Không chỉ nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam mà cả những học giả nước ngoài đều có nhận định rằng từ xa xưa người Việt đã tự xem mình dòng dõi của rồng-tiên và luôn hướng tới giá trị xứng danh là “Con rồng cháu tiên”.
Rồng là loài vật do con người tưởng tượng ra và tích hợp sức mạnh của muôn loài như một sức mạnh chế ngự con người bằng sự linh thiêng. Bàn đến rồng, người ta thường nói tới “câu chuyện Đông-Tây” khác biệt.
Với phương Tây, rồng có hình thù cổ quái, mọc cánh, mang một hoặc nhiều đầu và đặc biệt là phun lửa thiêu đốt mọi thứ để thể hiện quyền uy của mình. Rồng phương Tây ẩn trong hang động hoặc bay lượn trên bầu trời để phun lửa thiêu cháy nhân gian trên mặt đất. Vì thế rồng phương Tây biểu trưng cho cái ác mà người dũng sĩ diệt rồng luôn được tôn vinh như anh hùng cứu thế.
Trái ngược với phương Tây, rồng phương Đông có phần uyển chuyển, biểu trưng sức mạnh và quyền uy của nó với một cái đầu hoành tráng phun ra những vòi nước mạnh mẽ gắn với môi trường sinh thái và công việc canh tác của nền văn minh lúa nước.
Rồng phương Đông hoặc vùng vẫy trong biển nước, hoặc ẩn hiện trên những đám mây, tưới tắm cho cuộc sống dưới mặt đất, chỉ ra oai với con người bằng lũ lụt hay hạn hán.
Rồng phương Đông được coi là vật linh, hiểu theo nghĩa được thần thánh hóa, mang điềm lành và được vận vào mệnh của bậc quyền quý nhất thiên hạ, khác với rồng phương Tây bị hình tượng hóa thành ác quỷ.
Rồng phương Đông luôn lấy Trung Hoa như là một biểu tượng trung tâm gắn với một nền văn minh cũng là một đế chế lớn, đầy tính bành trướng. Các quốc gia khác, trong đó có Việt Nam thì biểu tượng rồng cũng có những sắc thái riêng không chỉ về nhận thức giá trị mà còn được thể hiện theo những thẩm mỹ riêng của mỗi quốc gia.
Nếu như biểu tượng rồng càng xa lên phía bắc bao nhiêu dường như càng gần với hình tượng loại khủng long khổng lồ và bạo tợn bấy nhiêu thì hạ xuống phía nam nó lại gần với các loại vật cổ xưa có sức mạnh từ sự uyển chuyển, dẻo dai hơn là sức vóc to lớn.
Suy xét cho đến ngọn nguồn lịch sử, cũng có ý kiến cho rằng, nếu rồng phương Tây (còn có thể gọi là rồng phương Bắc) là ám ảnh về một thời của loại khủng long ngự trị trên Trái đất với một sức mạnh hung hãn thì rồng phương Đông (nói đúng ra là phương Nam) là biểu trưng cho sức mạnh của thiên nhiên, thể hiện bằng vai trò của những dòng nước tưới tắm cho ruộng đồng hoặc thách thức con người bằng lũ lụt.
Nói cách khác, rồng phương Đông xuất hiện trên một không gian địa lý ở phương Nam xuất xứ từ nguyên mẫu những loại rắn như rắn thần Naga của các nền văn hóa Nam Á, hoặc ở xứ ta là loại Giao Long rất gần với loại cá sấu phổ biến trên sông ngòi phương Nam (mà trong sách cổ của ta thời Lý Trần chép là “cá sấu Chiêm Thành”).
Sự khác biệt theo chiều Bắc-Nam ấy khiến ta phải lưu ý đến lịch sử về một đế chế cũng là một nền văn minh khổng lồ mang quốc hiệu Trung Hoa với một quá trình hình thành bắt nguồn từ vùng Hoa Hạ phía trên dòng Dương Tử, nơi có một nền văn minh lúa cạn và những thảo nguyên mênh mông khác hẳn với phía nam của con sông này từng tồn tại từ rất xa xưa một nền văn minh, một không gian sinh thái khác biệt. Đó là nền văn minh lúa nước trên một không gian địa lý được định danh là Bách Việt. Đây là cái nôi ban đầu của dân tộc Việt Nam tại vùng trung du và đồng bằng Bắc Bộ, cũng là một thành phần cấu thành các tộc Việt ở phía nam sông Dương Tử và cực Nam của Bách Việt.
