Hợp lực trong đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn: Sẽ đạt được mục tiêu

Nếu có sự sẵn sàng đồng lòng, hợp lực trong đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn giữa các trường, chúng ta sẽ đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo 50.000 người có trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực này.

Hợp lực trong đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn: Sẽ đạt được mục tiêu- Ảnh 1.

Thu hút sinh viên vào ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn cần có chính sách thỏa đáng – Ảnh minh họa

Nhân lực có trình độ cao và chuyên sâu

Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn nhận định, nhu cầu 50.000 người có trình độ đại học trở lên để phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn của đất nước trong thời gian tới là bài toán không dễ. Các trường cần đề xuất chính sách ưu đãi thu hút, đào tạo giảng viên, chuyên gia và người học.

Tuy nhiên, cần quyết tâm để đạt được mục tiêu này. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT gợi ý, cần chú trọng đào tạo theo hướng “Rộng – Sâu – Cao”. Trong đó tập trung vào yếu tố “Sâu và Cao”; nghĩa là nhân lực có trình độ cao và chuyên sâu.

Ngoài ra, chúng ta cần tranh thủ ủng hộ của các nước, người Việt Nam ở nước ngoài và đẩy mạnh hợp tác quốc tế, doanh nghiệp.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn, để tiết kiệm và sử dụng hiệu quả, mỗi trường nên tập trung xây dựng phòng thí nghiệm. Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh công tác truyền thông nội bộ và truyền thông ra bên ngoài để xã hội thấy rằng, chúng ta đang khẩn trương, chung sức, đồng lòng trong đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Hợp lực trong đào tạo nhân lực

Đến nay, đã có nhiều cơ sở giáo dục đại học thể hiện quyết tâm, sẵn sàng đồng lòng, hợp lực trong đào tạo nhân lực phục vụ công nghiệp vi mạch bán dẫn.

PGS.TS Nguyễn Phong Điền, Phó Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội cho hay, mục tiêu phấn đấu đến năm 2030, đơn vị có thể đào tạo khoảng 6.000 nhân lực có trình độ chuyên sâu trong lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Hiện nay, Đại học Bách khoa Hà Nội có 2 chuyên ngành đào tạo trực tiếp và 7 ngành đào tạo gần về thiết kế, sản xuất, đóng gói và kiểm thử, hỗ trợ ứng dụng vi mạch bán dẫn, với tổng số hơn 3.300 sinh viên. Lộ trình đào tạo cử nhân, kỹ sư làm việc trong lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Đại học Bách khoa Hà Nội đã rút ngắn đào tạo tại doanh nghiệp từ 6-9 tháng xuống 3-6 tháng.

Ngoài ra, Đại học Bách khoa Hà Nội còn có các hoạt động nhằm tăng số lượng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn như: Tổ chức các khóa học ngắn hạn, đào tạo chuyển đổi kỹ sư ở một số ngành gần; đồng thời phối hợp với doanh nghiệp trong hoạt động xây dựng chương trình, đào tạo dựa trên dự án.

Với Trường ĐH Công nghệ (Đại học Quốc gia Hà Nội), GS.TS Chử Đức Trình, Hiệu trưởng nhà trường cho biết mỗi năm có hơn 1.000 sinh viên được đào tạo ngành liên quan đến vi mạch bán dẫn.

Theo GS. Trình, nếu hợp lực giữa các trường thì chúng ta sẽ đạt được mục tiêu từ nay đến năm 2030 đào tạo 50.000 người có trình độ đại học trở lên thuộc lĩnh vực này.

Đối với Đại học Quốc gia TPHCM, theo PGS.TS Trần Mạnh Hà, Phó Trưởng Ban đào tạo,  từ nay đến năm 2030, cam kết đào tạo khoảng 1.800 cử nhân/kỹ sư thuộc và 500 thạc sĩ thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn.

Trước đây, Đại học Quốc gia TPHCM đã có đào tạo chuyên ngành gần với quy mô 200 kỹ sư và 50 thạc sĩ/năm. Hiện, cơ sở đào tạo này đóng góp trên 50% nhân lực thiết kế vi mạch bán dẫn cho TPHCM.

Dự kiến, một số trường thành viên của Đại học Quốc gia TPHCM như: Trường ĐH Bách khoa, Trường ĐH Công nghệ thông tin có thể tuyển sinh trong năm nay, bao gồm cả trình độ đại học và thạc sĩ.

PGS.TS. Trần Mạnh Hà cho biết, Đại học Quốc gia TPHCM sẽ nghiên cứu đầu tư thêm 2 phòng thí nghiệm và xây dựng cơ chế cho các trường ở TPHCM cùng sử dụng chung. Ngoài ra, các trường thành viên cũng chủ động hợp tác với các nước nhằm đẩy mạnh đào tạo lĩnh vực này.

Đầu tư vào một số trường đại học trọng điểm

Theo PGS.TS Trần Mạnh Hà, Đại học Quốc gia TPHCM đã có kế hoạch tuyển dụng và bồi dưỡng thêm cho các giảng viên nhằm đáp ứng yêu cầu đào tạo. Tuy nhiên, việc thu hút sinh viên vào ngành thiết kế vi mạch là bài toán đặt ra, vì đào tạo ngành này đặc thù và khó. Bên cạnh đó, xây dựng phòng thí nghiệm phục vụ đào tạo và nghiên cứu cũng là vấn đề lớn và khó khăn.

Liên quan đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình, Hiệu trưởng Trường Đại học CMC đề xuất, ngoài các phòng thí nghiệm của các cơ sở đào tạo, mỗi khu vực nên xây dựng phòng thí nghiệm dùng chung, đủ lớn và có quy chế khai thác, sử dụng. Trong đó nhấn mạnh đến mục đích đào tạo và nghiên cứu.

Bên cạnh đó, có thể thành lập trung tâm điều phối về việc đặt hàng đào tạo nhân lực theo nhu cầu của doanh nghiệp.

PGS.TS Nguyễn Ngọc Bình cũng đề xuất cơ chế đặc thù trong tuyển dụng và sử dụng giảng viên thuộc lĩnh vực công nghiệp vi mạch bán dẫn, đồng thời có chính sách thu hút sinh viên theo học lĩnh vực này.

Đại diện các trường đại học cũng đề xuất cần có quy chuẩn trong đào tạo ngành vi mạch, bán dẫn. Cũng cần có cơ chế, chính sách tương xứng khi mời giảng viên, chuyên gia quốc tế tham gia đào tạo.Bộ GD&ĐT cũng nên đầu tư vào một số trường đại học trọng điểm, đóng vai trò dẫn dắt trong đào tạo ngành này.

Nguồn: Nhật Nam – Báo điện tử chính phủ

https://baochinhphu.vn/hop-luc-trong-dao-tao-nhan-luc-phuc-vu-cong-nghiep-vi-mach-ban-dan-se-dat-duoc-muc-tieu-102240307105516112.htm