Ngày 1/12, tại TPHCM, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức buổi Họp báo giới thiệu về Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023.
Đồng chủ trì Họp báo có: Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh.
Làm nổi bật giá trị của ngành hàng gạo Việt, thương hiệu hạt gạo Việt
Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023 (Festival) được tổ chức trong bối cảnh Việt Nam đang hướng tới trở thành quốc gia tiên phong trong sản xuất lúa chất lượng, giảm phát thải, phát triển theo hướng xanh và bền vững gắn với Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Phát biểu khai mạc buổi họp báo, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Trung cho biết, Festival là sự kiện quan trọng, khẳng định vai trò, định vị ngành hàng lúa gạo Việt Nam trong nước cũng như khu vực và quốc tế, được tổ chức tại Hậu Giang vào ngày 11-14/12 với hàng loạt hoạt động, sự kiện trình diễn, hội thảo quốc tế, gian hàng triển lãm và các hoạt động bên lề khác.
“Đây cũng là cơ hội để người dân, doanh nghiệp trong nước tiếp cận với những thành tựu chúng ta đạt được và được thế giới công nhận trong suốt thời gian vừa qua, góp phần vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam”, Thứ trưởng Hoàng Trung cho biết.
Chia sẻ tại họp báo, ông Ngô Thế Hiên, Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch (Bộ NN&PTNT) khẳng định, ngành nông nghiệp nói chung và ngành hàng lúa gạo Việt Nam nói riêng đã tạo dựng hình ảnh, dấu ấn rõ nét và đạt được những thành tựu đáng ghi nhận, với lượng gạo xuất khẩu hằng năm khoảng 6 triệu tấn.
Đây là thời điểm phù hợp để tổ chức sự kiện Festival nhằm giới thiệu thành tựu của ngành hàng lúa gạo, sự đóng góp của nông dân, nhà khoa học, hợp tác xã, cộng đồng doanh nghiệp, vai trò quản lý của Trung ương và địa phương, từ đó, truyền thông về những cam kết của Lãnh đạo cấp cao Việt Nam với thế giới: “Việt Nam là quốc gia có trách nhiệm tham gia Hệ thống lương thực, thực phẩm toàn cầu minh bạch, trách nhiệm, bền vững”. Thông qua đó, vận động sự ủng hộ để Việt Nam trở thành “Trung tâm đổi mới sáng tạo về lương thực, thực phẩm” của khu vực.
Ngoài ra, Festival được tổ chức nhân sự kiện tái lập tỉnh Hậu Giang, giới thiệu thành tựu 20 năm của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Hậu Giang, đồng thời đưa ra một tầm nhìn về liên kết giữa tỉnh Hậu Giang trong tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên và Đồng bằng sông Cửu Long, cùng sự chuyển đổi từ tư duy “sản xuất lúa gạo sang tư duy kinh tế ngành hàng lúa gạo”.
200 đại biểu, chuyên gia quốc tế tham gia Festival
Tại buổi họp báo, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang Đồng Văn Thanh chia sẻ: Festival lúa gạo Việt Nam lần đầu tiên được nâng tầm là Festival quốc tế (05 lần trước đó tổ chức quy mô trong nước). Hiện đã có 200 chuyên gia, khách quốc tế thuộc 39 quốc gia, vùng lãnh thổ đăng ký tham dự sự kiện. Có khoảng 14 cơ quan báo chí nước ngoài đăng ký tham dự.
Chủ tịch UBND tỉnh Hậu Giang cho biết thêm, tại Festival lần này, sẽ chính thức công bố phê duyệt Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Từ đó truyền đi thông điệp, cam kết của Chính phủ Việt Nam về giảm phát thải khí nhà kính được Thủ tướng công bố tại Hội nghị COP26.
Sản xuất lúa giảm phát thải được xem là xu hướng “xanh”, được các chuyên gia lúa gạo quốc tế đánh giá rất cao. Hậu Giang đang nỗ lực cùng các tỉnh, thành trong cả nước thực hiện tốt chương trình này để tạo điểm nhấn cho thương hiệu lúa gạo Việt Nam. Năm 2021, Hậu Giang cũng đã thông qua và thực hiện Đề án chuyển đổi nông nghiệp bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đề án này cũng đang tiến hành thực hiện góp phần phát triển chuỗi giá trị lúa gạo.
Đề án thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL
Ngày 27/11/2023 Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 1490/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án” Phát triển bền vững một triệu héc-ta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”.
Đề án này là một thí điểm đầu tiên ở ĐBSCL, cũng như ở khu vực và trên thế giới trong lĩnh vực sản xuất lúa. Đề án này sẽ có một số những chính sách thí điểm như về thị trường carbon, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo.
Với sự thống nhất về nhận thức, hành động và chung tay của các cấp chính quyền, cơ quan chuyên môn, sự cống hiến của các nhà khoa học nông nghiệp, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp đặc biệt là sự lao động của hàng triệu người nông dân. Đề án sẽ làm thay đổi căn cơ chuỗi giá trị lúa gạo vùng BĐSCL nói riêng và chuỗi giá trị lúa gạo Việt Nam nói chung.
Chuỗi sự kiện nằm trong Festival quốc tế ngành hàng lúa gạo Việt Nam-Hậu Giang 2023:
– Lễ khai mạc Festival lúc 20h00′, ngày 12/12 tại Quảng trường Hòa Bình, phường V, TP. Vị Thanh, tỉnh Hậu Giang.
– Hoạt động triển lãm diễn ra từ ngày 11/12 – 15/12: Có các gian hàng giới thiệu, trưng bày sản phẩm lúa gạo, sản phẩm OCOP, ẩm thực các món ngon từ gạo, giới thiệu các máy móc, thiết bị, bay phục vdụ sản xuất lúa…
Hoạt động lễ hội: Triển lãm Con đường lúa gạo Việt Nam từ 11/12-03/01 tại Bờ kè kênh xáng Xà No. Hoạt động trình diễn máy móc, thiết bị canh tác lúa gạo; trình diễn công nghệ cơ giới hóa gieo sạ và mô hình nông nghiệp tuần hoàn từ rơm; mô hình canh tác lúa thông minh; Các hội nghị, hội thảo diễn ra tại Trung tâm Hội nghị tỉnh Hậu Giang.
Gala Dinner: 19h00′ ngày 13/12 với hơn 200 đại biểu trong nước và quốc tế.
Lễ bế mạc Festival: Diễn ra vào 19h00′, ngày 14/12, tại Quảng trường Hòa Bình tỉnh Hậu Giang.
Nguồn: Hồng Đức – Báo điện tử Chính phủ