Sau một năm làm việc vất vả, bất kỳ ai cũng mong muốn được trở về nhà sum họp ăn Tết cùng gia đình. Thế nhưng, với những người đang công tác trong ngành y, Tết lại là những ngày bận rộn và chịu nhiều áp lực nhất, bởi họ vẫn miệt mài với công việc chăm sóc và cứu sống người bệnh. Dẫu có phần thiệt thòi, tuy nhiên mỗi khi thấy bệnh nhân qua cơn nguy kịch và khỏe mạnh thì đó mới chính là niềm vui, hạnh phúc trọn vẹn trong những ngày trực Tết của y, bác sĩ.
Có cơ hội gặp và trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Thạch Trình, Khoa Cấp cứu Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (TP. Hà Nội) mới hiểu hết công việc cũng như cảm xúc của anh khi nói về chuyện trực Tết trong những năm qua cũng như Tết Giáp Thìn sắp tới. Bác sỹ Trình chia sẻ, “chuyện lỗi hẹn” với các con và gia đình trong những ngày Tết đã “thành lệ” nhiều năm nay với anh, bởi tính chất công việc. Thế nhưng, anh nhận được sự thông cảm và sẻ chia từ “hậu phương vững chắc”, anh gác lại niềm vui đoàn viên với gia đình để góp một phần công sức của mình trong công tác trực và điều trị cho bệnh nhân.
“Cảm xúc trực tết của tôi trong 15 năm làm việc trong nghề, có năm trực 30 tết, năm thì mùng 1 tết. Cảm xúc là những vui, buồn trái chiều nhau. Vui khi ăn tết ở bệnh viện đó là chúng tôi được Ban giám đốc, khoa, phòng cung cấp hỗ trợ về kinh tế, vật chất, tinh thần để có cảm giác ăn tết ở viện như ăn tết ở nhà. Còn về cảm xúc buồn đó là, ngày tết ai cũng muốn xum vầy bên gia đình, ai cũng muốn đưa các con được đi chơi, tuy nhiên nếu như bố trực vào ngày tết thì phải nhắn với gia đình, các con là: “Hết tết! Bố sẽ về đưa các con đi chơi”.
Còn với chị Nguyễn Thị Ngân, Phụ trách công tác điều dưỡng Khoa hồi sức chống độc, Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã có 5 năm liên tiếp trực ngày mùng 1 Tết. Chị chia sẻ, những khoảnh khắc gần giao thừa là khoảng thời gian căng thẳng nhất. Bởi thời điểm này khoa tiếp nhận nhiều ca bệnh nặng ngộ độc thực phẩm, ngộ độc rượu, một số trường hợp bị thương tích do đốt pháo… Chị Ngân cho biết, chỉ đến khi những tiếng “tút tút” đều đặn phát ra từ bộ máy trong phòng bệnh báo hiệu bệnh nhân đã ổn định thì lúc này ekip trực mới cảm thấy nhẹ nhàng và hạnh phúc.
”Tôi đã công tác tại bệnh viện 15 năm, cứ mỗi dịp tết đến, ở các khoa, phòng khác có thể bệnh nhân sẽ vắng hơn, nhưng với Khoa hồi sức tích cực thì bệnh nhân luôn luôn đông và nặng. Bởi vì bệnh nhân có tâm lý rằng ở bệnh viện để an toàn sức khỏe qua tết, vì vậy nhân viên sẽ có công tác ứng trực trong những ngày tết. Với những người ở quê xa thì khó có thể về quê và sẽ ở lại trên Hà Nội, để nếu trường hợp đông bệnh nhân và trường hợp bệnh nhân nặng đột xuất thì mọi người có mặt ngay để điều trị kịp thời. Cảm giác đó cũng hơi buồn, thế nhưng vì bệnh nhân và công việc của mình đã chọn công việc này thì mình sẽ vui vẻ và cùng bệnh nhân đón tết ở trong bệnh viện”.
Sẽ chẳng có lời nào có thể diễn tả được hết những vất vả, hi sinh của đội ngũ y, bác sĩ. Câu chuyện tâm sự của Bác sỹ Trình và Điều dưỡng Ngân thể hiện thông điệp, dẫu không được ở bên cạnh người thân trong không khí đầm ấm của ngày Tết Nguyên đán, thế nhưng hạnh phúc của họ được ‘sưởi ấm’ khi bệnh nhân đã khỏe và được ra viện.
Một mùa xuân nữa lại về mang theo những niềm tin và hi vọng mới. Những người thầy thuốc bằng tấm huyết, tấm lòng yêu nghề đang thắp lên niềm hi vọng về sự sống, sự hồi sinh cho bệnh nhân. Cảm ơn những chiến sĩ áo trắng – Những người đã và đang thầm lặng làm cho mùa Xuân của nhiều gia đình thêm trọn vẹn và hạnh phúc hơn.
Nguồn: Báo điện tử chính phủ
https://media.chinhphu.vn/tet-cua-nhung-nguoi-mac-blouse-trang-102240202162701822.htm