Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp

Với phương châm đồng hành cùng doanh nghiệp (DN), cơ quan Hải quan luôn chủ động lắng nghe tiếng nói từ cộng đồng DN, triển khai đồng bộ nhiều giải pháp dưới các hình thức đa dạng, phong phú, phù hợp với địa bàn để nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu (XNK).

Hải quan đồng hành cùng doanh nghiệp- Ảnh 1.

Giải đáp hướng dẫn trực tiếp mọi lúc, mọi nơi

Trong những năm qua, ngành Hải quan đã có nhiều hoạt động đồng hành cùng DN, đặc biệt trong nỗ lực cải cách, hiện đại hóa hải quan. Theo đại diện Vụ Pháp chế (Tổng cục Hải quan), các buổi đối thoại, tiếp xúc với DN không chỉ là hoạt động thường xuyên của cơ quan Hải quan mà đó còn là một trong những hình thức tuyên truyền, hỗ trợ, cập nhật thông tin pháp luật trọng tâm của Ngành. Thông qua các buổi đối thoại, ngoài việc giúp cộng đồng DN nâng cao nhận thức và khả năng thực thi pháp luật hải quan, cơ quan Hải quan có thể kịp thời tháo gỡ, giải đáp những khó khăn, vướng mắc cho DN XNK. Qua đó, đưa mối quan hệ Hải quan – DN thực sự là đối tác hợp tác trong việc thực hiện, chấp hành pháp luật.

Quản lý hơn 6.000 DN XNK, trong đó có nhiều tập đoàn lớn như Samsung, Foxconn, thời gian qua, Cục Hải quan Bắc Ninh luôn coi việc xây dựng, phát triển quan hệ đối tác hải quan – DN và các bên liên quan là yếu tố quan trọng. Hàng năm, đơn vị đã tổ chức nhiều đoàn công tác, trực tiếp do lãnh đạo cục làm việc với các DN để lắng nghe những khó khăn, vướng mắc và ghi nhận kiến nghị.

Ghi nhận qua các buổi trao đổi, ông Hoàng Anh Tuấn, Phó Giám đốc Công ty TNHH Việt Trung cho biết, sự tương tác giữa cơ quan Hải quan và cộng đồng DN là rất quan trọng. Cơ quan Hải quan đã coi DN là đối tác hợp tác cùng đồng hành để hoàn thành nhiệm vụ tốt hơn. Thực tế cho thấy, việc trao đổi, tiếp xúc, ngồi lại cùng nhau thường xuyên hơn, giúp cả 2 bên có thời gian lắng nghe và đưa ra giải pháp tháo gỡ kịp thời đã thể hiện rõ nét nỗ lực từ các bên.

Ông Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng, thời điểm hiện tại, trong quá trình làm thủ tục, DN phát sinh vướng mắc đều được cơ quan Hải quan giải đáp, hướng dẫn ngay. Nếu trước đây phải đợi tới kỳ đối thoại, thì nay việc giải đáp hướng dẫn trực tiếp mọi lúc, mọi nơi đã giúp tiết kiệm thời gian và hỗ trợ kịp thời cho DN đáp ứng các điều kiện giao hàng cho đối tác.

Còn tại địa bàn Hải quan Nghệ An, các chi cục thường xuyên cử cán bộ công chức trực tiếp hướng dẫn DN kê khai thủ tục hải quan, kịp thời xử lý vướng mắc, không để DN phải chịu thêm bất cứ chi phí nào phát sinh trong quá trình làm thủ tục. Điều này đã tạo niềm tin cho cộng đồng DN hoạt động XNK hàng hóa. Ông Lê Viết Thương, đại diện Công ty TNHH XNK Minh Hiếu cho rằng, sự quan tâm của Hải quan Nghệ An trong lắng nghe tiếng nói, nguyện vọng và đồng hành cùng DN rất thiết thực.

Đại diện Công ty TNHH XNK Minh Hiếu cũng ghi nhận sự tích cực “cầm tay chỉ việc” của từng công chức tại chi cục hải quan quản lý trong việc hỗ trợ DN nước ngoài đầu tư kinh doanh trên địa bàn nắm bắt đầy đủ các quy định, chính sách pháp luật, hiểu và giải quyết được các khó khăn nội tại khi triển khai thực hiện các thủ tục.

