Lối sống lành mạnh là lối sống có sự kết hợp tốt giữa việc ăn, uống, ngủ, nghỉ của mỗi con người. Việc tạo cho bản thân một chế độ ăn uống khoa học, chế độ nghỉ ngơi kết hợp thể dục thể thao hợp lý sẽ giúp cho cơ thể luôn duy trì được sức khỏe tốt và tinh thần thoải mái. Tham khảo 14 cách sau để duy trì một cuộc sống lành mạnh nhé!
1. Loại bỏ các thói quen xấu
Con người ta thường hay làm việc và hành động theo thói quen. Một việc được lặp đi lặp lại thường xuyên sẽ vô hình chung trở thành một thói quen khó bỏ. Những thói quen tốt sẽ giúp cuộc sống của chúng ta tốt lên, còn những thói quen xấu chỉ khiến sức khỏe và tinh thần tệ đi.
Hút thuốc, uống quá nhiều rượu bia, sử dụng chất kích thích,… đều là những thói quen xấu khiến chúng ta có một lối sống không lành mạnh. Để từ bỏ những thói quen xấu không khó, chỉ cần bản thân kiên trì việc từ bỏ chúng dần dần. Tiếp xúc với nhiều người có thói quen tốt như tập thể dụng thường xuyên, ăn uống khoa học cũng sẽ giúp chúng ta có thêm động lực và dần quên đi những thói quen xấu.
2. Chăm khám sức khỏe định kỳ
Hãy đi khám sức khỏe định kỳ hàng năm để đảm bảo sức khỏe của mình đang rất tốt nhé! Đi khám sức khỏe tối thiểu 6 tháng 1 lần sẽ giúp bạn kịp thời phát hiện ra những vấn đề của cơ thể, việc phát hiện sớm và điều trị sớm sẽ giúp giảm thiểu chi phí điều trị và khả năng chữa khỏi cao hơn.
3. Ngủ đủ giấc
Ngủ đủ giấc là cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe mỗi người. Bất kỳ độ tuổi nào cũng nên ngủ đủ giấc để đảm bảo có một tinh thần và năng lượng tốt cho ngày hôm sau. Ngủ đủ giấc giúp bảo vệ sức khỏe tim mạch, tăng khả năng ghi nhớ, tăng tuổi thọ và đặc biệt là giúp giảm nếp nhăn.
Theo viện Hàn Lâm Y học Giấc ngủ Mỹ và Hiệp hội Nghiên cứu Giấc ngủ đưa ra khuyến nghị về thời gian ngủ cần thiết cho mỗi nhóm tuổi như sau:
- Trẻ mới sinh cần 20h/ngày, càng lớn thời gian ngủ của trẻ càng giảm, đến 6 tuổi trẻ cần 10h – 12h/ ngày để ngủ.
- Thanh thiếu niên (14-17 tuổi) cần ngủ 8 – 10h/ngày.
- Thanh niên và người trưởng thành (18-60 tuổi) cần ngủ 7 tiếng trở lên/1 đêm
- Người 61-64 tuổi cần ngủ 7 – 9h/ngày.
- Người già (trên 65 tuổi) cần ngủ 7 – 8h/ngày.
4. Tập thể dục thường xuyên
Tập thể dục thường xuyên giúp bạn dễ dàng kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe, điều chỉnh tốt tâm trạng và đặc biệt giúp bạn ngủ ngon hơn. Mỗi ngày chúng ta nên tạo thói quen tập thể dục 15-30 phút, tập các động tác phù hợp với tình trạng sức khỏe của cơ thể, không nên tập luyện quá sức.
Tập thể dục thường xuyên
5. Ăn uống có khoa học
Chế độ ăn uống khoa học là một trong những thói quen quan trọng giúp bạn có một sức khỏe tốt. Duy trì chế độ ăn uống khoa học giúp cải thiện sức khỏe tim mạch, vóc dáng cân đối, hệ tiêu hóa luôn khỏe mạnh và đẩy lùi bệnh tật.
Một số nguyên tắc ăn uống khoa học như:
- Phối hợp hợp lý các loại thực phẩm để bổ sung đủ các chất dinh dưỡng như: chất đạm, tinh bột, chất béo và vitamin.
- Không nên ăn mặn
- Ăn nhiều rau củ quả
- Uống đủ nước mỗi ngày
- Hạn chế uống rượu bia, sử dụng chất kích thích
6. Không được bỏ bữa sáng
Bữa sáng bữa ăn đầu tiên trong ngày giúp cơ thể khởi động quá trình trao đổi chất, cung cấp năng lượng cho một ngày mới. Ngoài ra ăn sáng còn giúp duy trì lượng đường trong máu ổn định và cân nặng hợp lý.
Nếu quá bận rộn bạn có thể chuẩn bị trước bữa sáng từ buổi tối hoặc ăn các món đơn giản như bánh mì, sữa,…để có thể bổ sung vitamin và chất dinh dưỡng một cách tối ưu nhất.
7. Uống nước đầy đủ
Nước chiếm khoảng 70% trọng lượng cơ thể và đặc biệt cần thiết cho sự sống. Uống đủ nước mỗi ngày sẽ giúp cho bạn có được một làn da mịn màng, đặc biệt là sẽ đỡ bị nẻ vào mùa đông. Ngoài ra uống đủ nước sẽ giúp giảm tình trạng táo bón, tiêu hóa tốt, tinh thần sảng khoái và tim mạch khỏe mạnh hơn.
