Thời gian qua, tỉnh Kiên Giang đã tập trung chỉ đạo quyết liệt, sâu sát để thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ chống khai thác IUU. Tổ chức thực hiện hiệu quả các giải pháp chống khai thác IUU theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các cấp, các ngành trong công tác này.
100% tàu cá được đăng ký, lắp thiết bị hành trình
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Lê Hữu Toàn cho biết: Thời gian qua, các sở, ngành, đơn vị và địa phương đã nỗ lực trong tổ chức thực hiện các giải pháp chống khai thác IUU theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, điều này thể hiện sự quyết tâm chính trị của tỉnh, qua đó đã nâng cao vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ngành, địa phương.
Theo đó, Kiên Giang đã thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm như: ban hành kế hoạch thực hiện Đề án chuyển đổi một số nghề khai thác hải sản ảnh hưởng đến nguồn lợi và môi trường sinh thái trên địa bàn tỉnh Kiên Giang theo Quyết định số 208/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch hỗ trợ cước phí thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình cho tàu cá.
Trong công tác quản lý tàu cá, đến nay có 100% tàu cá đã được đăng ký; 100% tàu cá đã được lắp đặt thiết bị giám sát hành trình (có 23 tàu cá nằm bờ); 95,5% tàu cá được cấp giấy phép khai thác thủy sản; giám sát 61,3% sản lượng khai thủy sản bốc dỡ qua cảng với sản lượng 62.305,9 tấn và kiểm soát 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng cá chỉ định với sản lượng 4.803 tấn; cấp 16 giấy biên nhận bốc dỡ hàng qua cảng với số lượng là: 112.409 kg; cấp 04 giấy xác nhận nguồn gốc thủy sản (SC) cho 02 Doanh nghiệp với số lượng 96.849 kg.
Đến nay, việc xử phạt vi phạm hành chính, các sở, ngành, địa phương của tỉnh Kiên Giang và lực lượng chức năng Trung ương đã mở nhiều đợt cao điểm tuần tra, kiểm tra kiểm soát và xử phạt nghiêm 100% hành vi vi phạm khai thác IUU; Các lực lượng Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh đã tổ chức nhiều tàu tuần tra, kiểm tra, kiểm soát phòng, chống khai thác IUU trên vùng biển giáp ranh giữa Việt Nam và các nước trong khu vực nên đã hạn chế tình trạng tàu cá Kiên Giang vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Để thực hiện tốt nhiệm vụ trong thời gian tới, ông Lê Hữu Toàn cho biết, ngày 15/4/2024, UBND tỉnh Kiên Giang đã ban hành kế hoạch về thực hiện nhiệm vụ của các sở ngành, đơn vị và địa phương có liên quan về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Kiên Giang và kế hoạch triển khai thực hiện và Chỉ thị số 32/CT-TW ngày 10/4/2024 của Ban Bí thư về tăng cường lãnh của Đảng đối với công tác chống khai thác thủy sản bất hợp pháp, không báo cáo, không theo quy định và phát triển bền vững ngành thủy sản; Chỉ thị số 20-CT/TU ngày 13/3/2024 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo khắc phục triệt để các cảnh báo của EU về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Nhìn thẳng hạn chế, giải quyết dứt điểm
Bên cạnh kết quả đạt được, tỉnh Kiên Giang cũng thẳng thắn nhìn nhận những tồn tại, hạn chế cần sớm được khắc phục.
Đó là, vẫn còn một số chỉ tiêu chưa đạt yêu cầu theo Quyết định số 81/QĐ-TTg ngày 13/02/2023 của Thủ tướng Chính phủ, như: chưa chấm dứt tàu cá khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài năm 2023 vẫn còn 16 vụ/22 tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài bị bắt giữ, xử lý và tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài so với năm 2022, tăng 05 vụ/05 tàu.
Chưa điều tra, xác minh 100% vụ việc tàu cá Kiên Giang bị nước ngoài bắt giữ, xử lý và tàu cá có dấu hiệu vi phạm vùng biển nước ngoài, vẫn còn 08 vụ/13 tàu đang điều tra, xác minh chưa hoàn thành.
Công tác điều tra các nhóm đối tượng môi giới, đưa ngư dân ra nước ngoài khai thác hải sản trái phép còn hạn chế đến nay mới đưa ra khởi tố 02 vụ “Tổ chức, môi giới cho người khác xuất cảnh trái phép” và “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Chưa giải quyết dứt điểm tàu cá “3 không” theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Vẫn còn tàu cá từ 15m trở lên không cập cảng chỉ định nên chưa giám sát được 100% sản lượng thủy sản khai thác bốc dỡ qua cảng, đặc biệt tại các bến cá do địa phương quản lý.
Về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm năm 2024, tỉnh Kiên Giang yêu cầu các sở, ngành và địa phương tiếp tục thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả ý kiến chỉ đạo của Thường trực Ban Bí thư tại văn bản số 81-CV/TW năm 2020 về tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định; các ý kiến chỉ đạo, công điện, kết luận của Thủ tướng Chính phủ.
