Miền Trung chủ động ứng phó với mưa, lũ, biển động từ đêm 30/11 đến ngày 3/12

Các lực lượng chức năng của các tỉnh, thành phố miền Trung đang triển khai kiểm tra, rà soát các khu vực ven biển, sông, suối để có kế hoạch di dời dân nếu cần thiết, quản lý chặt chẽ tàu thuyền ra khơi.

Miền Trung chủ động ứng phó với mưa, lũ, biển động từ đêm 30/11 đến ngày 3/12- Ảnh 1.

Một khu vực tại quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng thường xuyên bị ngập lụt khi mưa lớn – Ảnh: VGP/Minh Trang

Đà Nẵng: Đề phòng mưa lớn với cường độ lớn trong thời gian ngắn

Theo dự báo của Ðài Khí tượng thủy văn khu vực Trung Trung Bộ, từ đêm 30/11 đến sáng sớm 2/12, tại các quận, huyện thuộc TP. Đà Nẵng có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông. Cảnh báo từ ngày 2-3/12 có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to, với lượng mưa phổ biến 40-80 mm, có nơi trên 120 mm. Ðề phòng mưa lớn với cường độ lớn tập trung trong thời gian ngắn, có nguy cơ xảy ra lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng tại các vùng trũng thấp và đô thị.

Ngày 30/11, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn (PCTT&TKCN) và phòng thủ dân sự TP. Ðà Nẵng đã ban hành công điện đề nghị chủ tịch UBND các quận, huyện triển khai phương án phòng, chống mưa lớn, ngập lụt, ngập đô thị, lũ quét và sạt lở đất; sẵn sàng triển khai phương án sơ tán dân theo phương án đã được phê duyệt, lưu ý các khu dân cư đang sống ở những vùng trũng, thấp, vùng ven sông suối, vùng có nguy cơ ngập lụt, ngập đô thị, sạt lở, lũ quét, đặc biệt chú ý các khu vực ven sông Yên, Túy Loan, Cu Ðê và các khu vực ngập nước đô thị.

Tổ chức chốt chặn tại các tuyến đường ngập sâu theo phân cấp quản lý; chuẩn bị sẵn sàng nhân lực, vật tư, trang thiết bị, nhu yếu phẩm cần thiết theo phương châm “4 tại chỗ”; chỉ đạo kiểm tra, triển khai khơi thông cửa thu nước trên các tuyến đường và tuyến thoát thuộc phạm vi quản lý; vận động người dân vùng ngập kê cao tài sản, khơi thông, cửa thu nước trước nhà, đảm bảo an toàn cho phương tiện đi lại.

Biên phòng Thành phố, UBND các quận, huyện, các sở, ngành kiểm tra, rà soát các khu vực có nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất đá, đồi núi, lũ quét, ngập lụt, chủ động có giải pháp đảm bảo an toàn người và tài sản; sẵn sàng lực lượng, phương tiện tại các khu vực trọng điểm để kịp thời hỗ trợ người dân sơ tán, cứu hộ, cứu nạn và xử lý các tình huống do mưa lớn, ngập lụt, sạt lở… có thể xảy ra.

Miền Trung chủ động ứng phó với mưa, lũ, biển động từ đêm 30/11 đến ngày 3/12- Ảnh 2.

Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh, thành phố ven biển nắm giữ liên lạc chặt chẽ với tàu thuyền để phòng tránh tổn thất – Ảnh: VGP/Minh Trang

Quảng Trị: Đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở miền núi

Theo bản tin của Đài Khí tượng thuỷ văn tỉnh Quảng Trị, do ảnh hưởng kết hợp của không khí lạnh tăng cường mạnh và trường gió đông trên cao nên từ chiều tối ngày 30/11- 3/12, khu vực Quảng Trị có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông.

Mưa lớn tập trung từ ngày 1-2/12, khu vực mưa lớn phía nam tỉnh. Nguy cơ xảy ra lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất ở các sườn dốc, ven sông, suối ở miền núi, các công trình đang thi công, ngập úng ở vùng trũng, thấp, ngập úng cục bộ khu vực đô thị và những khu vực thoát nước kém. Ngoài ra, từ chiều tối ngày 30/11, vùng biển Quảng Trị (bao gồm cả đảo Cồn Cỏ) có gió bắc đến đông bắc mạnh dần lên cấp 6, giật cấp 7-8; sóng biển cao từ 2-4 m, biển động.

