Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tín dụng phải là một dòng chảy liên tục

Chiều 30/11, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tín dụng phải là một dòng chảy liên tục- Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái chủ trì cuộc họp với về điều hành tăng trưởng tín dụng trong thời gian cuối năm 2023. Ảnh VGP/Quang Thương

Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nêu rõ, đến thời điểm hiện tại tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,4%, thấp hơn so với kế hoạch đặt ra là phấn đấu tăng trưởng tín dụng bình quân toàn hệ thống năm 2023 khoảng 14%.

Vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã có công điện gửi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam về điều hành tăng trưởng tín dụng những tháng cuối năm 2023.

Trong đó, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước khẩn trương rà soát toàn diện kết quả cấp tín dụng của hệ thống các tổ chức tín dụng đối với nền kinh tế, từng ngành, từng lĩnh vực; kết quả cấp tín dụng của từng tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại đến thời điểm hiện tại để theo thẩm quyền và quy định của pháp luật có biện pháp điều hành tăng trưởng tín dụng năm 2023 kịp thời, hiệu quả, khả thi, bảo đảm cung cấp đủ vốn tín dụng phục vụ nền kinh tế và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng, tuyệt đối không để tắc nghẽn, ách tắc, chậm trễ, không đúng thời điểm. Trường hợp có nội dung vượt thẩm quyền, kịp thời báo cáo, đề xuất cấp có thẩm quyền theo quy định. Báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình, kết quả thực hiện trước ngày 01 tháng 12 năm 2023.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh “tín dụng phải là một dòng chảy liên tục”, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ rất quan tâm đến vấn đề này và yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam báo cáo, đánh giá cụ thể tình hình, làm rõ những vướng mắc và giải pháp trong điều hành tín dụng; đề nghị các bộ ngành, ngân hàng thương mại góp ý cụ thể, đề xuất các biện pháp phù hợp, hiệu quả trong thời gian tới theo mục tiêu đề ra cho thời gian còn lại của năm 2023 và năm 2024.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tín dụng phải là một dòng chảy liên tục- Ảnh 2.

Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà trình bày báo cáo. Ảnh VGP/Quang Thương

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước tính đến ngày 23/11/2023 dư nợ toàn hệ thống tăng 8,38% so với cuối tháng 12 năm ngoái mức đã giao cho các Tổ chức tín dụng. Theo đó dư địa còn lại của toàn hệ thống để các tổ chức tín dụng mở rộng tăng trưởng tín dụng là rất lớn khoảng 6,2% tương đương khoảng 735 nghìn tỷ đồng để cấp cho nền kinh tế.

Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng thời gian qua chưa cao chủ yếu do nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn, quá trình phục hồi còn chậm nên cầu tín dụng giảm và sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp và nền kinh tế còn yếu…

Phát biểu tại cuộc họp, đại diện các ngân hàng: Tiên phong, Sacombank, Techcombank, VPBank, MBBank,… cho rằng mục tiêu tăng trưởng tín dụng đặt ra trong năm nay 14,5% cao hơn trước. Tuy nhiên, trong bối cảnh khó khăn chung, cầu tín dụng suy giảm, dù NHNN điều hành khá hợp lý, mặt bằng lãi suất cho vay đã hạ sâu so với năm 2022, các ngân hàng thương mại cũng đưa ra nhiều chương trình ưu đãi, chủ động tìm kiếm khách hàng,… nhưng việc giải ngân vẫn gặp khó khăn.

Từ nay tới cuối năm các ngân hàng sẽ tiếp tục bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước, rà soát lại các khách hàng, nỗ lực đẩy mạnh cho vay, nhằm đạt kết quả cao nhất mục tiêu đề ra.

Các ngân hàng cũng cho rằng, về vốn hiện các ngân hàng không thiếu nhưng để bơm vốn cho nền kinh tế, bảo đảm mục tiêu tăng trưởng tín dụng, vấn đề không chỉ nằm ở công tác điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng hay room tín dụng mà còn nằm ở khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế.

Làm ngân hàng, nhất là ngân hàng thương mại thì “ai cũng thích cho vay”, không cho vay được là “thất nghiệp”. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, tất cả các phân khúc khách hàng đều bị ảnh hưởng nên giải ngân tín dụng là “bài toán khó”.

Thực tế cho thấy, khi thị trường nước ngoài giảm sút, tổng cầu trong nước và thế giới đều giảm, doanh nghiệp không có đơn hàng, co cụm lại, không những không vay vốn mà khi bán được hàng tồn kho họ còn trả lại tiền cho ngân hàng. Những người có khả năng vay và trả thì không có nhu cầu, bởi nếu vay vốn sản xuất mà để tồn kho thì rất nguy hiểm. Chính vì vậy đối với những khách hàng tốt, các ngân hàng thương mại “tranh nhau để cho vay”, nhưng cũng có những nhóm khách hàng cần phải thận trọng để để phòng ngừa rủi ro.

