Lũy kế 11 tháng thu ngân sách Nhà nước (NSNN) ước đạt 1.537,6 nghìn tỷ đồng, bằng 94,9% dự toán, giảm 7,1% so cùng kỳ năm 2022 (thu ngân sách trung ương ước đạt khoảng 96,3% dự toán; thu ngân sách địa phương ước đạt khoảng 93,2% dự toán).
Bộ Tài chính cho biết, thu nội địa ước đạt 1.272,7 nghìn tỷ đồng, bằng 95,4% dự toán, giảm 3% so cùng kỳ năm 2022.
Ở chiều ngược lại, tổng chi cân đối NSNN trong tháng 11 ước đạt 158,2 nghìn tỷ đồng. Luỹ kế chi NSNN 11 tháng năm 2023 đạt khoảng 1.502,9 nghìn tỷ đồng, bằng 72,4% dự toán, tăng 10,9% so cùng kỳ năm 2022.
Trong đó: Chi đầu tư phát triển ước đạt khoảng 461 nghìn tỷ đồng, bằng 63,4% dự toán Quốc hội quyết định, bằng 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, tăng 36,3% (khoảng 122,7 nghìn tỷ đồng) so với cùng kỳ; chi trả nợ lãi ước đạt khoảng 86,4 nghìn tỷ đồng, bằng 84% dự toán, tăng 3,4% so cùng kỳ; chi thường xuyên ước đạt 953 nghìn tỷ đồng, bằng 81,3% dự toán, tăng 2,5% so cùng kỳ.
Riêng về chi đầu tư phát triển, tổng số kế hoạch vốn năm 2023 Thủ tướng Chính phủ đã giao khoảng 708,3 nghìn tỷ đồng. Bên cạnh đó, tổng hợp đến thời điểm báo cáo, các địa phương đã giao kế hoạch vốn đầu tư của địa phương tăng thêm (từ các nguồn tăng thu, kết dư ngân sách địa phương,…) khoảng 68 nghìn tỷ đồng so với kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao.
Tổng số kế hoạch vốn các bộ, cơ quan trung ương và địa phương đã phân bổ khoảng 760,1 nghìn tỷ đồng, đạt 107,32% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao (không kể kế hoạch vốn các địa phương giao tăng thêm, thì đạt 97,72%); còn 21 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương chưa phân bổ khoảng 16,2 nghìn tỷ đồng, chiếm 2,28% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trước đó, tại Hội nghị giao ban, đánh giá tình hình công tác tháng 11, triển khai công tác tháng 12/2023 theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã phân tích: “Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch bệnh, Việt Nam liên tục đưa ra những gói chính sách tài khóa khiến NSNN mỗi năm giảm thu gần 200 nghìn tỷ đồng nhưng ngành tài chính vẫn bảo đảm hoàn thành các dự toán thu NSNN. Điều đó cho thấy sự nỗ lực, sự sáng tạo của các tập thể, đơn vị trong thu NSNN, đặc biệt đối với hai cơ quan thuế và hải quan”.
Trong quản lý, điều hành ngân sách, đặc biệt là thu, chi ngân sách, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc yêu cầu toàn ngành cần tập trung hoàn thành dự toán thu ngân sách năm 2023, cố gắng phấn đấu thu ngân sách vượt dự toán khoảng 3%.
“Đối với thu ngân sách, cần quản lý tốt hoá đơn điện tử, theo đó, phải cá thể hoá trách nhiệm cá nhân của từng cán bộ, quản lý tốt hoá đơn thì sẽ quản lý tốt được việc hoàn thuế GTGT”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc lưu ý.
Bên cạnh nhiệm vụ thu ngân sách, lãnh đạo Bộ Tài chính cũng nhấn mạnh việc tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp cũng như nền kinh tế.
“Khi nền kinh tế khó khăn, doanh nghiệp khó khăn thì thu ngân sách bị ảnh hưởng. Do đó, cốt lõi vẫn là thúc đấy doanh nghiệp phát triển, nền kinh tế phát triển; đồng thời, quản lý tốt thị trường tài chính, trái phiếu, cổ phiếu, phái sinh, tín dụng ngân hàng để thúc đấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định.
Nguồn: Anh Minh – Báo điện tử Chính phủ