Giải pháp cho ô nhiễm nhựa

Trước những vấn đề về môi trường, biến đổi khí hậu diễn biến phức tạp, hoạt động bảo vệ môi trường (BVMT) được chú trọng, quan tâm hơn bao giờ hết. Ngày 5/6 hàng năm, được chọn là Ngày Môi trường thế giới, việc tổ chức các hoạt động hưởng ứng có ý nghĩa thiết thực trong việc truyền tải những thông điệp có sức lan tỏa về công tác BVMT, quản lý tài nguyên, bảo tồn đa dạng sinh học, ứng phó với biến đổi khí hậu tới mọi người, xây dựng không gian sống xanh, thân thiện. Ngày Môi trường thế giới năm 2023, được Chương trình Môi trường Liên hợp quốc (UNEP) phát động với Chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, công tác BVMT, trong đó có chống rác thải nhựa đã được quan tâm đúng mức, nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp cải thiện môi trường được thực thi.

111d1092503t2056l9 thanh nien tam nongThanh niên huyện Tam Nông bàn giao công trình “Khu dân cư hạn chế rác thải nhựa” cho các khu dân cư của xã Dị Nậu.

Tạo tính lan tỏa

Với đặc tính bền, khó phân hủy, túi ni lông, sản phẩm nhựa dùng một lần là một những tác nhân gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe con người và môi trường sống của các loài sinh vật. Tại tỉnh Phú Thọ, với sự vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội, những năm qua “mặt trận” chống rác thải nhựa đã tạo được tính lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần quan trọng BVMT.

Hưởng ứng Phong trào chống rác thải nhựa do Thủ tướng Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường phát động, tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 5196/KH-UBND ngày 14/11/2018 tổ chức phát động Phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh; Chỉ thị 20-CT/TU ngày 22 tháng 8 năm 2019 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về việc tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo công tác triển khai thực hiện Phong trào “Chống rác thải nhựa” trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Trên cơ sở đó, các huyện, thành, thị, các sở, ban, ngành, Ủy ban mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị – xã hội đã khẩn trương phát động, triển khai các hoạt động tuyên truyền, vận động với những nội dung cụ thể tới các đơn, cộng đồng dân cư cùng hành động, hưởng ứng hiệu quả Phong trào “Chống rác thải nhựa”. Đồng thời, triển khai các giải pháp quản lý, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải nhựa nhằm ngăn ngừa, giảm thiểu rác thải nhựa vào môi trường, bước đầu đã tạo ra những chuyển biến trong nhận thức của người dân về tác hại của rác thải nhựa.

Nhờ đó, hiện nay, 100% các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị, các tổ chức chính trị – xã hội; các siêu thị, các khu du lịch đều ban hành quy định, cam kết thực hiện chống rác thải nhựa. Thực hiện Đề án “Đẩy mạnh công tác tuyên truyền về phòng, chống rác thải nhựa giai đoạn 2021-2025”, Sở Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các phòng, đơn vị, trường học phối hợp với các tổ chức đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của cán bộ, giáo viên, học sinh về tác hại rác thải nhựa đối với môi trường, từ đó làm thay đổi hành vi, thói quen sử dụng sản phẩm nhựa dùng một lần. Công tác tuyên truyền được thể hiện đa dạng thông qua các tiết học ngoại khóa, sinh hoạt dưới cờ, hội thi vẽ khẩu hiệu, tranh cổ động cho phong trào chống rác thải nhựa… để thu hút học sinh tham gia cũng như tiếp cận thông tin tốt nhất. Đặc biệt, hàng năm, ngành giáo dục cũng phối hợp triển khai cuộc thi sáng tạo thanh thiếu niên, nhi đồng các cấp, tập trung sáng tạo các mô hình, sản phẩm thuộc nhóm lĩnh vực thân thiện với môi trường, giải pháp kỹ thuật nhằm ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và phát triển kinh tế. Ngành giáo dục cũng triển khai mô hình, chiến dịch “Ngôi nhà phân loại rác”, “thư viện xanh” với những vật dụng như bàn, ghế được làm bằng lốp xe ô tô, lọ hoa được làm từ chai nhựa đã qua sử dụng…

Thầy giáo Vũ Ngọc Tuấn – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Kiệt Sơn, xã Kiệt Sơn, huyện Tân Sơn cho biết: “Triển khai các mô hình giúp học sinh hình thành thói quen giữ gìn vệ sinh, bỏ rác đúng nơi quy định và biết cách phân loại rác thải. Số tiền thu được từ các hoạt động thu gom rác thải được sử dụng hỗ trợ các học sinh nghèo có hoàn cảnh khó khăn vươn lên trong học tập”.