8. Thư giãn giảm stress
Sau một ngày dài làm việc mệt mỏi, chịu đựng nhiều áp lực trong cuộc sống thì bạn hãy thư giãn bằng cách nghe một bản nhạc mình thích, đi mua sắm, tụ tập tâm sự cùng bạn bè hoặc ăn những món ăn ngon. Khi tinh thần được thoải mái, giảm tỏa bớt áp lực rồi thì bạn sẽ cảm thấy dễ chịu hơn mà ngủ ngon hơn.
9. Đừng kìm nén cảm xúc
Nghiên cứu của các nhà khoa học cho thấy rằng kìm nén cảm xúc có thể làm tăng 30% nguy cơ tử vong sớm và 70% nguy cơ mắc bệnh lý ung thư. Những cảm xúc tiêu cực như tức giận, buồn bã,…bị kìm nén trong thời gian dài sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới tim mạch và huyết áp.
Thừa nhận cảm xúc của bản thân là điều vô cùng quan trọng, chúng ta cần học cách đối mặt với chúng, làm chủ được những phản ứng và hành động của mình. Ngoài ra, chúng ta nên chăm sóc cho bản thân nhiều hơn, tập thiền hoặc một số bài tập thể dục giúp thư giãn đầu óc, giải tỏa căng thẳng để giải phóng những cảm xúc tiêu cực.
10. Tập thiền
Thiền giúp thư giãn và xóa đi sự căng thẳng, mang lại sự yên bình cho nội tâm của bạn. Thiền là quá trình rèn luyện tâm trí theo thói quen giúp tăng sự tập trung và chuyển hướng suy nghĩ.
Một số lợi ích của thiền như:
- Giảm căng thẳng, kiểm soát lo âu
- Cải thiện giấc ngủ tốt hơn, đặc biệt đối với ai hay bị mất ngủ
- Cải thiện trí nhớ
- Giúp giảm đau lưng, giảm đau xương khớp
- Tốt cho tim mạch
Tập thiền giúp thư giãn đầu óc
11. Tiêm phòng
Tiêm phòng vắc-xin giúp giảm hoặc loại bỏ được rất nhiều loại bệnh truyền nhiễm, bệnh nguy hiểm đến tính mạng. Nên tiêm phòng khi đang khỏe mạnh để sức khỏe của bạn được bảo vệ một cách tốt nhất.
Một số vacxin nên tiêm sớm như: Vacxin phòng ngừa HPV (vi khuẩn gây ung thư cổ tử cung), vacxin phòng viêm gan B,….Đặc biệt là khi bị chó, mèo cào, cắn thì bạn nên đi tiêm phòng sớm nhất có thể để ngăn ngừa bệnh dại.
12. Rửa tay thường xuyên
Theo CDC (Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh) rửa tay bằng xà phòng có thể giúp ngăn ngừa khoảng 30% các bệnh liên quan đến tiêu chảy và khoảng 20% các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp. Đặc biệt trong thời kỳ Covid-19 hoành hành thời gian vừa qua, việc rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc cồn khử khuẩn là điều vô cùng cần thiết, giúp hạn chế việc lây lan bệnh tật và đảm bảo vệ sinh khi ăn uống.
Rửa tay thường xuyên
13. Kiểm soát bệnh tật
Nếu bạn vô tình bị mắc một căn bệnh nào đó thì cũng đừng lo lắng, trước hết bạn nên giữ cho mình một tình thần thoải mái để kiểm soát và chiến đấu với nó. Ngoài việc sử dụng thuốc theo chỉ định của bác sĩ và khám sức khỏe định kỳ thì tinh thần tốt và lạc quan là điều vô cùng quan trọng. Xây dựng cho mình một lối sống lành mạnh, chế độ ăn uống ngủ nghỉ hợp lý, kết hợp với phương pháp điều trị của bác sĩ thì sức khỏe của bạn sẽ nhanh chóng tốt lên.
14. Vui vẻ hòa đồng với mọi người
Việc kết nối được với mọi người xung quanh, người thân, bạn bè, đồng nghiệp sẽ giúp bạn luôn có một tinh thần tốt dù gặp phải bất cứ khó khăn gì trong cuộc sống. Không ai là hoàn hảo cả, nên thay vì nhìn vào khuyết điểm của họ, bạn hãy tạo cho mình những góc nhìn đa chiều hơn, đồng cảm dựa trên những ưu điểm của họ. Luôn vui vẻ hòa đồng, giúp đỡ mọi người xung quanh và luôn ghi nhớ những gì người khác làm cho mình sẽ là điểm cộng giúp bạn luôn có vị trí cao trong lòng người khác.
Từ những cách duy trì và lợi ích của lối sống lành mạnh được kể ra ở trên, có lẽ bạn đã phần nào hiểu được lối sống lành mạnh là gì rồi phải không. Hãy duy trì cho mình một lối sống lành mạnh để có được sức khỏe tốt nhất nhé! Cuộc sống sẽ vô cùng ý nghĩa khi bạn luôn duy trì được tinh thần thoải mái, sức khỏe tốt và vui vẻ bên những người thân yêu.
Nguồn: Tập đoàn AIA