Trong đó, Sở NN&PTNT có trách nhiệm theo dõi, giám sát 24/24h các tàu cá hoạt động trên biển qua hệ thống giám sát tàu cá, nắm rõ và xử lý nghiêm từng trường hợp vi phạm quy định về mất kết nối VMS quá 10 ngày, mất kết nối trên 6 tháng, 01 năm, tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu cá không thực hiện sang tên, đổi chủ theo quy định và tàu cá gửi thiết bị VMS trên tàu cá khác, tàu cá tiếp tay, vận chuyển thiết bị VMS của tàu cá khác.
Đảm bảo tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên ra vào cảng phải có đầy đủ giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá), có lắp đặt thiết bị VMS, đặc biệt là thiết bị VMS trên tàu phải hoạt động liên tục theo quy định.
Quản lý, kiểm soát 100% tàu cá tỉnh khác hoạt động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa tỉnh Kiên Giang và các tỉnh có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Tất cá tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên bốc dỡ sản phẩm thủy sản khai thác tại cảng cá, bến cá phải được giám sát và truy xuất nguồn gốc (đảm bảo về nhật ký khai thác, dữ liệu VMS, sản lượng và thành phần loài phù hợp với nghề khai thác, đặc biệt lưu ý đối với các trường hợp chuyển tải trên biển, sản lượng đối với loài cá ngừ vây vàng, mắt to, cá cờ kiếm… cần phải theo dõi, kiểm soát chặt chẽ).
Phối hợp với các huyện, thành phố giám sát 100% sản lượng thủy sản khai thác tại các bến cá của địa phương; kiên quyết xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Thực hiện đúng quy định công tác xác nhận, chứng nhận sản phẩm thủy sản khai thác trong nước, nghiêm cấm và xử lý nghiêm các trường hợp hợp thức hóa hồ sơ.
Phối hợp với Sở Công Thương và địa phương tổng rà soát các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản sang thị trường châu Âu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang đảm bảo hồ sơ đầy đủ, hợp pháp, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.
Tiếp tục hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình theo Kế hoạch số của UBND tỉnh về thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về quy định chính sách hỗ trợ cước thuê bao dịch vụ vệ tinh giám sát hành trình tàu cá trên địa bàn tỉnh Kiên Giang.
Kiểm soát 100% tàu cá tỉnh khác hoạt động trên địa bàn
Trong đó, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh tiếp tục kiểm tra, kiểm soát 100% tàu cá xuất, nhập bến tại các đồn/trạm Biên phòng trên địa bàn quản lý, xử phạt nghiêm, không cho xuất bến các tàu cá không đủ điều kiện; đảm bảo 100% tàu cá có chiều dài từ 15 mét trở lên xuất nhập bến phải có đầy đủ giấy tờ (đăng ký, đăng kiểm, cấp phép, đánh dấu tàu cá), có lắp đặt thiết bị VMS, đặc biệt là thiết bị VMS trên tàu phải hoạt động liên tục theo quy định.
Quản lý, kiểm soát 100% tàu cá tỉnh khác hoạt động trên địa bàn tỉnh Kiên Giang, thiết lập cơ chế chia sẻ, trao đổi thông tin giữa tỉnh Kiên Giang và các tỉnh có liên quan để kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp vi phạm khai thác IUU.
Phối hợp với các lực lượng vùng khơi, các lực lượng và địa phương của tỉnh tăng cường tuần tra, kiểm soát và thực hiện các biện pháp mạnh không để tàu cá Kiên Giang vi phạm khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài; quyết liệt trong công tác xác minh và kiên quyết xử phạt 100% các trường hợp vi phạm.
Tích cực nắm thông tin tàu cá bị nước ngoài bắt giữ, thu thập các chứng cứ, tài liệu liên quan tại các nước để cung cấp cho lực lượng chức năng trong nước điều tra, xử lý dứt điểm các trường hợp vi phạm.
Thực hiện tốt công tác bảo hộ công dân, kiên quyết đấu tranh đối với các nước bắt giử trái phép tàu cá và ngư dân Kiên Giang trên vùng biển Việt Nam, vùng chồng lấn, chưa phân định giữa Việt Nam và các nước trong khu vực.
Đồng thời, tỉnh Kiên Giang cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương có hướng dẫn cụ thể về thủ tục pháp lý để cơ quan chấp pháp địa phương có thể vận dụng, đưa ra xét xử một số vụ án tổ chức, môi giới đưa tàu cá ra vùng biển nước ngoài khai thác thủy sản bất hợp pháp, tạo án lệ xử lý các vụ việc tiếp theo.
Triển khai Đề án khai thác viễn dương, hợp tác khai thác hải sản với một số nước trong khu vực và tiếp tục quan tâm, hỗ trợ đầu tư để hoàn thiện hạ tầng nghề cá của tỉnh.
Nguồn: Lê Sơn – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/kien-giang-nhieu-chuyen-bien-tich-cuc-trong-chong-khai-thac-iuu-102240419153745216.htm