Sớm tháo ‘vòng kim cô’ đơn giá định mức trong xây dựng công trình giao thông

Không ít nhà thầu rơi vào cảnh càng làm càng lỗ, không có nguồn lực tái đầu tư trang thiết bị hay giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao để tăng năng lực cạnh tranh. Thực trạng này xuất phát từ việc các định mức dự toán xây dựng công trình đang quá lạc hậu và không phù hợp với thực tế.

Sớm tháo 'vòng kim cô' đơn giá định mức trong xây dựng công trình giao thông- Ảnh 1.

Các doanh nghiệp xây dựng đều nhìn nhận, nhiều định mức sửa đổi trong Thông tư 12 vẫn chưa phản ánh đúng và đủ – Ảnh: Báo GT

Ngày 20/2/2024, Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) đã có văn bản gửi các nhà thầu, các đơn vị tư vấn về việc tham gia ý kiến đối với các định mức dự toán xây dựng công trình, trong đó có dự thảo các định mức sửa đổi, bổ sung Thông tư 12/2021/TT-BXD.

Các doanh nghiệp xây dựng đều nhìn nhận, nhiều định mức sửa đổi nêu trong Thông tư 12 vẫn chưa phản ánh đúng và đủ. Các định mức bổ sung được cơ quan quản lý đưa ra đang thấp hơn nhiều so với các định mức đã được Viện Kinh tế xây dựng (Bộ Xây dựng) có ý kiến trước đó. Bất cập lớn nhất trong Thông tư 12 hiện nay tập trung ở 3 vấn đề gồm: nhân công, ca máy và khấu hao vật tư thi công.

Vòng kim cô mang tên ‘đơn giá’

Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh, Phó Tư lệnh Binh đoàn 12, Phó Tổng Giám đốc Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn – đơn vị đang thực hiện các hợp đồng xây dựng công trình giao thông lên tới hơn 30.000 tỷ đồng – cho biết, khó khăn lớn nhất đối với các nhà thầu xây dựng giao thông hiện nay chính là hệ thống đơn giá, định mức thấp hơn rất nhiều so với thực tế.

Dẫn chứng cụ thể hơn, ông Tuấn Anh cho biết: Trong đợt “bão giá” vật liệu cao tốc vừa qua, giá cát đắp theo hợp đồng khoảng 153.000 đồng/m3, nhưng thực tế mua lên tới 254.000 đồng/m3. Một công trình thi công thông thường, riêng hạng mục cát đắp đã cần sử dụng tới 300.000 m3.

“Tính qua, nhà thầu phải bù lỗ xấp xỉ 30 tỷ đồng. Còn về đơn giá nhân công, chủ đầu tư ép tiến độ, yêu cầu nhà thầu làm ‘3 ca, 4 kíp’ nhưng chưa có đơn giá chi trả cho việc tăng giờ, tiền lương, nhà thầu không biết lấy nguồn ở đâu để bù vào.

Dự toán các gói thầu có vốn Nhà nước xây dựng trên hệ thống đơn giá, định mức như trên, khiến các nhà thầu dù có được hợp đồng cũng khó có lợi nhuận, thậm chí thua lỗ khi gặp biến động giá lớn như giai đoạn 2020 – 2022”, Đại tá Nguyễn Tuấn Anh cho biết.

Từ thực tế nêu trên, đại diện Tổng Công ty xây dựng Trường Sơn cho rằng: “Việc tháo vòng kim cô mang tên đơn giá, định mức đang là vấn đề rất cấp thiết, nếu không, các doanh nghiệp Việt Nam rất khó tích luỹ tiềm lực để trưởng thành, vươn tầm quốc tế”.

Tương tự, ông Vũ Đức Nhận, Phó Tổng Giám đốc Công ty Phương Thành cũng chia sẻ khó khăn khi tiến độ bình quân làm một dự án cao tốc là 4 – 5 năm, nhưng nay rút ngắn xuống chỉ còn 2 năm, đòi hỏi nhà thầu phải duy trì một lượng lớn nhân công.

“Tại dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1, thời gian thi công thực tế mỗi năm chỉ khoảng 5-6 tháng, còn lại là trời mưa quanh năm không thể triển khai thi công. Trong khi đó, nhà thầu vẫn duy trì đầy đủ thiết bị, nhân lực trên công trường để khi có điều kiện thi công thuận lợi tranh thủ thi công. Thi công như vậy trong thời gian rất ngắn nhà thầu buộc phải huy động thêm lượng thiết bị, máy móc, nhân lực rất lớn để bù tiến độ. Bất cập là vậy, nhưng các phần chi phí nhân công tăng thêm thì nhà thầu lại không được tính”, ông Nhận cho hay.