Chính từ vùng Hoa Hạ ấy một đế chế đã hình thành và không ngừng mở rộng trên cơ sở các cuộc chinh phạt nhằm bành trướng lãnh thổ, đặc biệt là với vùng Bách Việt ở phương Nam và đồng hành với nó là một chính sách đồng hóa khắc nghiệt nhằm áp đặt văn minh của tộc Hán đối với các tộc người bị chinh phục.
Mặt khác, chính nền văn minh của đế chế này lại thâu gom những tinh hoa của các nền văn minh vốn khác biệt của các dân tộc bị chinh phục thành một nền văn minh tích hợp của một đế chế ngày càng bành trướng.
Dân tộc Việt Nam ta dù đã từng có một thời kỳ lập ra một quốc gia sơ khai (nhà nước Văn Lang thời các Vua Hùng dựng nước) nhưng cũng rơi vào vòng đô hộ Bắc thuộc kéo dài hơn một thiên niên kỷ trước khi giành lại được nền tự chủ bền vững vào thế kỷ đầu tiên của thiên niên kỷ thứ hai của nhân loại.
Chính trong hoàn cảnh lịch sử như vậy khiến dân tộc Việt Nam ngày nay của chúng ta ngay từ thuở dựng nước đã ý thức về một bản sắc riêng trong khi vẫn tiếp nhận nền văn minh Trung Hoa có lúc vì cưỡng bức (như thời Bắc thuộc) nhưng cũng có lúc chủ động hội nhập với bản lĩnh của một quốc gia tự chủ luôn vun đắp nền văn hiến của dân tộc mình (từ Lý, Trần về sau).
Cái khác cơ bản nhất của rồng Việt so với rồng Trung Hoa chính là “chất phương Nam” của mình hiểu theo nghĩa là phương Nam sông Dương Tử của cộng đồng Bách Việt và “chất phương Nam” tuyệt đối hơn nhờ vị trí địa lý ở cực Nam của Bách Việt, gần gũi với biểu tượng rắn của các dân tộc Đông Nam và Nam Á mà sau này trong quá trình Nam tiến đã gắn kết Việt Nam với khu vực Đông Nam Á.
Ở Việt Nam, trong các di vật thời Đông Sơn, cũng là thời các Vua Hùng dựng nước thì Giao Long là biểu tượng gần với rồng nhất, được coi là linh vật của người Việt cổ. Ngay từ thời của Thạp đồng Đào Thịnh khai quật trên đất tỉnh Yên Bái ngày nay, được chế tác trước cả khi nước ta rơi vào vòng Bắc thuộc đã thấy hình tượng hai con vật mang hình thù cá sấu mà sau này ta gọi là “Giao Long”.
Trong “Lĩnh Nam chích quái” viết vào nhiều thế kỷ sau (XV) có nói đến cư dân Lạc Việt từ thời các Vua Hùng đã có tục xăm mình hình giao long để ám trừ thủy quái mà vẫy vùng kiếm sống trên sông nước. Căn cứ vào tục này mà các nhà khảo cứu nhận ra rằng tổ tiên người Việt ngày nay từ rất xa xưa đã coi rồng có hình tượng gần giống cá sấu là vật linh của mình.
Đến khi nhiều lãnh thổ không kém rộng lớn của Bách Việt đã lần lượt bị thâu tóm vào đế chế Trung Hoa, thì rồng tuy đã thành biểu tượng tôn quý của Hoàng đế Trung Hoa (từ thời Hán) và hình thành cả một hệ thống biểu trưng con vật đứng đầu “tứ linh” của văn hóa Trung Hoa (Long-Ly-Quy-Phượng) thì con rồng giàu “chất phương Nam” của Đại Việt ( quốc danh được xác lập từ khi giành lại quyền tự chủ của một quốc gia duy nhất trong Bách Việt thoát khỏi ách đô hộ của Trung Hoa) không ngừng biến đổi theo chiều hướng duy trì sự khác biệt “không thể lẫn” với rồng Trung Hoa, đồng thời cũng không ngừng tiếp cận với những đặc sắc của Văn minh Trung Hoa.
