“Năm 2016 là năm đất nước xảy ra nhiều thiên tai, trong đó có lũ lụt miền Trung, không bắn pháo hoa vào Tết cũng là hợp lòng dân”, ông Hùng chia sẻ.
Ngày 27/12, trao đổi với báo chí tại Hội nghị Giao ban trực tuyến Thường trực Thành ủy – HĐND – UBND thành phố với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã quý IV/2016, bà Ngô Thị Thanh Hằng – Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ thực hiện nghiêm túc Chỉ thị số 11 của Ban Bí thư Trung ương Đảng, không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2017.
Ban Bí thư yêu cầu các địa phương không bắn pháo hoa trong dịp Tết, dành thời gian và kinh phí chăm lo Tết cho người nghèo, khó khăn, gia đình chính sách. TP Hà Nội nghiêm túc thực hiện chỉ thị này.
Cũng theo lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, để tổ chức cho nhân dân Thủ đô đón xuân, thành phố sẽ có rất nhiều hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao diễn ra trong dịp Tết dương lịch và âm lịch.
Tết Nguyên đán 2017, Hà Nội không bắn pháo hoa. Ảnh minh họa
Bày tỏ quan điểm của mình về việc không tổ chức bắn pháo hoa dịp Tết Nguyên đán 2017, ông Nguyễn Hùng Vĩ, nhà nghiên cứu văn hóa dân gian cho biết: Pháo hoa là loại pháo lễ hội có lịch sử lâu đời, rất thịnh hành trong dân gian các nước phương Đông đặc biệt là Trung Hoa từ thời cổ đại. Tuy nhiên, hiện nay nó đã trở nên phổ biến, mỗi dịp lễ lớn, Tết, các nước thường hay bắn pháo hoa.
Bắn pháo hoa là một việc làm tương đối tốn kém nhưng lợi ích về tinh thần không ai đo đếm được, nó gần như là phong tục, tập quán của người Việt Nam cũng như của thế giới. Khi khoảnh khắc giao thừa đến, hình ảnh về chùm pháo hoa sẽ làm người ta cảm thấy phấn khởi, cầu mong mọi điều tốt đẹp nhất trong năm mới.
Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nguyễn Hùng Vĩ.
“Tôi cho rằng, việc Hà Nội quyết định không bắn pháo hoa trong dịp Tết năm nay là một động thái tốt. Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam đang khó khăn, việc tiết kiệm là cần thiết. Số tiền chi ra cho việc tổ chức bắn pháo hoa sẽ giúp được rất nhiều người, xây dựng được trường lớp và nhà tình thương… Những việc này thiết thực, cần thiết hơn so với việc bắn pháo hoa. Đương nhiên, việc không bắn pháo hoa nhiều người sẽ cảm thấy bớt vui nhưng mặt khác tình cảm, tinh thần dân tộc của chúng ta tốt lên”, ông Hùng Vĩ cho biết.
Xưa nay, đêm giao thừa, người dân Thủ đô có thói quen ra những điểm bắn pháo hoa để chào đón năm mới. Không chỉ các bạn trẻ mà những cặp vợ chồng có con nhỏ, thậm chí các cụ ông cụ bà cũng có sở thích như vậy.
Trước thông tin, dịp Tết Nguyên đán không bắn pháo hoa, ban đầu nhiều người dân Thủ đô cảm thấy hụt hẫng. Nhưng phần nhiều họ tỏ lòng tự hào khi biết số tiền chi cho bắn pháo hoa thành phố sẽ dành làm những việc cấp thiết hơn.
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Hào Hùng, 67 tuổi, (Nguyễn Khuyến, Đống Đa) nguyên là cán bộ công tác tại Viện Hàn lâm khoa học và công nghệ Việt Nam cho biết: “Tôi là người rất thích đi xem bắn pháo hoa vào đêm giao thừa. Đến điểm bắn pháo hoa cho tôi một cảm giác thiêng liêng khó tả. Nhưng trước thông tin năm nay Hà Nội sẽ không bắn pháo hoa mà để số tiền đó làm từ thiện, tôi hoàn toàn ủng hộ quyết định này của thành phố”.
Ông giải thích, năm 2016 là năm đất nước xảy ra nhiều thiên tai, trong đó có lũ lụt miền Trung, không bắn pháo hoa vào Tết cũng là hợp lòng dân. Từ xa xưa, đoàn kết, tương thân tương ái là một tình cảm đặc biệt của người Việt, nhờ đó mà dân tộc đã vượt qua bao khó khăn, thử thách, thiên tai, dịch bệnh.
Số tiền tiết kiệm từ việc bắn pháo hoa không hề nhỏ, người dân Hà Nội tự hào hơn khi là một trong những thành phố làm gương, tiết kiệm để làm việc thiện.
Ông Nguyễn Hào Hùng.
Ông Nguyễn Văn Tường (Thái Thịnh, Đống Đa) cho rằng, không có cái Tết nào lại ấm áp hơn bằng việc tất cả người Việt đều no đủ. Ông tin người dân ai cũng ủng hộ quyết định dành số tiền chi trả cho việc bắn pháo hoa để chia sẻ với đồng bào có hoàn cảnh khó khăn. Chúng ta có nhiều hình thức đón xuân như ra ngoài ngắm phố phường, thăm hỏi bạn bè, họ hàng.Tết sẽ không bớt vui chỉ vì không có pháo hoa đêm giao thừa.
Với giới trẻ Hà thành, giao thừa họ thường tụ tập bạn bè ngắm phố xá, thưởng thức màn bắn pháo hoa đầu năm. Vậy suy nghĩ của họ như thế nào khi Tết này không được ngắm pháo hoa như mọi năm.
“Việc Hà Nội không bắn pháo hoa dịp Tết mình thấy bình thường. Hơn nữa, mình cảm thấy vui khi số tiền đó sẽ được ủng hộ cho người nghèo. Chỉ mong năm sau đất nước ít thiên tai để dân bớt khổ. Theo mình được biết, không phải chỉ riêng Hà Nội không bắn, Đà Nẵng cũng sẽ không bắn pháo hoa dịp Tết này”, chị Đỗ Thị Tâm, 25 tuổi cho biết.
Chị Đỗ Thị Tâm.
Còn chị Nguyễn Thị Ngọc, 24 tuổi, cho biết: “Từ khi biết tin Hà Nội không bắn pháo hoa, trong đầu mình đã nghĩ năm nay sẽ đi thăm bà con, họ hàng ngay trong đêm giao thừa, mọi năm, 30 Tết sẽ đi ngắm pháo hoa. Tiết kiệm tiền từ việc bắn pháo hoa để ủng hộ người dân khó khăn, đây là một việc làm hết sức ý nghĩa, lại tiết kiệm. Hơn nữa, các cô, chú là công nhân vệ sinh sẽ đỡ vất vả khi lượng rác thải ra ít. Mọi năm, khi xem bắn pháo hoa ở bờ Hồ Hoàn Kiếm, rác thải ra rất nhiều”.
Nguồn từ thế giới trẻ