Nâng cao hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, tạo thuận lợi cho XNK

Từ đầu năm 2023 đến nay, nền kinh tế nước ta phải đối mặt với những khó khăn rất lớn. Với mong muốn ghi nhận và kịp thời nắm bắt nhanh các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hải quan, chung tay cùng DN nâng cao hiệu quả kinh doanh sản xuất XNK, thời gian qua, cơ quan Hải quan đã triển khai đồng bộ các giải pháp. Ngành Hải quan xác định, công tác cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số, nâng cao chất lượng hiệu quả các hoạt động nghiệp vụ, tạo thuận lợi các hoạt động XNK là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt, qua đó tạo động lực mới cho DN phục hồi và bứt phá, tiếp tục đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.

Cụ thể, thực hiện Nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ, ngành Hải quan tiếp tục rà soát, bổ sung sửa đổi và hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về hải quan đáp ứng yêu cầu quản lý trong tình hình mới giúp cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Ngay từ đầu năm, ngành Hải quan đã giao 10 nhóm chỉ tiêu cải cách đi kèm là các giải pháp để thực hiện. Trong đó, đáng chú ý là giảm 5% tỷ lệ tờ khai luồng Đỏ, giảm 10% tỷ lệ tờ khai luồng Vàng; giảm 10% thời gian thông quan, giải phóng hàng; tăng 20% số lượng DN tự nguyện tham gia Chương trình hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan so với năm 2022…

Phấn đấu tăng tỷ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động XNK

Ngành Hải quan đặt mục tiêu sau 2 năm triển khai Chương trình hỗ trợ, khuyến khích DN tự nguyện tuân thủ pháp luật hải quan sẽ có 100% DN tham gia không bị xử lý về các hành vi vi phạm pháp luật hải quan, được đánh giá mức độ tuân thủ pháp luật ở mức 2 (tuân thủ cao), mức 3 (tuân thủ trung bình). Và sau 5 năm thực hiện chương trình, thông qua các hoạt động hỗ trợ và việc tự nguyện tuân thủ của DN, phấn đấu tăng tỷ lệ DN tuân thủ mức 2, mức 3 đạt trên 20% tổng số DN hoạt động XNK.

Một chương trình khác đã triển khai nhiều năm – Chương trình DN ưu tiên về hải quan – đã cho thấy những hiệu quả tích cực trong tạo điều kiện thuận lợi cho DN XNK. Tính đến thời điểm hiện tại, cơ quan Hải quan đã áp dụng chế độ ưu tiên cho 72 DN, trong đó có 25 DN Việt Nam. Năm 2022, DN ưu tiên chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong số khoảng 85.000 DN XNK, nhưng chiếm khoảng 36% tổng kim ngạch XNK của cả nước, đạt khoảng 266 tỷ USD.

Để hỗ trợ hơn nữa và bảo vệ DN làm ăn chân chính, ngành Hải quan cũng tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan, chống buôn lậu, gian lận thương mại. Do đó, ngành Hải quan mong muốn các DN tiếp tục phối hợp, hưởng ứng cùng cơ quan Hải quan phát triển phong phú hơn các hoạt động đối tác Hải quan – DN. Sự đồng hành, năng động, sáng tạo của cộng đồng DN sẽ là nhân tố quan trọng để tạo nên sự thành công, phát triển.

Theo đại diện Vụ Pháp chế, cơ quan Hải quan mong muốn DN chủ động hơn nữa trong việc phản hồi những khó khăn, vướng mắc khi thực thi pháp luật. Đồng thời, tích cực đóng góp, đề xuất giải pháp cho cơ quan quản lý trong việc xây dựng, sửa đổi, bổ sung các luật liên quan tới thuế, hải quan nhằm đảm bảo tính khả thi, sự công bằng, minh bạch, dễ hiểu, dễ thực hiện của các văn bản pháp luật. Cơ quan Hải quan và DN cần hiểu nhau và đồng thuận khi thực thi chính sách và nghĩa vụ của mình vì mục tiêu chung là tạo thuận lợi, góp phần phát triển kinh tế – xã hội.

Nguồn: Báo điện tử Chính phủ