Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5/2024 diễn ra vào sáng 1/6, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, kinh tế vĩ mô 5 tháng cơ bản ổn định, nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, được các tổ chức quốc tế, doanh nghiệp đánh giá cao.

Nền kinh tế tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước- Ảnh 1.

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng: “Các bộ, ngành, địa phương đã khẩn trương, quyết liệt triển khai công việc. Đây là nền tảng để chúng ta phấn đấu hoàn thành thắng lợi Kế hoạch phát triển KTXH năm 2024”. Ảnh: Nhật Bắc/VGP

Nhiều kết quả khả quan trong bối cảnh khó lường

Báo cáo của Bộ Kế hoạch và Đầu tư chỉ ra rằng, tình hình thế giới tháng 5 tiếp tục bất ổn, khó lường hơn, nhiều khó khăn, thách thức lớn, đặc biệt là tình trạng xung đột quân sự, bất ổn chính trị leo thang tại Trung Đông, một số quốc gia, khu vực; yếu tố bất định, trái chiều giữa chính sách tiền tệ của Mỹ với các nền kinh tế lớn.

Cùng với đó là cạnh tranh chiến lược, sự đối đầu về công nghệ, thương mại, tài nguyên giữa các nước lớn; biến động của thị trường tài chính, tiền tệ, giá vàng, xăng dầu, nguyên vật liệu, hàng hóa, vận tải thế giới… Các yếu tố này đã tác động đến niềm tin thị trường, tâm lý nhà đầu tư tại nhiều quốc gia. Một số nước đã ban hành các gói kích thích kinh tế mới. Nhìn chung, các nước đang đối mặt với sức ép ngày càng lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng; công tác dự báo, ứng phó ngày càng khó khăn, bị động hơn.

Trong nước, các hoạt động kinh tế, xã hội, sản xuất kinh doanh tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước. Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn, an ninh năng lượng được bảo đảm. Tăng trưởng quý I của Việt Nam cao nhất ASEAN. IMF dự báo Việt Nam sẽ tăng trưởng cao nhất ASEAN và thuộc nhóm 10 nước dẫn đầu châu Á trong giai đoạn 2024-2029.

Hội nghị Trung ương 8 đã thành công tốt đẹp, kỳ họp thứ 7 của Quốc hội được khai mạc, quyết nghị nhiều vấn đề quan trọng về thể chế, chính sách, định hướng phát triển đất nước trong thời gian tới.

Chính phủ tiếp tục nêu cao tinh thần “5 quyết tâm”, “5 bảo đảm” và “5 đẩy mạnh”, chỉ đạo các cấp, ngành, địa phương nỗ lực cao nhất để hoàn thành tốt nhất các nhiệm vụ, khối lượng công việc lớn đặt ra.

Bức tranh kinh tế có những điểm sáng nổi bật: Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát cơ bản được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm; tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, hài hòa với điều hành lãi suất; thu NSNN 5 tháng ước đạt 52,8% dự toán, tăng 14,8% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 5 tháng tăng lần lượt là 16,6%, 15,2% và 18,2% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,01 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Mỹ, EU, Trung Quốc… đều tăng trưởng cao; tổng vốn FDI đăng ký 5 tháng đạt hơn 11 tỷ USD, tăng 2% so với cùng kỳ, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 7,9 tỷ USD, tăng 50,8%; vốn thực hiện đạt khoảng 8,25 tỷ USD, tăng 7,8%; hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục đà tăng trưởng.

Đồng thời, thể chế, pháp luật, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được đẩy mạnh. An sinh xã hội được bảo đảm, đời sống người dân tiếp tục được nâng lên. Các lĩnh vực văn hóa tiếp tục được quan tâm. Ổn định chính trị, độc lập, chủ quyền quốc gia được giữ vững; tiềm lực quốc phòng, an ninh được tăng cường. Công tác đối ngoại, ngoại giao kinh tế, nhất là đối ngoại cấp cao tiếp tục được triển khai chủ động, tích cực và hiệu quả.

Lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý

Bên cạnh kết quả đã đạt được, các khó khăn, thách thức chung của thế giới, khu vực tiếp tục tác động không nhỏ đến kinh tế-xã hội nước ta. Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh đến một số vấn đề.

Trước tiên, nền kinh tế đối mặt với thách thức ngày càng lớn cả về tăng trưởng và kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tăng trưởng tiếp tục phục hồi tích cực, nhưng dự báo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Một số nước triển khai các gói kích thích kinh tế mới, làm tăng thêm sức ép cạnh tranh, yêu cầu nền kinh tế phải phục hồi và tăng trưởng nhanh hơn nữa để theo kịp với thế giới, khu vực.