Đồng tình với những quan điểm trên, ông Nguyễn Hồng Quang, Phó Chủ tịch Tập đoàn Định An cho biết thêm, trong đơn giá hiện nay có 2 phần cần phải xem xét là đơn giá trực tiếp và hệ số khấu hao vật tư quá thấp. Thậm chí, “nhiều công trình hoàn thành có khi phải bán ngay thiết bị đặc chủng, bởi càng giữ càng lỗ”.

Trước đó, trong văn bản kiến nghị của 12 nhà thầu gửi các cơ quan, ban ngành khi thực hiện dự án cao tốc Bắc – Nam giai đoạn 1 đã nêu rõ, đơn giá trực tiếp trung bình thiếu một nửa. Thí dụ, đơn giá tính nhân công thực hiện 1m3 bê tông chỉ từ 600.000 – 650.000 đồng, nhưng thực tế có giá từ 1,2-1,5 triệu đồng.

Về khấu hao vật tư và ca máy, đơn giá ca máy đã lập quá lâu, không có thiết bị đặc chủng đưa vào thực hiện, nhà thầu phải đầu tư thiết bị để bảo đảm tiến độ, chất lượng.

Đơn cử, mua một trạm trộn Nikko của Nhật Bản, chi phí khoảng 30-40 tỷ đồng, của Hàn Quốc khoảng 20 tỷ đồng, hệ thống máy khoan nhồi khoảng 20 tỷ đồng, máy thảm 10 tỷ đồng…Với khấu hao tính trong đơn giá ca máy làm liên tục, khối lượng không tập trung, máy thi công xong dự án phải bán ngay, vì càng giữ càng lỗ.

Sớm tháo 'vòng kim cô' đơn giá định mức trong xây dựng công trình giao thông- Ảnh 2.

Thực tế giá nhân công ban hành trong Thông tư 12 đang thấp hơn so với giá nhân công lao động phổ thông trên thị trường – Ảnh minh họa

Lập đơn giá cần sát thực tế

Đại tá Nguyễn Tuấn Anh kiến nghị: Cần có mã định mức được mô tả, định nghĩa, điều kiện áp dụng cụ thể, rõ ràng, tránh trường hợp một hạng mục nhưng áp dụng nhiều định mức khác nhau. Ngoài ra, việc lập đơn giá định mức, các cơ quan quản lý Nhà nước trong quá trình nghiên cứu triển khai, cần phải có đối chiếu thực địa.

Ngoài giá nhân công áp dụng theo đơn giá ban hành của các địa phương trên địa bàn dự án, các doanh nghiệp xây dựng cũng cho biết: Giá nhân công các bậc áp dụng ở mức tối thiểu chỉ khoảng 200.000-300.000 đồng/ngày nhưng thực tế thị trường lao động phổ thông, chưa qua đào tạo cũng đã 400-500.000 đồng/ngày, chưa kể các ngày nghỉ, ngày lễ phải tính hệ số 200-300%.

Về bất cập trong việc áp dụng chỉ số bù giá vật liệu, đối với dự án thực hiện tại địa phương mà không sẵn có loại vật liệu cần thiết hoặc có nhưng không đạt tiêu chuẩn yêu cầu, nhà thầu thi công buộc phải mua vật liệu ở địa phương khác với giá cao hơn so với tại địa bàn dự án, và chi phí vận chuyển cũng tăng lên.

Ông Nguyễn Hồng Quang cũng chia sẻ, các doanh nghiệp rất mong muốn cơ quan quản lý sớm ban hành đơn giá mới phù hợp với thực tế hơn để doanh nghiệp không còn cảnh “làm xong công trình phải thanh lý máy móc cho đỡ lỗ”.

Khẩn trương gỡ khó về định mức, đơn giá, vật liệu xây dựng công trình giao thông

Ngày 9/1/2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính ký ban hành Công điện số 02/CĐ-TTg gửi Bộ trưởng các Bộ: Xây dựng, GTVT, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc liên quan đến định mức, đơn giá xây dựng; khai thác, cung ứng vật liệu xây dựng cho các dự án, công trình giao thông trọng điểm, quan trọng quốc gia.

Công điện nêu rõ, để đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư xây dựng, nhất là dự án, công trình giao thông góp phần hoàn thành mục tiêu phát triển kinh tế – xã hội, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Bộ trưởng Bộ Xây dựng chỉ đạo các đơn vị liên quan: Nghiên cứu rà soát sửa đổi, bổ sung điều chỉnh theo thẩm quyền hoặc tham mưu cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật liên quan quản lý chi phí đầu tư xây dựng bảo đảm phù hợp với thực tế và khả thi trong triển khai, báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình thực hiện trong tháng 3/2024.

