay đổi như nào trong thời gian qua.
“Tại sao đến nay, Bộ Tài chính vẫn chưa cấp phép cho doanh nghiệp kinh doanh đặt cược nào. Đồng thời đề nghị Bộ trưởng cho biết giải pháp để công tác quản lý trong lĩnh vực này đạt hiệu quả”, đại biểu nói.
Đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) cũng đề nghị lãnh đạo ngành tài chính nêu giải pháp về vấn đề kinh doanh cá cược, góp phần ngăn chặn cá cược bất hợp pháp, chảy máu ngoại tệ ra nước ngoài.
Trả lời về nội dung này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay, có 93 trò chơi điện tử được đặt ở các khách sạn 5 sao. Tuy nhiên, điều kiện để được tham gia kinh doanh là doanh nghiệp phải có vốn 500 tỷ đồng trở lên, phải có hệ thống thiết bị điện tử, đội ngũ chuyên nghiệp để giám sát.
“Các trò chơi đó chỉ áp dụng với người nước ngoài. Hệ thống này đã hỗ trợ các khách sạn 5 sao, giúp đạt được kết quả kinh doanh cũng như giải quyết vấn đề lao động”, ông nói.
Về đặt cược, theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc có ba loại đặt cược, bóng đá, đua ngựa, đua chó nhưng hiện chưa triển khai được.
Về triển khai đặt cược bóng đá, lãnh đạo Bộ Tài chính cho biết khi tiến hành xây dựng quy định để tổ chức đấu thầu, thì gặp vướng mắc với Luật Đấu thầu. Vừa qua, khi sửa Luật Đấu thầu, đã đưa được quy định về vấn đề này vào luật. Bộ Tài chính đang xây dựng nghị định và sắp tới sẽ triển khai loại hình này.
“Đối với đua ngựa, đua chó, chủ đầu tư cần xây dựng hệ thống chuồng đua chuẩn, có các thiết bị, nhân công chuyên nghiệp, đảm bảo để triển khai. Đây là loại hình mới, Bộ đang tích cực nghiên cứu, triển khai đồng thời ngăn ngừa rủi ro ở hình thức này”, lãnh đạo Bộ Tài chính nhấn mạnh.
Đối với kinh doanh cá cược đua ngựa và đua chó, ông Phớc cho biết, loại hình này đã được phê duyệt chủ trương đầu tư dự án, song Bộ Tài chính chưa tiếp nhận được hồ sơ để cấp phép. Đối với, dự án kinh doanh cá cược đua ngựa tại trường đua ở Sóc Sơn đã có giấy phép nhưng đang vướng mắc về vấn đề góp vốn.
Bộ trưởng cho hay sắp tới, Bộ Tài chính cũng phối hợp với các bộ, ngành và UBND các tỉnh triển khai, tuy nhiên loại hình này gắn liền với một loạt các điều kiện khác như: Đất đai, quy hoạch, đánh giá tác động môi trường, thu hồi đất, giao đất… Thời gian tới, Bộ Tài chính sẽ phối hợp với các cơ quan chức năng triển khai vấn đề này.
Ông Phớc nêu rõ đây là loại hình mới, Bộ vừa nghiên cứu, triển khai, vừa ngăn ngừa những rủi ro của các hình thức này.
Với hình thức này, khi cấp phép đầu tư, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sẽ trình với Thủ tướng, để Thủ tướng ban hành chủ trương đầu tư. Khi hoàn thành cơ sở vật chất để đạt được điều kiện để cấp phép đặt cược lại liên quan đến Bộ Tài chính.
Bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân
Cũng tại phiên chất vấn, đại biểu Lê Thị Song An (Đoàn Long An) nêu việc cử tri, nhân dân phản ánh, thời gian qua việc mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự bắt buộc của chủ xe cơ giới đối với người thứ 3 còn mang tính hình thức. Khi xảy ra sự cố thì thủ tục thanh quyết toán rất phức tạp khiến người mua bảo hiểm rất phiền hà khi chi trả. Bà đề nghị Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, có thể số hóa được loại bảo hiểm này không? Và có thể thay đổi quy định hiện nay theo hướng tự nguyện thay vì bắt buộc hay không?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho hay, thời gian vừa qua tai nạn xe máy rất lớn, chiếm khoảng 63% trong các vụ tai nạn. Vì vậy, bảo hiểm xe máy là bảo hiểm bắt buộc vì quyền lợi người dân.
Thêm vào đó, người tham gia bảo hiểm xe máy, số tiền nộp ít, chỉ 55.000 đồng nhưng số hưởng nhiều, lên tới tối đa 150 triệu đồng/người. Tức là việc này quan tâm đến lực lượng yếu thế khi sử dụng xe máy.
Khi chi trả chỉ trường hợp chết người mới cần hồ sơ công an gửi sang còn các trường hợp khác thì được đền bù thông qua các hồ sơ hai bên thiết lập bằng điện tử.
Về việc số hóa, theo ông Phớc, Bộ đã chỉ đạo các doanh nghiệp tập trung làm cơ sở dữ liệu, số hóa, thanh toán không dùng tiền mặt, phù hợp với xu thế trong tương lai. Đồng thời, thiết lập hồ sơ, gửi hồ sơ cũng qua điện tử.
Nguồn: Hải Liên – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/vi-sao-chua-trien-khai-dat-cuoc-bong-da-dua-ngua-dua-cho-tai-viet-nam-102240318140029822.htm