Lạm phát có thể tăng do biến động nguồn cung, giá cả thế giới; do nhu cầu sử dụng điện, vận tải hành khách… trong nước tăng khi vào mùa cao điểm nắng nóng và du lịch hè. Đồng thời, tỷ giá dự báo tiếp tục chịu áp lực điều chỉnh do sức ép từ bên ngoài. Tâm lý thị trường do kỳ vọng lạm phát, tỷ giá tăng là vấn đề cần quan tâm, nhất là liên quan đến việc điều hành chính sách tiền tệ, lãi suất, tăng giá hàng hóa, dịch vụ…

Do đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng lạm phát là vấn đề cần đặc biệt lưu ý, theo dõi sát để có giải pháp điều hành giá chặt chẽ, thận trọng, phù hợp, kịp thời, thống nhất, hiệu quả, khẳng định quan điểm nhất quán là ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát.

Thứ hai, sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp còn nhiều khó khăn, thách thức.

Thứ ba, một số quy định phân cấp, phân quyền còn vướng mắc; thị trường bất động sản, giá vé máy bay… còn có những bất cập.

Tâm lý sợ sai, sợ trách nhiệm chưa được xử lý dứt điểm; kỷ luật, kỷ cương có lúc, có nơi còn chưa nghiêm.

Một số quy định, thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh chưa được cắt giảm triệt để, còn rườm rà, ách tắc, gây khó khăn cho doanh nghiệp, người dân.

Thứ tư, tình hình thiên tai, nắng nóng, thiếu nước, xâm nhập mặn… tiếp tục diễn biến rất phức tạp, tiềm ẩn nhiều rủi ro đến sản xuất nông nghiệp, phòng chống cháy rừng, sản xuất điện, cân đối nguồn điện trong nước.

Thứ năm, đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn. Một số vụ cháy lớn gây thiệt hại lớn về người và tài sản tại khu vực đông dân cư. Vấn đề an toàn lao động, vệ sinh thực phẩm, vệ sinh công cộng, bạo lực học đường, ngập úng, ùn tắc, ô nhiễm tại các đô thị lớn… vẫn là những thách thức lớn.

“Khó khăn, thách thức còn rất lớn. Các cấp, ngành, địa phương cần phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, tiếp tục thực hiện nhất quán, kiên định với mục tiêu ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn; chủ động tham mưu, điều hành linh hoạt, thận trọng, chắc chắn trước các vấn đề phát sinh; bảo đảm tiến độ công việc được giao”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết.

Nhiệm vụ trọng tâm của tháng 6 và quý III

Trên cơ sở tổng kết những kết quả đạt được, nhận diện, phân tích các hạn chế và dự báo rủi ro tiềm ẩn, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã tham mưu, đề xuất với Chính phủ các nhóm nhiệm vụ trọng tâm của tháng 6 và quý III như sau:

Một là, khẩn trương hoàn thành công việc để thực hiện chính sách tiền lương mới kể từ ngày 1/7/2024.

Hai là, khẩn trương ban hành, hoàn thiện các văn bản hướng dẫn ở cả Trung ương và địa phương để áp dụng Luật Đất đai, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở sau khi được Quốc hội cho phép thi hành từ ngày 1/8/2024.

Ba là, tiếp tục thúc đẩy mạnh mẽ và làm mới các động lực tăng trưởng về đầu tư, tiêu dùng và xuất khẩu; khai thác tối đa các động lực tăng trưởng mới từ chuyển đổi số, chuyển đổi xanh…

Bốn là, theo dõi chặt chẽ lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế. Phối hợp chặt chẽ, hiệu quả, hài hòa các chính sách kinh tế vĩ mô, chủ động phương án ứng phó với các tình huống mới có thể phát sinh.

Năm là, tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật theo hướng đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa. Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; chấn chỉnh, khắc phục việc né tránh, đùn đẩy trách nhiệm; thực hiện hiệu quả quy định về bảo vệ cán bộ, dám nghĩ, dám làm.

Song song với các nhiệm vụ trên, cần tập trung cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước quốc tế, thỏa thuận của lãnh đạo cấp cao; khai thác tối đa thời cơ, cơ hội mới cho tăng trưởng và phát triển; chú trọng làm tốt công tác an sinh xã hội, phát triển văn hóa, giáo dục, y tế, bảo vệ môi trường; phòng cháy, chữa cháy, nhất là ở khu vực đông dân cư, tập trung nhiều hàng hóa; phòng chống thiên tai, hạn hán, thiếu nước, xâm nhập mặn…; chủ động xây dựng kế hoạch, phương án điều tiết, bảo đảm đủ nước cho sản xuất nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của người dân; bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội; tăng cường thông tin, tuyên truyền, nhất là công tác truyền thông chính sách, nâng cao hiệu quả công tác dân vận, tạo đồng thuận xã hội.

Nguồn: Minh Ngọc – Báo điện tử chính phủ

https://baochinhphu.vn/nen-kinh-te-tiep-tuc-phuc-hoi-thang-sau-tich-cuc-hon-thang-102240601102435195.htm