Khẩn trương rà soát, điều chỉnh, bổ sung các định mức đã được Bộ Xây dựng ban hành theo thẩm quyền nhưng chưa phù hợp hoặc còn thiếu, báo cáo Thủ tướng Chính phủ kết quả thực hiện trong tháng 4/2024.

Chủ động phối hợp với các bộ quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, địa phương tổ chức xây dựng định mức dự toán đặc thù của chuyên ngành, của địa phương có công nghệ thi công, điều kiện thi công, vật liệu xây dựng mới hoặc chưa có trong hệ thống định mức hiện hành.

Tích cực hướng dẫn, đôn đốc các địa phương công bố chỉ số giá xây dựng, giá vật liệu xây dựng (hàng quý hoặc sớm hơn nếu cần thiết), đơn giá nhân công xây dựng (hàng năm hoặc sớm hơn nếu cần thiết) bảo đảm kịp thời, đầy đủ, phù hợp với giá thị trường, đúng quy định pháp luật; kiểm tra tình hình thực hiện tại các địa phương có các dự án công trình giao thông trọng điểm.

Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ trưởng Bộ GTVT chỉ đạo, tổ chức xác định danh mục, lập kế hoạch rà soát định mức dự toán các công tác xây dựng đặc thù của ngành đồng thời tổ chức xây dựng các định mức dự toán thuộc thẩm quyền của Bộ GTVT gửi Bộ Xây dựng có ý kiến trước khi ban hành… Phối hợp với Bộ Xây dựng rà soát để hoàn thiện các định mức xây dựng bảo đảm phù hợp với đặc điểm của ngành giao thông vận tải.

Thực hiện chỉ đạo nêu trên của Thủ tướng, ngày 29/1, hai Bộ gồm Xây dựng và GTVT đã có cuộc họp triển khai Công điện số 02. Tại cuộc họp này, ông Nguyễn Thế Minh, Phó cục trưởng Cục Quản lý đầu tư xây dựng (Bộ GTVT) cũng thừa nhận: Hiện nay, định mức đối với các công trình giao thông được Bộ Xây dựng ban hành tại Thông tư 12 còn thiếu nhiều định mức để sử dụng, nhiều định mức đã ban hành nhưng chưa phù hợp. Đặc biệt, với các dự án đầu tư công còn chịu sự quản lý của các cơ quan hậu kiểm.

Thực tế, các cơ quan hậu kiểm đều xác định định mức, giá vật liệu, nhân công, máy thi công theo công bố của cơ quan có thẩm quyền để xác định lại dự toán và làm cơ sở để yêu cầu giảm trừ thanh toán.

Vì vậy, dù đã có quy định nhưng các chủ đầu tư vẫn sử dụng giá vật liệu, nhân công, máy thi công theo công bố giá của địa phương để phê duyệt dự toán xây dựng công trình và thường chưa phù hợp với mặt bằng giá thị trường và điều kiện cụ thể của dự án.

Về đơn giá nhân công, Cục Quản lý đầu tư xây dựng của Bộ GTVT cũng nhận định: Theo quy định, đơn giá nhân công do các địa phương công bố hiện nay trên cơ sở áp dụng mức lương tối thiểu vùng và tham khảo khung giá của Bộ Xây dựng ban hành. Nhưng, thực tế giá nhân công ban hành đang thấp hơn so với giá nhân công lao động phổ thông trên thị trường.

Riêng về quản lý chi phí, giá vật liệu theo quy định hiện hành được xác định theo thông báo giá của địa phương hoặc báo giá của nhà cung ứng.Tuy nhiên, đối với dự án được áp dụng cơ chế đặc thù trong khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, việc xác định giá vật liệu khai thác tại mỏ phụ thuộc vào giá thỏa thuận với chủ sở hữu đất khu vực mỏ (giá chuyển nhượng, thuê quyền sử dụng đất, hỗ trợ hòa màu trên đất). Giá thỏa thuận giữa các chủ sở hữu còn chưa thống nhất, chênh lệch lớn và chưa có hướng dẫn cụ thể nên khó khăn cho công tác quản lý chi phí của các chủ đầu tư.

“Cục Quản lý đầu tư xây dựng đã rà soát, tổng hợp, có văn bản gửi Cục Kinh tế (Bộ Xây dựng), trong đó có 547 mã định mức dự toán xây dựng công trình cần xây dựng mới và điều chỉnh để ban hành”, ông Nguyễn Thế Minh cho hay.

Nguồn: Phan Trang – Báo điện tử chính phủ

https://baochinhphu.vn/som-thao-vong-kim-co-don-gia-dinh-muc-trong-xay-dung-cong-trinh-giao-thong-10224031113544557.htm