Vừa qua, UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức Hội nghị trực tuyến với 15 huyện, thành phố phân tích kết quả thực hiện 5 Chỉ số: Cải cách hành chính (Par Index), Hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS), Năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), Xanh cấp tỉnh (PGI), Hiệu quả Quản trị và Hành chính công cấp tỉnh (PAPI) năm 2023.
Chủ trì Hội nghị trực tuyến do Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính tỉnh; ông Nguyễn Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Phó Trưởng ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; ông Nguyễn Lưu Trung, Phó Chủ tịch UBND tỉnh và thành viên trong Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh, thành viên Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính tỉnh; lãnh đạo UBND huyện và lãnh đạo các phòng, ban chuyên môn thuộc UBND cấp huyện.
Trên cơ sở tiếp thu, quán triệt các văn bản chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, cùng với sự chỉ đạo tập trung và chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh đã ban hành khá đầy đủ các văn bản chỉ đạo về công tác CCHC; gắn với tiếp tục đổi mới và đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền CCHC đi vào chiều sâu đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức và hành động của các cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là tinh thần, trách nhiệm của người đứng đầu các sở, ban, ngành tỉnh và địa phương trong tổ chức và thực hiện nhiệm vụ CCHC.
Đồng thời, chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành trung ương trong việc góp ý, xây dựng cụ thể các giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện và nâng cao Chỉ số CCHC của tỉnh, phối hợp tổ chức các hội nghị phân tích, đánh giá các chỉ số nhằm xác định nguyên nhân tồn tại, hạn chế và đề ra các giải pháp để cải thiện thứ hạng CCHC của tỉnh.
Tỉnh Kiên Giang cũng chỉ đạo kiện toàn kịp thời Ban Chỉ đạo CCHC và Tổ giúp việc Ban Chỉ đạo CCHC các cấp theo chỉ đạo của Chính phủ; thành lập đoàn kiểm tra và tiến hành kiểm tra, phúc tra các sở, ngành, nhất là các sở, ngành phát sinh nhiều TTHC, qua kiểm tra đã chỉ đạo chấn chỉnh kịp thời, khắc phục những tồn tại, hạn chế và tập trung tổ chức thực hiện có hiệu quả nhiệm vụ CCHC theo kế hoạch đã đề ra; chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc và cán bộ, công chức là đối tượng tham gia trả lời phiếu điều tra xã hội học cần phối hợp chặt chẽ với cơ quan đầu mối để triển khai các hoạt động khảo sát trả lời phiếu điều tra đảm bảo kết quả điều tra xã hội học, phản ánh đầy đủ, chính xác, trung thực, khách quan.
Năm 2023 Kiên Giang có 4 chỉ số tăng điểm, tăng hạng như: PAR Index, SIPAS, PGI và PAPI như: Chỉ số Par Index xếp hạng 40/63 so với cả nước, tăng 01 bậc so với năm 2022; Chỉ số SIPAS xếp hạng 17/63 so với cả nước, tăng 7 bậc so với năm 2022; Chỉ số PGI xếp hạng 56/63 so với cả nước, tăng 01 bậc so với năm 2022; Chỉ số PAPI xếp hạng 44/63 so với cả nước, tăng 9 bậc so với năm 2022.
Đối với Chỉ số PCI theo kết quả công bố của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Viêt Nam (VCCI), Kiên Giang không nằm trong TOP 30 tỉnh, thành được công bố. Nhưng trên kết quả 10 chỉ số thành phần do VCCI chấm điểm, Ban Chỉ đạo CCHC tỉnh đã phân tích, đánh giá kết quả Chỉ số PCI năm 2023 đạt 62,64 điểm, giảm 0,4 điểm so năm 2022, tự xếp hạng 62/63 so với cả nước, giảm 6 hạng so năm 2022.
Mặc dù có nhiều nỗ lực và quyết tâm cao, song kết quả Chỉ số CCHC của tỉnh trong năm 2023 vẫn chưa đạt được mục tiêu, yêu cầu đặt ra của Tỉnh ủy và UBND tỉnh là “phấn đấu xếp hạng 30 so với cả nước”; đồng thời một số lĩnh vực hiện đang xếp ở vị trí nhóm có chỉ số thấp so với cả nước như: Cải cách thủ tục hành chính (hạng 54/63, giảm 22 bậc so với năm 2022) và Cải cách chế độ công vụ (hạng 61/63, giảm 24 bậc so với năm 2022).
Bên cạnh đó, tính chủ động trong việc cung cấp thông tin, thông tin báo cáo định kỳ phục vụ sự chỉ đạo điều hành và tổng hợp báo cáo về Chính phủ, Bộ Nội vụ chưa kịp thời, còn chậm so với yêu cầu. Việc tuyên truyền về thực hiện thanh toán không dùng tiền mặt chưa được chú trọng và sâu rộng, nhất là trong khâu hướng dẫn thực hiện các giao dịch thanh toán trực tuyến nên người dân chưa biết và chủ động tham gia…
Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Chủ tịch UBND tỉnh Kiên Giang Lâm Minh Thành yêu cầu các sở, ban, ngành cấp tỉnh và cấp huyện liên quan nghiên cứu, tham mưu phương pháp điều tra, để có sự đánh giá chính xác hơn về chỉ số PCI của tỉnh Kiên Giang, đồng thời đề nghị Giám đốc các sở, Thủ trưởng cá ban, ngành tỉnh và Chủ tịch UBND các huyện, thành phố phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn trong thực hiện nhiệm vụ cải cách thủ tục hành chính.
Tập trung giải quyết nhanh chóng, dứt điểm các phản ảnh của doanh nghiệp, các kiến nghị của người dân và phải công khai, minh bạch bằng nhiều hình thức để người dân, doanh nghiệp hiểu rõ thủ tục cải cách hành chính. Thường xuyên làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật, chính sách.
Đặc biệt, thực hiện công khai, minh bạch các thủ tục hành chính để người dân, doanh nghiệp đều tiếp nhận được; tăng cường công tác kiểm tra công vụ, nội bộ cơ quan, cấp trên với cấp dưới để hỗ trợ kịp thời; xử lý nghiêm tổ chức, cá nhân có biểu hiện tiêu cực, gây khó khăn cho người dân, doanh nghiệp.
Nguồn: Thanh Bình – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/kien-giang-hoi-nghi-phan-tich-ket-qua-thuc-hien-5-chi-so-cchc-102240607151607121.htm