Hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên được thống nhất, đồng bộ từ công tác xây dựng kế hoạch ngay đầu khóa học, cụ thể về thời gian, chủ đề nghiên cứu,… qua đó khắc phục được tình trạng chồng lấn cũng như bỏ qua nhiều địa bàn nghiên cứu như trước đây.
Sáng 21/5/2024, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Lễ bế giảng Lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung khóa học 2023-2024 trong toàn hệ thống Học viện bằng hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến từ trung tâm Học viện đến các Học viện Chính trị khu vực I,II,III,IV.
Hơn 3.000 cán bộ tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị
Theo báo cáo tổng kết khóa học của Vụ trưởng Vụ Quản lý đào tạo, TS Đậu Tuấn Nam, các lớp cao cấp lý luận chính trị hệ tập trung (khóa học 2023-2024) được khai giảng ngày 06/9/2023 tại Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện Chính trị khu vực (I, II, III, IV) với hơn 3.000 học viên nhập học đều là cán bộ lãnh đạo, quản lý hoặc được quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý của hệ thống chính trị cả nước.
Triển khai chương trình toàn khóa, Học viện đã lựa chọn đội ngũ giảng viên, báo cáo viên là các chuyên gia, nhà khoa học có trình độ, được đào tạo cơ bản, chuyên sâu, có phương pháp giảng dạy lý luận chính trị để tham gia giảng dạy.
Nhiều giảng viên có kinh nghiệm, kiến thức lý luận sâu rộng, thực tiễn phong phú, phương pháp giảng dạy cuốn hút tạo được ấn tượng sâu sắc cho học viên các lớp. Hoạt động giảng dạy của giảng viên được thực hiện đúng theo kế hoạch, quy định, quy chế của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh.
Báo cáo nêu rõ, hoạt động nghiên cứu thực tế của học viên được thống nhất, đồng bộ từ công tác xây dựng kế hoạch ngay đầu khóa học, cụ thể về thời gian, chủ đề nghiên cứu,… qua đó khắc phục được tình trạng chồng lấn cũng như bỏ qua nhiều địa bàn nghiên cứu như trước đây.
Cùng với việc nghiên cứu thực tế, tập thể các lớp đã tích cực tổ chức hoạt động thiện nguyện, tặng quà cho trường học ở các vùng khó khăn, ủng hộ quỹ tình thương trong đợt đi thực tế.
Theo báo cáo của các lớp (tập trung), tổng số tiền do học viên các lớp trong toàn hệ thống Học viện đã ủng hộ các hoạt động thiện nguyện bằng hiện vật và tiền mặt lên đến gần 2 tỷ đồng.
Bên cạnh yêu cầu về học tập, rèn luyện, Đảng ủy và Ban Giám đốc Học viện đã chỉ đạo triển khai công tác bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng sâu rộng đến các lớp học.
Quán triệt nhiệm vụ, nội dung, phương pháp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng đến từng học viên, động viên, khích lệ học viên tích cực tham gia cuộc thi chính luận bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng lần thứ 3 và 4.
Căn cứ vào kết quả học tập toàn khóa của học viên, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh và các Học viện trực thuộc đã cấp bằng tốt nghiệp cao cấp lý luận chính trị cho 3.162 học viên, trong đó có 368 đồng chí đạt loại giỏi (chiếm 11,64%). Danh sách học viên được tặng danh hiệu học viên “học tập giỏi, rèn luyện tốt” có 115 học viên, chiếm tỷ lệ 3,64% học viên toàn khóa.
Cùng giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra
Phát biểu tại Lễ bế giảng, PGS,TS Nguyễn Duy Bắc, Phó Giám đốc thường trực Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nêu rõ, những thành tích mà các học viên đã đạt được chính là những bó hoa tươi thắm chúc mừng 75 năm truyền thống vẻ vang của Học viện (1949-2024).
Lãnh đạo Học viện đề nghị các học viên tiếp tục học tập và rèn luyện để thực hiện tốt lời căn dặn của Bác Hồ: “Học để làm việc, làm người, làm cán bộ. Học để phụng sự đoàn thể, giai cấp và nhân dân, Tổ quốc và nhân loại”.
Các học viên – những cán bộ lãnh đạo quản lý trung, cao cấp của Đảng cần phải chủ động, tích cực, gương mẫu tham gia cùng toàn Đảng, toàn dân giải quyết các vấn đề mà thực tiễn đặt ra.
Trao đổi với PV Báo Điện tử Chính phủ, một số học viên cho rằng, nghiên cứu thực tế là hoạt động rất thiết thực, qua đó, trang bị thêm kiến thức cho học viên, giúp học viên nắm bắt tình hình giải quyết một số vấn đề đặt ra từ thực tế ở cơ sở gắn với nhiệm vụ công tác sau khi hoàn thành khóa học tại Học viện.
Theo đồng chí Nguyễn Thị Lam, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy Lộc Hà, Hà Tĩnh, chương trình nghiên cứu thực tế được tổ chức phù hợp và thiết thực, sát với mục tiêu, chương trình đào tạo của Học viện. “Qua chuyến đi này, học viên được thâm nhập vào đời sống thực tế để làm rõ hơn những kiến thức đã được các giảng viên giảng dạy, như tìm hiểu tình hình phát triển kinh tế – xã hội tại các địa phương”, chị Lam nói.
Đồng chí Nguyễn Thị Kim Huệ, Phó Chủ tịch UBND Thị trấn Tiên Thủy, huyện Châu Thành, Bến Tre cho rằng, đời sống kinh tế – xã hội ở từng địa phương rất đa dạng, phong phú, luôn vận động và thay đổi từng giờ, từng ngày. Vì vậy, trách nhiệm của học viên qua nghiên cứu thực tế là nắm bắt cập nhật tình hình và những thông tin kinh tế – xã hội của các địa phương, đơn vị để vận dụng vào nơi mình công tác. Với ý nghĩa đó, nghiên cứu thực tế cũng chính là hình thức học trong thực tiễn cuộc sống. Việc đi nghiên cứu thực tế không phải là đi tham quan du lịch mà đòi hỏi có sự chủ động nghiên cứu, thu thập nội dung để phục vụ tốt cho bài thu hoạch sau chuyến đi.
Một số học viên khi được hỏi đã cho rằng, qua nghiên cứu thực tế, học viên thấy được tính gần gũi giữa lý luận và thực tế, từ đó tạo niềm tin mạnh mẽ và quyết tâm đưa các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước vào cuộc sống. Vì vậy, cần tiếp tục tổ chức thực hiện hoạt động này một cách khoa học, phù hợp, hiệu quả hơn nữa.
Nguồn: Đức Tuân – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/khac-phuc-duoc-chong-lan-nghien-cuu-thuc-te-cua-hoc-vien-cao-cap-ly-luan-chinh-tri-102240521161702145.htm