Đồng lòng cùng chính quyền địa phương, ngư dân TP. Đà Nẵng tích cực hợp tác chống khai thác IUU, mong muốn sớm gỡ “thẻ vàng” của Ủy ban châu Âu (EC) đối với ngành thủy sản.
Ngư dân tuân thủ các quy định pháp luật, không khai thác ở vùng biển nước ngoài
Thời gian qua, bằng lòng kiên trì, sự nỗ lực của các cơ quan, đơn vị, địa phương trong công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chống khai thác IUU… đã dần làm thay đổi nhận thức của ngư dân Đà Nẵng trong bảo vệ, khai thác bền vững tài nguyên thủy hải sản. Ngư dân đã hiểu, việc gỡ “thẻ vàng” có lợi cho đầu ra hải sản đánh bắt của chính mình, cũng là góp sức cho phát triển kinh tế biển.
Ngư dân Tăng Thượng Phục (52 tuổi, chủ tàu DNa 90866TS, trú phường Nại Hiên Đông, quận Sơn Trà) chia sẻ: “Trước khi tàu xuất bến, chúng tôi kiểm tra kỹ thiết bị giám sát hành trình, khai báo đầy đủ các thủ tục tại cảng cá. Nếu những năm trước việc ghi nhận ký khai thác còn khó khăn, thì bây giờ đã trở thành thói quen. Khi ra khơi, chúng tôi chỉ đánh bắt ở ngư trường của Việt Nam, tuyệt đối không xâm phạm vùng biển nước ngoài, bởi vi phạm không chỉ bị bắt giữ, phạt tiền, mà ảnh hưởng đến nỗ lực gỡ ‘thẻ vàng’ đối với thủy sản của cả nước”.
Còn ông Trương Văn Dũng (thuyền trưởng tàu DNa 90944 TS, trú phường Xuân Hà, quận Thanh Khê) cho biết, để góp phần gỡ “thẻ vàng”, tàu ông luôn thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật. Trong suốt hành trình khai thác trên biển, ông ghi lại nhật ký khai thác và mở thiết bị giám sát hành trình, đồng thời liên hệ với ban quản lý cảng cá khi xuất hoặc cập bến.
“Nếu việc làm của mỗi cá nhân mà ảnh hưởng đến cả cộng đồng, xã hội, thì mình cần phải thay đổi. Việc vẫn còn một vài ngư dân đánh bắt trái phép vùng biển nước ngoài sẽ gây tổn hại chung cho cả ngành thủy sản, làm ảnh hưởng trực tiếp đến những ngư dân tuân thủ quy định. Do đó, tôi mong muốn ngư dân trên cả nước đều tuân thủ pháp luật, nâng cao nhận thức để sớm gỡ ‘thẻ vàng’ trong đợt kiểm tra sắp tới”, ngư dân Trương Văn Dũng mong muốn.
Không có tàu cá vi phạm đánh bắt vùng biển nước ngoài
Hiện Đà Nẵng có 1.192 tàu cá đã đăng ký, trong đó có 286 tàu khai thác ven bờ, 311 tàu khai thác vùng lộng, 595 tàu khai thác vùng khơi. Việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình cho tàu cá khai thác vùng khơi được hoàn thành.
Năm 2023, lực lượng chức năng đã xử lý 53 trường hợp tàu thuyền vi phạm với hơn 1,2 tỷ đồng. Các lỗi vi phạm chủ yếu là không duy trì thiết bị giám sát hành trình, vi phạm việc khai thác trái vùng, trái tuyến, không tuân thủ việc chấp hành quy định nội quy cảng cá và một số vi phạm khác liên quan đến nhật ký khai thác.
Ông Phan Văn Mỹ, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT TP. Đà Nẵng cho biết, để chống khai thác IUU, Thành phố tập trung rà soát, thống kê để quản lý chặt chẽ các đội tàu, xử lý nghiêm các trường hợp khai thác trái tuyến, vượt ranh giới. Khi phát hiện tàu cá vi phạm thì lực lượng chức năng xử lý nghiêm rồi mới cho bốc dỡ thủy sản xuống cảng.
Hằng ngày tại âu thuyền và cảng cá luôn có lực lượng kiểm tra tàu thuyền cập bến, xuất bến, kiểm tra nhật ký khai thác. Nhờ triển khai tốt các biện pháp, đến nay Đà Nẵng không có tàu cá vi phạm khai thác tại vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý.
Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng Trần Chí Cường cho biết, thời gian qua, Thành phố đã ban hành nhiều chính sách hỗ trợ, đầu tư hoàn thiện đồng bộ hạ tầng nghề cá tại âu thuyền và cảng cá Thọ Quang; tăng cường công tác quản lý khai thác, bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản, hiện đại hóa công tác quản lý nghề cá trên biển, chống khai thác IUU…
Thành phố tập trung thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản, như hỗ trợ đóng mới tàu cá, chi phí nhiên liệu, bảo hiểm thân tàu, thuyền viên, ứng dụng công nghệ tiên tiến trong khai thác và bảo quản sản phẩm; hỗ trợ thiết bị thông tin liên lạc, giám sát hành trình, chuyển đổi nghề khai thác…
Theo lãnh đạo UBND TP. Đà Nẵng, những chính sách hỗ trợ đã giải quyết kịp thời khó khăn, giúp bà con ngư dân có điều kiện phát triển đội tàu mới khai thác vùng khơi được trang bị đầy đủ các máy móc, thiết bị công nghệ hiện đại, đảm bảo thông tin liên lạc.
Triển khai tốt các chính sách đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức của ngư dân về sự quan tâm của Nhà nước trong phát triển thủy sản, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển tại các ngư trường truyền thống như Hoàng Sa, Trường Sa; nâng cao ý thức về bảo vệ, giữ gìn chủ quyền biển, đảo, chống khai thác IUU. Kết quả, từ năm 2007 đến nay không có tàu cá Đà Nẵng bị nước ngoài bắt giữ, xử lý.
Tại Đà Nẵng, hiện số lượng tàu cá khai thác ở vùng khơi chiếm 50% tổng số tàu cá của Thành phố hàng năm cung cấp 35.000-36.000 tấn hải sản, giúp giải quyết việc làm 6.000 lao động, góp phần thúc đẩy các lĩnh vực công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch.
“Thời gian tới, để hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển và góp phần cùng cả nước gỡ ‘thẻ vàng’, Đà Nẵng sẽ tập trung thực hiện Chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 và kế hoạch phòng, chống khai thác IUU tại thành phố giai đoạn 2023-2025; tiếp tục thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ phát triển thủy sản. Đồng thời nghiên cứu xây dựng và phát triển các mô hình liên kết, liên doanh, gắn kết các khâu trong quá trình sản xuất, từ khai thác, bảo quản đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm theo hướng nâng cao giá trị của sản phẩm và lợi nhuận cho ngư dân”, Phó Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng thông tin thêm.
Nguồn: Lưu Hương – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/ngu-dan-da-nang-chung-tay-go-the-vang-khai-thac-iuu-102240406093326743.htm