Cho rằng để giải ngân tín dụng cần có giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, sự nỗ lực vượt khó của các doanh nghiệp để nâng cao khả năng hấp thụ vốn, giống như việc “không thể vỗ tay bằng một bàn tay”, các ngân hàng thương mại đề nghị cơ quan có thẩm quyền tiếp tục nghiên cứu, triển khai các giải pháp tổng thể hơn, nhất là giải quyết những vướng mắc pháp lý liên quan tới các dự án bất động sản; triển khai các giải pháp kích cầu tiêu dùng trong nước nhất là trong dịp tết nguyên đán sắp tới; đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công để dẫn dắt đầu tư tư,… qua đó khơi thông “mạch máu” tín dụng.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tín dụng phải là một dòng chảy liên tục- Ảnh 3.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị NHNN nghiên cứu các ý kiến phát biểu của ngân hàng thương mại để phát huy những ưu điểm, khắc phục những vấn đề còn tồn tại để điều hành tín dụng tốt hơn trong thời gian tới. Ảnh VGP/Quang Thương

Phát biểu kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đánh giá cao NHNN, các bộ ngành, các ngân hàng thương mại đã phát biểu rất trách nhiệm. Tuy nhiên, do thời gian có hạn nên có thể chưa nêu được hết ý kiến, Phó Thủ tướng đề nghị các ngân hàng thương mại tiếp tục phản ánh để NHNN cũng như Thủ tướng Chính phủ nắm bắt được tình hình, trên cơ sở đó có những giải pháp điều hành hiệu quả, đáp ứng được yêu cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị NHNN nghiên cứu các ý kiến phát biểu của ngân hàng thương mại để phát huy những ưu điểm, khắc phục những vấn đề còn tồn tại để điều hành tín dụng tốt hơn trong thời gian tới.

Phó Thủ tướng nhấn mạnh, dù Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hết sức quan tâm đến công tác điều hành chính sách tiền tệ nói chung, chính sách tín dụng nói riêng để bơm vốn cho nền kinh tế, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, nhưng đến thời điểm hiện tại, chỉ còn 1 tháng nữa là kết thúc năm 2023, tăng trưởng tín dụng không đạt được như mục tiêu đặt ra từ đầu năm là 14,5% (tính đến 23/11, tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 8,35%, dư địa còn trên 6%).

Cho rằng, vấn đề này là do nhiều nguyên nhân, nhưng trong khuôn khổ một cuộc họp chưa thể tổng kết hết được, Phó Thủ tướng đề nghị trong dịp cuối năm, NHNN cần phân tích, đánh giá cụ thể, chi tiết, đầy đủ tất cả các khía cạnh trong điều hành tín dụng, khả năng hấp thụ vốn, rà soát tất cả các vướng mắc để cùng nhau tháo gỡ kịp thời nhằm điều hành tốt hơn trong năm tới.

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái: Tín dụng phải là một dòng chảy liên tục- Ảnh 4.

Phó Thủ tướng đề nghị NHNN và các ngân hàng cần phải chủ động hơn nữa, sẵn sàng hơn nữa để giải ngân vốn kịp thời khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện. Ảnh VGP/ Quang Thương

“Ngân hàng Nhà nước cần phải bám sát tình hình thực tế của nền kinh tế và nhu cầu của cộng đồng doanh nghiệp, người dân, rà soát, “xem lại” các quy định để điều chỉnh, nhằm điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng chủ động, linh hoạt hơn nữa”, Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Trong thời gian còn lại của năm 2023, Phó Thủ tướng đề nghị Ngân hàng Nhà nước bám sát các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, nỗ lực hơn nữa tìm thêm các giải pháp điều hành, cấp tín dụng cho nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hướng dòng vốn vào các lĩnh vực ưu tiên theo quy định của pháp luật và bảo đảm an toàn hệ thống.

Chia sẻ quan điểm “không thể vỗ tay bằng một bàn tay” của đại diện một ngân hàng thương mại nêu trong cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái cũng cho rằng “nếu 2 bàn tay mà không vỗ trúng vào nhau thì cũng không thể thành tiếng”, do đó ông đề nghị NHNN và các ngân hàng cần phải chủ động hơn nữa, sẵn sàng hơn nữa để giải ngân vốn kịp thời khi doanh nghiệp, người dân có nhu cầu và đảm bảo điều kiện.

Đồng thời, Phó Thủ tướng cũng đề nghị các bộ ngành, địa phương căn cứ vào các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục nêu cao tinh thần trách nhiệm, tập trung tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và nền kinh tế, nhất là các vấn đề liên quan đến kích cầu tiêu dùng, thúc đẩy thị trường bất động sản, đẩy mạnh đầu tư công,… cùng với Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng thương mại nỗ lực vượt qua khó khăn, thực hiện tốt mục tiêu vừa bảo đảm bơm vốn cho nền kinh tế vừa giữ an toàn hệ thống tín dụng, tạo đà cho sự phát triển tốt hơn trong năm 2024./.

Nguồn: Trần Mạnh – Báo điện tử Chính phủ