Đến thời đại khởi đầu nền tự chủ gắn với văn hiến là triều Lý, mối quan hệ ngày càng bền chặt, kể cả xu thế “nam tiến” của Đại Việt đã có những tiếp biến ngày càng sâu sắc với không gian văn hóa phương Nam – nơi mà hình tượng của rắn thần Naga, hiện thân cho một trong những vị thần tiêu biểu nhất, khiến rồng thời Lý được thể hiện rất gần với rắn thần (nhất là phần thân dài, mảnh gần như không thấy vảy, chỉ riêng cái đầu là đặc sắc biểu thị nét chung của vùng văn minh Đông Á).
Rồng Việt Nam gần với hình tượng rắn hoặc cá sấu phương Nam hơn rồng Trung Hoa, đặc biệt thể hiện trong rồng thời Lý (Rồng rắn-Rồng giun); gương mặt hiền hơn, không sừng nhưng lại nhiều râu bờm hơn, ngọc châu ngậm trong miệng chứ không để bên ngoài ; thân hình rồng Việt thanh thoát, uốn lượn mềm mại tựa như dòng sông hơn là rồng Trung Hoa luôn vần vũ trong mây…
Cho dù tới thời Lê và Nguyễn, rồng Việt cũng có chiều hướng tiếp cận nhiều hơn với rồng Trung Hoa nhưng vẫn luôn có ý thức bảo tồn những nét khác biệt mang tính đặc trưng không lẫn lộn…
Trên phương diện ngôn ngữ, phát âm chữ “rồng” với phụ âm rung là điều xa lạ với người phương Bắc nhưng lại rất gần với những cư dân ở phần phía nam lãnh thổ của chúng ta mang theo nghĩa là “con sông” – “k’rông”. Ngay trong chữ Hán cổ, từ nguyên nghĩa là con rồng cũng được đọc là “lung” chứ không như cách phát âm theo Hán-Việt và được ghi âm bằng quốc ngữ là “long“ như sử dụng cho tới ngày nay.
“Long” với nghĩa là rồng đã trở nên một yếu tố cao quý trong cách đặt tên cho nhiều địa danh, gắn với những sự tích tỏ rõ sự gần gũi cũng như nghĩa cao sang của một Vật Tổ trong đời sống người Việt.
Từ truyền thuyết về “Con rồng, cháu tiên” được nhân hóa thành các vị nguyên tổ của người Việt: Lạc Long Quân sánh cùng bà Âu Cơ đẻ ra trăm trứng “dạy dân việc cày cấy nông tang, đặt ra các đẳng cấp quân thần, các đạo cha con vợ chồng, đôi khi trở về thủy phủ mà trăm họ vẫn yên vui” (Lĩnh Nam chích quái), đến những nơi chốn từng có mặt của rồng trong các truyền thuyết như Hạ Long, Bái Tử Long, Hàm Rồng, Cửu Long… và biểu tượng cao nhất là đức Lý Thái Tổ đã chọn đặt cho kinh đô tự chủ là “Thăng Long” mà trước đó đã từng có Long Biên từ thời Hai Bà Trưng “phất cờ nương tử” chống giặc Hán.
Do vậy, không chỉ nhiều nhà nghiên cứu Việt Nam mà cả những học giả nước ngoài đều có nhận định rằng từ xa xưa người Việt không chỉ lấy rồng làm linh vật mà còn tự xem mình dòng dõi của rồng-tiên và luôn hướng tới giá trị xứng danh là “Con rồng, cháu tiên”.
Mùa thu năm 1941, từ chiến khu Cao Bằng, lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc-Hồ Chí Minh làm thơ kêu gọi đồng bào noi gương các bậc tiên liệt anh hùng cứu quốc đứng lên làm cách mạng:
“Làm cho thiên hạ biết tên
Làm cho rõ mặt cháu tiên con rồng” (Báo Việt Nam Độc lập 1/9/1941))
Năm 1948, khi cuộc kháng chiến chống thực dân đang đứng trước những thử thách cam go, trong lời điếu nhà yêu nước Huỳnh Thúc Kháng, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt quốc dân đồng bào thề rằng :
“Con rồng cháu tiên quyết không làm nô lệ” (Hồ Chí Minh toàn tập, Tập 5, trang 122)
Đó cũng chính là ý chí của những hậu duệ của rồng trong mọi thời đại.
Nguồn: Nhà sử học Dương Trung Quốc – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/hau-due-cua-rong-102240204191039622.htm