Số liệu từ Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) cho thấy, đóng cửa ngày 21/11, lực mua chiếm ưu thế trên cả 4 nhóm hàng hóa nguyên liệu đang được giao dịch liên thông thế giới tại MXV.
Chỉ số MXV-Index tăng 0,36% lên 2.219 điểm, nối dài đà tăng sang ngày thứ 3 liên tiếp, đồng thời đánh dấu ngày thứ hai cả 4 nhóm mặt hàng đồng loạt giữ được xu hướng tăng. Giá trị giao dịch toàn Sở đạt gần 3.200 tỷ đồng.
Với 6/7 mặt hàng đồng loạt chốt ngày trong sắc xanh, nông sản là nhóm dẫn dắt xu hướng chung của thị trường trong ngày hôm qua. Đây cũng đồng thời là nhóm mặt hàng ghi nhận khối lượng giao dịch cao nhất, chiếm đến 32% tổng lượng tiền của toàn thị trường.
Lúa mì kết thúc chuỗi giảm giá 5 ngày liên tiếp
Chốt ngày ngày giao dịch 21/11, lúa mì là mặt hàng dẫn đầu đà tăng của cả nhóm nông sản, với mức tăng lên tới 2,15%. Nhịp tăng này cũng giúp giá lúa mì kết thúc chuỗi giảm kéo dài trong 5 phiên liên tiếp trước đó. MXV cho biết, bên cạnh lực mua kỹ thuật của thị trường, căng thẳng leo thang ở khu vực Biển Đen là 2 yếu tố hỗ trợ chính giá lúa mì trong hôm qua.
Trong khi đó, giá ngô hợp đồng tháng 3 tiếp tục diễn biến giằng co và đóng cửa hôm qua với mức tăng nhẹ 0,31%. Một mặt, những thông tin về tình hình nguồn cung từ Nam Mỹ mang tính chất hỗ trợ giá. Mặt khác, sức ép đối với giá ngô đến từ lực bán kỹ thuật của thị trường.
Thêm tín hiệu nguồn cung tích cực gây sức ép lên giá cà phê
Trên thị trường cà phê, giá 2 mặt hàng chính trở lại xu hướng cùng chiều. Trong đó, giá Robusta nối dài đà giảm sang phiên thứ ba liên tiếp khi mất 0,92% và giá Arabica thấp hơn 1,52% so với tham chiếu. MXV cho biết nguồn cung cà phê tại 2 quốc gia sản xuất hàng đầu là Brazil và Việt Nam đều có tín hiệu tích cực đã gây sức ép lên giá trong hôm qua.
Đồng Real nội địa của Brazil giảm mạnh, kéo tỷ giá USD/BRL tăng gần 1% so với tham chiếu. Chênh lệch tỷ giá đã thúc đẩy nông dân Brazil bán cà phê nhờ thu về nhiều ngoại tệ. Bên cạnh đó, thống kê từ Hiệp hội Những nhà Xuất khẩu Cà phê Brazil (CECAFE), quốc gia này đã xuất đi 2,76 triệu bao cà phê trong 20 ngày đầu tháng 11, tăng 14% so với mức 2,42 triệu bao trong tháng trước.
Hơn nữa, mưa quay lại vùng trồng cà phê chính của Brazil là tín hiệu tốt cho sự phát triển của niên vụ 2024/25, từ đó đưa đến triển vọng nguồn cung tích cực hơn.
Riêng với Robusta, Reuters đưa tin Việt Nam đã thu hoạch được 10-20% cà phê theo kế hoạch của niên vụ 2023/24. Việc có cà phê vụ mới đã thúc đẩy hoạt động xuất khẩu. Theo Tổng cục Hải quan, trong nửa đầu tháng 11, nước ta đã xuất 36.968 tấn cà phê, cao gấp 2 lần so với cùng kỳ tháng trước.
Nguồn: Báo điện tử Chính phủ