Số ca mắc và tử vong do ung thư ở nước ta đã tăng 3 lần trong 30 năm (1990-2020). Hiện nay, nhiều cơ sở y tế ở nước ta đã kết hợp Đông Tây y trong chăm sóc hỗ trợ, điều trị bệnh lý ung bướu, nhằm cải thiện chất lượng sống của người bệnh.
Tại Hội nghị khoa học toàn quốc kết hợp Đông – Tây y trong chẩn đoán, điều trị và chăm sóc giảm nhẹ bệnh nhân ung thư, do Hội Đông y Việt Nam tổ chức ngày 20/12, TS. Lê Công Định, Phụ trách khoa Chăm sóc giảm nhẹ, Bệnh viện Ung bướu Hà Nội chia sẻ, số ca mắc và tử vong do ung thư ở Việt Nam tăng gấp 3 lần trong 30 năm (1990-2020). Ước tính cả nước hiện có khoảng 353.000 người mắc bệnh ung thư.
Tỷ suất mắc mới và tử vong do ung thư của Việt Nam cũng ngày càng tăng. Năm 2018, tỷ suất mắc mới của Việt Nam xếp thứ 99 trên 185 nước, sau hai năm vị trí này tăng lên 91. Tương tự với tỷ suất tử vong, từ thứ 56 lên 50.
Theo các chuyên gia, một trong các nguyên nhân khiến số ca tử vong do ung thư tăng cao là do bệnh nhân được chẩn đoán phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn.
TS. Lê Công Định cho biết, tỷ lệ bệnh nhân được chẩn đoán ở giai đoạn sớm chỉ chiếm 20-30%; tỷ lệ tử vong sau 1 năm nhận chẩn đoán là 24%.
Về điều trị, hiện Việt Nam đã cập nhật nhiều phương pháp tiến bộ trong phẫu thuật, xạ trị, điều trị toàn thân và điều trị giảm nhẹ. Đặc biệt, Hội đồng ung bướu đa chuyên khoa (MDT) có vai trò rất quan trọng, giúp quản lý toàn diện bệnh nhân.
Hiện nay, nhiều cơ sở y tế ở nước ta đã kết hợp Đông Tây y trong chăm sóc hỗ trợ, điều trị bệnh lý ung bướu.
Tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM, các bác sĩ sử dụng “liệu pháp 4T” gồm: tinh thần, tâm lý – thực phẩm – tập luyện và thuốc, các phương pháp không dùng thuốc, có khả năng nâng cao thể trạng, giảm thiểu tác dụng phụ do điều trị bằng y học hiện đại.
Kết hợp đông dược với xạ trị cũng được triển khai tại Viện Y dược học dân tộc TPHCM. Việc kết hợp này có thể tiến hành chữa trị toàn thân và cục bộ ở người bệnh. Nguyên tắc chữa bằng đông dược chủ yếu có: thanh nhiệt giải độc, sinh tân nhuận táo, lương huyết bổ khí, kiện kỳ hoà vị, tư bổ can thận…
Cũng tại Hội nghị, các đại biểu đề cập nhiều đến nhu cầu chăm sóc giảm nhẹ ngày càng tăng cao ở người bệnh.
Hiện nay, nhiều người đang hiểu, chăm sóc giảm nhẹ thường áp dụng khi bệnh ở giai đoạn cuối. Tuy nhiên, cách hiểu này hoàn toàn sai. Chăm sóc giảm nhẹ có thể được tiếp cận càng sớm càng tốt, ngay từ khi bệnh nhân được chẩn đoán bệnh, khi xạ trị, hoá trị…Tức là chăm sóc giảm nhẹ được thực hiện xuyên suốt quá trình điều trị của người bệnh.
Tại các khoa chăm sóc giảm nhẹ thuộc các bệnh viện công lập hiện nay luôn trong tình trạng quá tải. Riêng khoa Chăm sóc giảm nhẹ của Bệnh viện Ung bướu Hà Nội, từ năm 2017 đến nay, mỗi năm tiếp nhận khoảng 3.300 bệnh nhân nội trú, gấp 3 lần năm 2010.
Nguồn: Hiền Minh – Báo điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/ket-hop-dong-tay-y-trong-cham-soc-ho-tro-dieu-tri-benh-ung-thu-10223122017223934.htm