Tính đến hết Quý I/2024, cả nước đã đưa 35.933 người ra nước ngoài làm việc. Để giữ ổn định các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, các cơ quan của Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tích cực khắc phục tình trạng lao động vi phạm hợp đồng và cư trú bất hợp pháp tại các nước, vùng lãnh thổ.
Năm 2024, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đặt mục tiêu đưa 125.000 lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, trong đó tập trung vào một số thị trường trọng điểm, truyền thống như Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc. Đáng chú ý, nhu cầu về nguồn nhân lực nước ngoài của Hàn Quốc, Nhật Bản, Đức tiếp tục gia tăng là các yếu tố thuận lợi, tạo tiền đề cho việc triển khai thực hiện các chương trình trong năm nay và các năm tiếp theo.
Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội), qua số liệu báo cáo của các doanh nghiệp, tổng số lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài trong tháng 3 vừa qua là 12.738 lao động. Tính chung trong quý I năm nay, 35.933 lao động đã đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Trong đó, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc) tiếp tục là các thị trường tiếp nhận chủ yếu lao động Việt Nam sang làm việc.
Giáo dục định hướng, nhận định rủi ro
Bên cạnh hai thị trường lớn trên, lao động Việt Nam còn sang làm việc tại Hàn Quốc, Trung Quốc, Singapore, Rumani, Thái Lan, Macao (Trung Quốc), Arab Saudi, Hungary và các thị trường khác… Để giữ ổn định các thị trường truyền thống và phát triển các thị trường mới, các cơ quan của Việt Nam đã thực hiện nhiều giải pháp, trong đó có việc tích cực khắc phục tình trạng lao động vi phạm hợp đồng (bỏ trốn) và cư trú bất hợp pháp tại các nước, vùng lãnh thổ.
Mục đích của lao động bỏ trốn và cư trú bất hợp pháp là để ở lại nước ngoài làm việc lâu hơn, có thu nhập cao hơn so với làm việc theo hợp đồng. Trước tình trạng đó, năm 2023, Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội đã phải ra thông báo tạm dừng tuyển chọn lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài (EPS) đợt 1 năm 2023 đối với 8 huyện, thị xã, thành phố của 4 tỉnh, do vẫn không giảm được tỷ lệ lao động hết hạn hợp đồng không về nước.
Nguồn: Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/nhieu-giai-phap-chan-chinh-lao-dong-vi-pham-hop-dong-102240410150709787.htm