Ngày 02/7, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đã nghe báo cáo về việc rà soát, xây dựng 1 luật sửa đổi một số Luật về thúc đẩy tăng trưởng. Dự cuộc họp có các Thứ trưởng Đặng Hoàng Oanh, Trần Tiến Dũng.
Theo báo cáo tại cuộc họp, liên quan đến phương án rà soát, xây dựng một luật sửa một số luật về thúc đẩy tăng trưởng, Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (QPPL) đã và đang tiếp tục cập nhật thông tin tình hình xử lý kết quả rà soát được chỉ ra tại 02 Báo cáo của Chính phủ về thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV thông qua đầu mối Vụ Pháp chế tại các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan trong lĩnh vực kinh tế (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn,…) để có cơ sở tham mưu, báo cáo Phó Thủ tướng, Lãnh đạo Bộ.
Để việc triển khai nhiệm vụ bảo đảm tiến độ, chất lượng, Cục Kiểm tra văn bản QPPL đề xuất các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan cần chủ động cân nhắc, lựa chọn, đề xuất các nội dung là kết quả rà soát đã được chỉ ra tại 02 Báo cáo rà soát Chính phủ trình Quốc hội khóa XV, nhất là các nội dung về thúc đẩy tăng trưởng, làm cơ sở xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số luật để kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc.
Trên cơ sở đề xuất của các Bộ, ngành, Bộ Tư pháp chủ trì tổng hợp và tham mưu Ban Chỉ đạo để lựa chọn cơ quan phù hợp giao tổ chức xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số luật theo quy trình thủ tục rút gọn.
Phát biểu tại cuộc họp, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long đề nghị Cục Kiểm tra văn bản QPPL chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan khẩn trương hoàn thiện các hồ sơ, tài liệu, trình Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, trong đó xác định rõ 02 mảng việc của Ban Chỉ đạo: Đôn đốc xử lý đối với kết quả rà soát đã được chỉ ra tại Báo cáo của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV; tiếp tục rà soát, phát hiện những vấn đề vướng mắc phát sinh (nếu có).
Đồng thời, Bộ Tư pháp cần tiếp tục rà soát, tổng hợp thông tin về các luật, nghị định, thông tư là kết quả tại 02 Báo cáo của Chính phủ trình Quốc hội; nghiên cứu, đề xuất phương án một văn bản sửa nhiều văn bản sao cho phù hợp, theo hướng sau:
Đối với luật: nghiên cứu, cân nhắc phương án một luật sửa đổi một số luật theo quy trình thủ tục rút gọn với trọng tâm là những luật trong lĩnh vực kinh tế đã được rà soát, có nội dung cần xử lý nhưng chưa có trong Chương trình, kế hoạch của Quốc hội và Chính phủ; bên cạnh đó, đối với các luật đã có trong Chương trình, kế hoạch nhưng thời hạn không phải trong năm 2024, 2025 thì có thể cân nhắc, xem xét bổ sung các nội dung cần thiết phải sửa đổi, bổ sung hoặc bãi bỏ ngay để đảm bảo kịp thời tháo gỡ vướng mắc;
Đối với nghị định của Chính phủ, thông tư của các Bộ: tiếp tục tổng hợp thông tin, ý kiến của các bộ, ngành đến 10/7/2024 để có cơ sở đề xuất phương án xử lý phù hợp, trường hợp cần thiết, có thể nhóm vấn đề để xây dựng nghị định sửa đổi nhiều nghị định; đôn đốc các Bộ, cơ quan ngang Bộ khẩn trương xử lý theo thẩm quyền đối với các thông tư do Bộ, cơ quan ngang Bộ ban hành.
Theo đó, các cơ quan, đơn vị liên quan cần khẩn trương, tích cực, chủ động thực hiện nhiệm vụ trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình để chuẩn bị cho Phiên họp lần thứ nhất của Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống VBQPPL ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ ký ban hành Quyết định thành lập để đảm bảo hoàn thành các mục tiêu của Ban Chỉ đạo theo đúng tiến độ, chất lượng và hiệu quả.
Nguồn: LS – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/nghien-cuu-phuong-an-mot-luat-sua-nhieu-luat-theo-thu-tuc-rut-gon-102240702205501994.htm