Những năm qua, huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) đạt nhiều kết quả đáng khích lệ trong công tác cải cách hành chính (CCHC) của tỉnh Kiên Giang, góp phần quan trọng vào thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển KT-XH, bảo đảm quốc phòng an ninh và đời sống nhân dân trên địa bàn.
100% thủ tục hành chính được thực hiện tại ‘Bộ phận Một cửa’
Trao đổi với Báo Điện tử Chính phủ, ông Nguyễn Ngọc Dương, Chánh Văn phòng HĐND và UBND huyện Giồng Riềng (tỉnh Kiên Giang) cho hay: Thời gian qua, công tác CCHC của huyện Giồng Riềng có nhiều chuyển biến tích cực, tác động thiết thực và lan tỏa đến phát triển KT-XH và đời sống nhân dân trên địa bàn bởi toàn hệ thống chính trị của huyện luôn coi đây là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên, liên tục, đi vào thực chất.
Cụ thể, về công tác kiểm tra, xử lý, rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trên địa bàn huyện được triển khai đồng bộ, đúng đối tượng, nội dung; các cơ quan, ban, ngành, UBND các xã, thị trấn thực hiện nghiêm túc, đầy đủ.
Thủ tục hành chính (TTHC) đưa vào giải quyết tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả giải quyết TTHC của huyện được xây dựng quy trình nội bộ, giải quyết đảm bảo rõ người, rõ việc, rõ thời gian giải quyết và được kịp thời cập nhật trên Cổng dịch vụ công của tỉnh.
Đặc biệt, có 100% TTHC thực hiện tại Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả của huyện, tại Bộ phận Một của cấp xã được niêm yết, công khai đầy đủ, kịp thời sau khi công bố thông qua các hình thức: tại trụ sở làm việc, trên Kiosk tra cứu thông tin, trên Cổng thông tin điện tử và trên Cổng dịch vụ công của tỉnh để tổ chức, cá nhân tìm hiểu, tra cứu thuận tiện.
Cụ thể, Bộ phận Tiếp nhận và Trả kết quả thuộc Văn phòng đã tiếp nhận từ ngày 15/12/2022 đến ngày 15/10/2023 là 10.807 hồ sơ (trực tuyến 2.0461 hồ sơ, trực tiếp và dịch vụ bưu chính là 8.416 hồ sơ), kỳ trước chuyển sang 127 hồ sơ; đến hẹn trả là 8.368 hồ sơ, thực hiện trả trước hạn 2.822 hồ sơ, tỷ lệ 33,72%, đúng hạn 5.502 hồ sơ, tỷ lệ 65,75%, quá hạn 174 hồ sơ, tỷ lệ 2,07%, còn lại 2.309 hồ sơ đang giải quyết, trong hạn là 2.275 hồ sơ, quá hạn 34 hồ sơ (lĩnh vực đất đai).
Các xã, thị trấn đã tiếp nhận 53.066 hồ sơ, trong đó có 18.556 hồ sơ nhận qua hình thức trực tuyến, đến hẹn trả là 51.876 hồ sơ, thực hiện trả trước hạn 20.683 hồ sơ, tỷ lệ 38,98%; đúng hạn 31.012 hồ sơ, tỷ lệ 58,44%; trễ hạn 181 hồ sơ, tỷ lệ 0,34%.
Đồng thời, huyện chú trọng tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công việc thường xuyên được nâng cấp, đáp ứng được yêu cầu trong công tác chuyên môn của từng bộ phận, từng cán bộ, công chức, viên chức góp phần tăng hiệu suất trong công việc; việc ứng dụng công nghệ thông tin đã mang lại hiệu quả thiết thực, đáp ứng yêu cầu chỉ đạo, điều hành, giải quyết kịp thời các công việc.
Tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn, đơn vị sự nghiệp thuộc UBND huyện được kiện toàn, sắp xếp tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức có bản lĩnh vững vàng, tinh thông nghiệp vụ, có năng lực thực tiễn và kỹ năng chuyên nghiệp, đáp ứng yêu cầu trong thời kỳ mới.
Công tác quản lý, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức được quan tâm, chú trọng góp phần nâng cao chất lượng quản lý hành chính nhà nước, nâng cao trình độ chuyên môn, kỹ năng nghiệp vụ, hành chính.
Công tác xây dựng và phát triển Chính phủ điện tử, Chính phủ số được triển khai tích cực, cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 (nay gọi toàn trình, một phần) đã được triển khai thực hiện.
Hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 được duy trì, cập nhật và cải tiến thường xuyên tạo điều kiện để các cơ quan, địa phương nâng cao chất lượng giải quyết công việc hành chính có liên quan đến tổ chức và công dân.
Bên cạnh những kết quả đạt được, huyện Giồng Riềng cũng nhìn nhận những hạn chế, vướng mắc cần khắc phục trong thời gian tới.
Đó là, một số địa phương chưa quyết liệt, chưa thường xuyên kiểm tra, giám sát trong việc thực hiện các nhiệm vụ trong công tác CCHC tại đơn vị nên một số nội dung thực hiện chưa đạt so với yêu cầu.
Công tác bố trí, quản lý, phân công công chức làm việc tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả một số xã thiếu ổn định làm ảnh hưởng đến hiệu quả công việc. Việc cập nhật hồ sơ giải quyết TTHC trên Cổng dịch vụ công tỉnh Kiên Giang còn thấp, vẫn còn tình trạng hồ sơ xử lý quá hạn. Hồ sơ giải quyết TTHC tiếp nhận trực tuyến và qua dịch vụ bưu chính công ích còn thấp.
Về một số giải pháp trong thời gian tới, huyện Giồng Riềng xác định: Tiếp tục quán triện thực hiện tốt Nghị quyết số 76/NQ-CP ngày 15/7/2021 phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; Chỉ thị số 23/CT-TTg ngày 02/9/2021 về đẩy mạnh thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2021 – 2030; Kế hoạch số 41/KH-TU ngày 12/01/2022 của Tỉnh ủy Kiên Giang về nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác cải cách hành chính theo Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước của Chính phủ 5 năm giai đoạn 2021-2025; Kế hoạch số 39/KH-UBND ngày 23/02/2022 của UBND tỉnh Kiên Giang về thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước 5 năm giai đoạn 2021-2025 trên địa bàn tỉnh Kiên Giang; Kế hoạch của UBND tỉnh và Kế hoạch của UBND huyện về công tác CCHC hằng năm.
Nâng cao trách nhiệm, đạo đức, năng lực công chức làm CCHC
Để nâng cao hiệu quả công tác CCHC, huyện Giồng Riềng xác định, đẩy mạnh công tác tuyên truyền CCHC nhằm nâng cao nhận thức, tạo chuyển biến thực sự hiểu quả trong hoạt động của cán bộ, công chức, viên chức. Tiếp tục rà soát, đề xuất đơn giản hóa TTHC và cập nhật kịp thời các TTHC mới; kiểm soát TTHC. Nâng cao nhận thức, tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức trực tiếp làm nhiệm vụ CCHC, lựa chọn đầu mối, người trực tiếp tham mưu có năng lực chuyên môn, am hiểu sâu về CCHC, kiểm soát TTHC các phòng ban ngành huyện và các xã, thị trấn.
Tiếp tục rà soát lại các tiêu chí thành phần về CCHC, kiểm soát TTHC, chính quyền điện tử, chính quyền số; nắm chắc các tiêu chí về đánh giá chỉ số CCHC để có giải pháp, tham mưu thực hiện kế hoạch đạt hiệu quả. Phân công cụ thể cho từng đơn vị, cá nhân thực hiện từng nhiệm vụ theo chỉ số thành phần trong bộ tiêu chí đánh giá. Thực hiện đánh giá chỉ số CCHC tại UBND các xã, thị trấn đảm bảo khoa học, khách quan, chính xác, công bằng. Trên cơ sở đó rút kinh nghiệm, có giải pháp phát huy những ưu diểm, đồng thời khắc phục hạn chế.
Thực hiện tốt công tác đào tạo bồi dưỡng cán bộ công chức theo quy hoạch, kế hoạch năm đi đôi với củng cố, kiện toàn tổ chức cán bộ trong sạch vững mạnh.
Tiếp tục thực hiện tốt các Nghị định số của Chính phủ về công tác CCHC và kiểm soát TTHC, các Nghị định về cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập, gắn với thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, thực hiện chủ trương kiềm chế lạm phát.
Tăng cường công tác kiểm tra việc thực hiện CCHC ở cơ quan, đơn vị theo kế hoạch của huyện. Kịp thời biểu dương, khen thưởng các tập thể, cá nhân thực hiện tốt, đồng thời phê bình, uốn nắn, xử lý nghiêm những nơi thực hiện chưa tốt công tác CCHC của UBND huyện.
Nguồn: Lê Sơn – Báo điện tử Chính phủ