Bên cạnh các trưng bày về nền nghệ thuật điêu khắc Champa cổ, Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng còn giới thiệu đến công chúng về đời sống, văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm tại Việt Nam giàu bản sắc, vừa có tính kế thừa, vừa có sự biến đổi từ nền văn hóa Champa cổ trước đây.
Được khai trương và đưa vào phục vụ du khách trong và ngoài nước từ trung tuần cuối tháng 11/2023, Phòng trưng bày văn hóa Chăm bên trong Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng là địa chỉ du lịch văn hóa hấp dẫn, mang lại cho du khách cơ hội tiếp cận những nét đặc trưng, cơ bản nhất về truyền thống, văn hóa và đời sống hiện nay của dân tộc Chăm…
Theo lãnh đạo Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng, không gian văn hóa Chăm ở bảo tàng có khoảng 150 hiện vật, được trưng bày theo 6 chuyên đề, gồm: đời sống sinh hoạt – tôn giáo tín ngưỡng – nhà ở, chữ viết, trang phục, nhạc cụ, lễ hội và làng nghề truyền thống.
Khuôn viên nhà ở truyền thống Chăm thường có hình chữ nhật với cửa mở về hướng Nam; bên trong khuôn viên thường có 5 ngôi nhà…
Nhà ở truyền thống của người Chăm thường được làm bằng một kết cấu khung gỗ, phần vách được trát đất, bùn, rơm và phần mái được lợp bằng cỏ tranh hoặc rạ. Khuôn viên nhà truyền thống là không gian sinh hoạt của các anh chị em cùng dòng họ mẹ và con gái của họ. Đây là đặc trưng điển hình của hình thức cư trú theo chế độ mẫu hệ của người Chăm.
Hệ thống nhạc cụ Chăm hiện nay rất đa dạng và phong phú, bao gồm các nhạc cụ thuộc bộ gõ như trống Gineng, trống Baranâng, trống Hagar praong, trống Kalong bong, chiêng; các nhạc cụ thuộc bộ hơi như kèn Saranai, Gadet (kèn sừng),…và các nhạc cụ thuộc bộ dây như đàn Kanyi. Trong số các loại nhạc cụ trên: Saranai, Baranâng, Gineng, Kanyi, Hagar và Céng được người Chăm xem như loại nhạc khí thiêng nên trước khi mang ra sử dụng đều phải làm lễ cúng, xin phép thần linh và được diễn tấu trong lễ nghi cúng tế, thỉnh mời và nghênh đón thần linh. Riêng ba bộ nhạc cụ gồm Saranai, Baranâng, Gineng tượng trưng cho bản thể con người (đầu, mình và tứ chi) được người Chăm xem như là nhạc cụ chỉ đạo chỉ xuất hiện trong các lễ hội, đó là những nhạc khí thiêng, gắn kết con người với thế giới thần linh.
Trang phục truyền thống là một phần quan trọng trong đời sống người Chăm, thể hiện các giá trị thẩm mỹ, tính nghệ thuật và vị thế, vai trò xã hội của mỗi cá nhân…
Trang phục người Chăm thường phân biệt giữa chức sắc và dân thường: Trang phục chức sắc thường lấy màu trắng làm chủ đạo. Chức sắc nam thường mặc áo dài trắng, váy trắng (viền hoa văn chân váy với chức sắc có vị trí cao), đầu quấn khăn trắng có tua đỏ. Chức sắc nữ mặc áo dài trắng, khăn đội đầu trắng, váy là tấm vải thổ cẩm. Trang phục dân thường đơn giản hơn và sử dụng màu tùy thích. Nữ thường mặc áo dài (không xẻ tà, tay áo dài, cổ hình lá trầu) với váy dài, đầu quấn khăn. Nam mặc áo ngắn, váy và quấn khăn.
Bên cạnh truyền thống nông nghiệp lâu đời, để phục vụ cho đời sống vật chất lẫn tinh thần, người Chăm cũng có các nghề thủ công truyền thống như làm gốm, nghề dệt, nghề thuốc nam, nghề chế tác nhạc cụ, vật phẩm thiêng bằng kim loại, vải, gỗ…Trải qua biến thiên của lịch sử, nhiều nghề truyền thống đã bị mai một. Hiện nay chỉ còn một số nơi ở tỉnh Ninh Thuận giữ được nghề như: làng gốm Bàu Trúc (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước), làng dệt Mỹ Nghiệp và Chung Mỹ (thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước), làng nghề thuốc nam ở An Nhơn và Phước Nhơn (xã Xuân Hải, huyện Ninh Hải).
Người Chăm có đời sống tinh thần phong phú và đa dạng, thể hiện rõ nhất qua hệ thống các lễ hội đồ sộ và dày đặt trong một năm. Có thể tạm phân nhóm lễ hội Chăm thành các nhóm chính: lễ hội tại nơi đền, tháp như Katê, Cambur, Yuer Yang; lễ hội tại các thánh đường như Ramâwan, Waha, Suk Yeng; hệ thống lễ hội Rija như Rija Nâgar (lễ múa đầu năm), Rija Harei (lễ múa ban ngày), Rija Dayep (lễ múa ban đêm), Rija Praong (lễ múa lớn)…
Khách tham quan được thấy Nghệ nhân dệt truyền thống ở Ninh Thuận trình diễn…
…và hướng dẫn cho du khách tự tay trải nghiệm nghề dệt truyền thống.
“Chúng tôi rất ấn tượng với không gian văn hóa Chăm tại Bảo tàng điêu khắc Chăm Đà Nẵng. Tại đây trưng bày rất sinh động, nhiều màu sắc, mang đến cho du khách một trải nghiệm hoàn toàn mới…”, một du khách nước ngoài chia sẻ.
Theo Bảo tàng Điêu khắc Chăm, văn hóa bản địa luôn là một nét thu hút đối với du khách trong và ngoài nước trong hành trình khám phá, trải nghiệm tại các địa phương. Những năm vừa qua, thành phố Đà Nẵng luôn chú trọng và không ngừng phát triển các loại hình sản phẩm du lịch văn hóa nhằm thu hút công chúng đến với các điểm văn hóa, di sản tại thành phố.
Nằm trong chính sách chung đó, Bảo tàng Điêu khắc Chăm luôn là một trong những điểm đến nổi bật tại địa phương, hằng năm thu hút hàng trăm ngàn lượt khách đến tham quan, tìm hiểu về nền văn hóa Champa cổ độc đáo thông qua bộ sưu tập điêu khắc tôn giáo đa dạng và rất tiêu biểu đang được lưu giữ tại đây.
Bên cạnh các trưng bày về nền nghệ thuật điêu khắc Champa cổ, Bảo tàng còn chú trọng giới thiệu đến công chúng về đời sống, văn hoá, tín ngưỡng của cộng đồng người Chăm tại Việt Nam giàu bản sắc, vừa có tính kế thừa, vừa có sự biến đổi từ nền văn hóa Champa cổ trước đây.
Khu vực giới thiệu sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc đã được UNESCO ghi danh “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”.
Với một nền văn hóa đặc sắc và có tiến trình phát triển lâu dài như văn hóa Chăm, Phòng trưng bày chuyên đề văn hóa Chăm mang lại cho du khách cơ hội tiếp cận những nét đặc trưng, cơ bản nhất về truyền thống, văn hóa và đời sống hiện nay của dân tộc Chăm, qua đó làm phong phú thêm các trải nghiệm của khách tham quan khi đến với Bảo tàng Điêu khắc Chăm Đà Nẵng.
Nguồn: Đức Hoàng – www.mocst.gov.vn