Ngày 23/2, tại Nhà Quốc hội, Thường trực Ủy ban Pháp luật đã làm việc với Bộ Tư pháp về triển khai kế hoạch thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Thị Mai Phương và Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đồng chủ trì cuộc làm việc.
Tham dự có các Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật: Nguyễn Trường Giang, Trần Hồng Nguyên; các Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật; Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện; đại diện một số cơ quan liên quan.
Theo Bộ Tư pháp, thực hiện Nghị quyết số 89/2023/QH15 ngày 2/6/2023 của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2023, Bộ đã chủ trì, phối hợp với các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương và các cơ quan, tổ chức có liên quan tiến hành xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Việc xây dựng dự án Luật Công chứng (sửa đổi) đã tuân thủ đầy đủ quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, gồm: thành lập Ban soạn thảo, Tổ biên tập và tổ chức các cuộc họp, buổi làm việc để đóng góp ý kiến; tổng kết thi hành Luật Công chứng năm 2014 và nghiên cứu pháp luật về công chứng của một số nước trên thế giới; lấy ý kiến của các bộ, ngành, địa phương và cơ quan, tổ chức liên quan, đăng tải công khai trên Cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ Tư pháp; tổng hợp, nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý, hoàn thiện dự thảo Luật; tổ chức thẩm định và chỉnh lý hoàn thiện dự án Luật.
Trên cơ sở kế thừa các quy định còn phù hợp của Luật Công chứng năm 2014, dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) gồm 10 chương, 84 Điều; được xây dựng trên cơ sở giữ nguyên 14 điều, sửa đổi 62 điều, bỏ 5 điều và bổ sung 8 điều trong tổng số 81 điều của Luật Công chứng năm 2014.
Tại cuộc họp, các ý kiến của Thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản tán thành việc sửa đổi Luật Công chứng năm 2014 nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng về đẩy mạnh cải cách hành chính, cải cách tư pháp (trong đó có lĩnh vực công chứng thuộc hoạt động bổ trợ tư pháp); bảo đảm tính thống nhất, tính đồng bộ đối với các văn bản quy phạm pháp luật mới được sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới có liên quan đến hoạt động công chứng. Việc sửa đổi Luật cũng góp phần khắc phục hạn chế, bất cập trong thực tiễn triển khai thi hành, tạo điều kiện để tiếp tục phát triển hoạt động công chứng theo hướng xã hội hóa, chuyên nghiệp hóa, phù hợp với thông lệ quốc tế.
Tuy nhiên, một số ý kiến nhấn mạnh, năm 2023, Ủy ban Pháp luật đã tổ chức Phiên giải trình về việc thực hiện một số quy định của pháp luật về hoạt động công chứng. Thường trực Ủy ban Pháp luật đã phối hợp với Bộ Tư pháp khảo sát tại một số địa phương, nghiên cứu thực trạng của hoạt động hành nghề công chứng trên toàn quốc. Tại phiên giải trình, rất nhiều thành viên của Ủy ban Pháp luật đã phát biểu ý kiến đối với vấn đề này.
Đồng thời, các đại biểu cũng tập trung thảo luận cho ý kiến về tiến độ hoàn thiện và trình hồ sơ dự án Luật; công tác phối hợp giữa Ủy ban Pháp luật và Bộ Tư pháp trong quá trình thẩm tra, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.
Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Thị Mai Phương đánh giá cao Bộ Tư pháp thời gian qua đã tích cực, chủ động trong việc hoàn thiện dự án Luật Công chứng (sửa đổi), nghiêm túc tiếp thu Nghị quyết số 22/NQ-CP của Chính phủ về Phiên họp chuyên đề xây dựng pháp luật tháng 1.2024.
Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị Bộ Tư pháp tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để tiếp thu đầy đủ các ý kiến, xây dựng dự thảo Luật có chất lượng cao, tránh trường hợp phải giải trình nhiều lần.
Nguồn: LS – Báo điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/thuong-truc-uy-ban-phap-luat-cua-quoc-hoi-lam-viec-voi-bo-tu-phap-ve-luat-cong-chung-sua-doi-102240223172130907.htm