Để chủ động ứng phó với mưa lớn nguy cơ xảy ra lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất và gió mạnh trên biển; Văn phòng Thường trực Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Trị đề nghị các huyện ven biển và huyện đảo Cồn Cỏ phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Sở NN&PTNT, Cảng vụ Hàng hải Quảng Trị theo dõi chặt chẽ thông tin, diễn biến của gió mạnh trên biển; thông báo cho thuyền trưởng, chủ các phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp, đảm bảo an toàn về người và tài sản; duy trì thông tin liên lạc nhằm xử lý kịp thời các tình huống xấu có thể xảy ra. Sẵn sàng lực lượng, phương tiện để triển khai công tác cứu hộ, cứu nạn khi có tình huống.

Tuyên truyền, phổ biến hướng dẫn kỹ năng ứng phó mưa lớn, lũ, ngập úng, lũ quét, sạt lở đất để người dân biết, chủ động phòng, tránh, giảm thiểu các thiệt hại.

Triển khai các lực lượng kiểm tra, rà soát các khu vực ven sông, suối, khu vực thấp trũng có nguy cơ cao xảy ra lũ, ngập sâu, lũ quét, sạt lở đất để chủ động tổ chức di dời, sơ tán người dân khi có tình huống xảy ra.

Quảng Nam: Hạ mực nước các hồ thủy điện để đón lũ

Tại khu vực tỉnh Quảng Nam, Ðài Khí tượng thủy văn tỉnh dự báo từ chiều tối 30/11-3/12 có khả năng xuất hiện một đợt mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to; cường độ mưa to tập trung chủ yếu từ ngày 1-2/12.

Cảnh báo nguy cơ xảy ra lũ, lũ quét, tại các sông, suối vùng núi, sạt lở đất đá ở sườn dốc, sông, suối nhỏ; gây ngập úng tại các vùng thấp trũng, nơi tập trung đông dân cư.

Ðể chủ động ứng phó, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam cũng vừa có văn bản yêu cầu các đơn vị thủy điện: Ðak Mi, A Vương, Sông Bung, Sông Tranh chủ động tính toán, tổ chức vận hành nhằm hạ dần mực nước hồ thủy điện để sẵn sàng ứng phó với đợt mưa lũ này. Việc tổ chức vận hành phải bảo đảm nguyên tắc vận hành, tránh đột biến theo quy định. Tổ chức thực hiện việc thông tin, thông báo đến chính quyền, nhân dân vùng hạ du về công tác vận hành, điều tiết hồ.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Nam đề nghị Ban Chỉ huy PCTT&TKCN các địa phương, cơ quan, đơn vị rà soát, chủ động triển khai lực lượng xung kích kiểm tra, rà soát các khu dân cư ven sông, suối, khu vực thấp trũng để chủ động phương án đảm bảo an toàn người và tài sản khu vực có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.

Lực lượng bộ đội biên phòng, các địa phương ven biển khẩn trương thông báo kịp thời đến thuyền trưởng, chủ phương tiện, tàu thuyền hoạt động trên biển để chủ động phòng tránh và có kế hoạch sản xuất phù hợp đảm bảo an toàn về người và tài sản.

Ngày 30/11, Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh Quảng Ngãi cũng phát cảnh báo về đợt mưa lớn từ ngày 1-3/12 trên địa bàn tỉnh.

Đợt mưa này khả năng cao là các sông lên ở mức báo động 1 – báo động 2, cần lưu ý một số điểm xung yếu: Các ngầm, tràn Thạch Nham, cầu máng Hành Nhân, cầu tràn Sơn Linh – Sơn Giang… sẽ bị ngập. Người dân cần chú ý khi qua lại các điểm cầu tràn này; vùng trũng thấp (như Hành Dũng, Hành Nhân, Hành Minh) cũng rất dễ bị ngập (khi mưa lớn xảy ra tại khu vực huyện Minh Long); các điểm có nguy cơ cao sạt lở đất tại các huyện miền núi rất dễ tiếp tục bị sạt lở.

Ban Chỉ huy PCTT&TKCN tỉnh đề nghị người dân theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa, lũ để chủ động ứng phó; không qua, lại các điểm ngầm, tràn, tuyến đường bị ngập; chủ động sơ tán tại các điểm nguy cơ bị sạt lở đất/ đã bị sạt lở đất trong thời gian qua.

Ngoài ra, từ sáng sớm ngày mai (1/12) do ảnh hưởng của không khí lạnh nên vùng biển Quảng Ngãi (bao gồm đảo Lý Sơn) có gió mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động. Tàu thuyền cần đặc biệt chú ý đề phòng. Khả năng biển động đợt này kéo dài khoảng 3 ngày.

Nguồn: Minh Trang – Báo điện tử Chính phủ