Ngày 8/4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội tổ chức Hội thảo lấy ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi; Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn chủ trì Hội thảo.
Thực hiện Nghị quyết số 89 của Quốc hội, Bộ Tư pháp đã phối hợp với các Bộ, ngành, cơ quan tổ chức liên quan xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Dự án Luật đã được Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp thứ 6 và dự kiến được Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024).
Đại diện Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết: Qua tổng kết 5 năm thi hành Luật Đấu giá tài sản, các quy định của Luật cơ bản vẫn phát huy hiệu quả, tính khả thi trên thực tiễn. Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 42 điều, khoản; tăng 16 điều, khoản so với dự thảo trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu sửa về mặt kỹ thuật lập pháp.
Tại Hội thảo, nhiều đại biểu đã đưa ra những kiến nghị nhằm hoàn chỉnh hơn một số điều trong Luật Đấu giá tài sản. Trong đó tập trung các vấn đề cần quy định rõ hơn chế tài đối với bỏ cọc trong đấu giá tài sản; trình tự thủ tục đấu giá trực tuyến, những bất cập trong đấu giá khoáng sản…
Một số đại biểu đề nghị cần quy định cụ thể hơn về phần trăm tiền đặt trước đối với quyền khai thác khoáng sản và quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, do luật hiện hành chưa quy định cơ chế xử lý về mặt tài chính đối với trường hợp bỏ cọc, đặc biệt trong đấu giá khoáng sản, vì thế việc xử lý người trúng đấu giá bỏ cọc phải được thực hiện bằng các hình thức khác chứ không chỉ nâng mức tiền đặt trước. Theo đó, đại diện Bộ Tư pháp kiến nghị cần bổ sung chế tài như phải có chi phí bồi thường và chịu toàn bộ chi phí tổ chức đấu giá. Tuy nhiên, cũng có ý kiến băn khoăn nếu áp dụng chế tài tài chính với trường hợp bỏ cọc trong khi họ đã mất khoản cọc đã đóng khi tham gia đấu giá.
Đồng thời, các nội dung về đấu giá trực tuyến và việc áp dụng đối với tài sản công, khung thù lao dịch vụ đấu giá, thời gian tối thiểu lưu trữ hồ sơ tại các trung tâm đấu giá cũng được nhiều đại biểu tham gia thảo luận, đề nghị sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế.
Ông Châu Thanh Việt, Phó Giám đốc Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng kiến nghị bổ sung thêm vấn đề bỏ cọc trong đấu giá tài sản. Theo đó, Luật Đấu giá tài sản quy định tiền đặt trước đối với 2 loại tài sản là khoáng sản và đấu giá quyền sử dụng đất trong trường hợp cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư. Bởi nếu đấu giá trả tiền 1 lần, số tiền đặt trước quy định 20% là rất lớn dẫn đến khả năng bỏ cọc nhiều.
Do đó, ông kiến nghị cơ quan chủ trì hội thảo quy định số tiền đặt trước sao cho phù hợp hơn để tránh tình trạng bỏ cọc. Ngoài ra, vấn đề lưu trữ hồ sơ đấu giá trong trường hợp đơn vị tổ chức đấu giá bị giải thể cũng được đại diện Sở Tư pháp TP. Đà Nẵng kiến nghị chọn 1 tổ chức đấu giá phù hợp để tiếp tục lưu trữ hồ sơ đấu giá để phục vụ công tác giao hồ sơ cho tòa án, cơ quan điều tra được thuận lợi hơn.
Cũng kiến nghị bổ sung vấn đề bỏ cọc trong đấu giá, Phó Cục trưởng Cục Bổ trợ tư pháp Lê Văn Tuấn cho biết, tình trạng đấu giá cao rồi bỏ cọc xảy ra thời gian qua đối với một số trường hợp, trong đó chủ yếu tập trung vào tài sản là quyền sử dụng đất, quyền khai thác khoáng sản và một số loại tài sản khác như tài sản vi phạm hành chính bị tịch thu. Vụ việc đấu giá cao rồi bỏ cọc chiếm tỷ lệ ít trong số những vụ đấu giá thành công, nhưng được dư luận đặc biệt quan tâm.
Do đó, ngoài việc hoàn thiện trình tự, thủ tục đấu giá của Luật Đấu giá tài sản, việc rà soát hoàn thiện quy định của pháp luật chuyên ngành quy định cụ thể yêu cầu, điều kiện đối với người tham gia đấu giá. Trong đó, điều kiện về năng lực tài chính, vốn, yêu cầu về năng lực chuyên môn, kỹ thuật đảm bảo người trúng đấu giá sử dụng đất đai, khai thác khoáng sản có đủ năng lực để sử dụng đúng đất đai, khoáng sản theo đúng mục đích của Luật đất đai, luật Khoáng sản, góp phần vào hiệu quả của hoạt động đấu giá tài sản nói chung.
Bên cạnh đó, trình tự thủ tục đấu giá trực tuyến trong Luật Đấu giá tài sản cũng được các đại biểu đưa ra thảo luận sôi nổi.nổi
Quy trình đấu giá trực tuyến được thực hiện trên môi trường điện tử thông qua Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến, bảo đảm tính xác thực, tin cậy, bảo mật, an toàn. Trình tự đấu giá trực tuyến được thực hiện lần lượt theo quy trình: thông báo công khai việc đấu giá lên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia hoặc trang thông tin đấu giá trực tuyến; người tham gia đấu giá đăng ký, nộp hồ sơ đăng ký tham gia đấu giá; tổ chức hành nghề đấu giá tài sản phân công đấu giá viên, hội đồng đấu giá tài sản; kết quả cuộc đấu giá trực tuyến được đăng công khai trên cổng Đấu giá tài sản quốc gia.
Ghi nhận những góp ý tích cực từ phía các đại biểu, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Minh Sơn cho biết, Ban tổ chức sẽ tổng hợp đầy đủ ý kiến góp ý bổ sung luật sửa đổi từ các đại biểu và tiếp tục một hội thảo lấy ý kiến của các đại biểu phía Nam tại TPHCM để tiếp thu ý kiến của các đại biểu và gửi xin ý kiến của Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan liên quan tại kỳ họp Quốc hội vào tháng 5 tới đây.
Phát biểu tại Hội thảo, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi khẳng định, qua cuộc hội thảo các đại biểu đã đưa ra nhiều giải pháp nhằm khắc phục những bất cập, hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành của Luật Đấu giá tài sản thời gian qua.
Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi nêu cụ thể như Luật Đất đai có liên quan rất nhiều đến hoạt động đấu giá quyền sử dụng đất để, từ đó làm sao cho hoạt động đấu giá được phát triển và đóng góp một cách tích cực với phát triển kinh tế – xã hội của các địa phương cũng như là của cả nước.
Nguồn: LS – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/thao-go-vuong-mac-nang-cao-hieu-qua-dau-gia-tai-san-102240408181315017.htm