Cùng với ngành Giáo dục, nhiều phong trào, mô hình chống rác thải nhựa cũng được các cấp, ngành, đơn vị, địa phương tích cực thực hiện. Nổi bật, Sở Y tế đã thành lập Ban chỉ đạo thực hiện “Giảm thiểu rác thải nhựa” tại các đơn vị, đưa tiêu chí “giảm thiểu chất thải nhựa” vào quy chế hoạt động cải tiến chất lượng của các đơn vị trực thuộc; triển khai sử dụng mô hình 3R (Giảm thiểu – Tái chế – Tái sử dụng). Hội Liên hiệp phụ nữ các cấp đã duy trì thực hiện có hiệu quả Phong trào “Xách làn đi chợ”, hạn chế sử dụng túi nilon đựng thực phẩm. Đoàn thanh niên triển khai thực hiện chương trình “Chợ dân sinh giảm thải rác thải nhựa”, “Đổi rác lấy túi”… phát, tặng miễn phí túi vải không dệt thân thiện với môi trường để người dân đựng thực phẩm khi đi chợ… Các khu dân cư triển khai mô hình “Ngôi nhà xanh quỹ từ rác thải tái chế”…

Với sự vào cuộc của các cấp, ngành, địa phương, phong trào “chống rác thải nhựa” đã đi vào cuộc sống, hình thành thói quen tốt cho mỗi người dân trong việc hạn chế sử dụng đồ nhựa. Theo báo cáo, từ khi triển khai phát động Phong trào “chống rác thải nhựa” đến nay, toàn tỉnh đã có trên 110 nghìn người tham gia hưởng ứng phong trào; các cấp, các ngành đã tổ chức 643 buổi truyền thông, tập huấn, hội thảo, cuộc thi, trao đổi chuyên đề; treo 436 băng zôn, khẩu hiệu tuyên truyền; thu gom xử lý trên 16,5 nghìn tấn rác thải nhựa…

Sống xanh – tiền đề phát triển bền vững

Ngày Môi trường thế giới năm nay có Chủ đề “Giải pháp cho ô nhiễm nhựa”, trong đó tập trung thực hiện Chiến dịch “Chống ô nhiễm nhựa” nhằm truyền tải mạnh mẽ thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và thích ứng với biến đổi khí hậu; kiểm soát, giải quyết ô nhiễm rác thải nhựa thông qua các chính sách, sáng kiến và tham gia cơ chế hợp tác toàn cầu, khu vực; hướng tới lối sống xanh hơn, sạch hơn; tăng cường tái chế, tái sử dụng; thúc đẩy xây dựng nền kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn và phát triển bền vững; thực thi hiệu quả chính sách chống rác thải nhựa.

Ngày Môi trường thế giới tập trung tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức đến các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất kinh doanh và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh về tầm quan trọng của công tác BVMT. Trên địa bàn tỉnh triển khai tháng hành động vì môi trường bằng những hoạt động mít tinh hưởng ứng, ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây xanh, thu gom xử lý rác thải. Phát động Chiến dịch chung tay giảm thiểu rác thải nhựa thông qua hoạt động thu hồi, tái chế, tái sử dụng túi nilon khó phân hủy, sản phẩm nhựa dùng một lần; khuyến khích cộng đồng sử dụng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện môi trường. Tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình phục vụ công tác BVMT, phục vụ lợi ích của cộng đồng và các hoạt động phát triển theo hướng bền vững. Nhân rộng các mô hình hiệu quả trong việc tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn, “chống ô nhiễm nhựa” hiệu quả tại địa phương. Đặc biệt, tỉnh đẩy mạnh công tác nghiên cứu, chuyển giao công nghệ tiên tiến để tái chế chất thải nhựa trở thành các sản phẩm hữu ích, thân thiện với môi trường; phát triển hạ tầng, dịch vụ thu gom, tái chế chất thải nhựa và thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt, rác thải nhựa tại nguồn gắn với việc thực hiện Đề án thu gom, vận chuyển, xử lý rác thải trên địa bàn.

Đồng chí Nguyễn Bá Thọ – Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết: BVMT có ý nghĩa quan trọng, đảm bảo phát triển bền vững. Vì vậy, cần tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức cho các cấp ủy Đảng, chính quyền, tổ chức, đoàn thể, các tầng lớp nhân dân. Từ đó, tập trung các nguồn lực để giải quyết triệt để các vấn đề ô nhiễm môi trường đang ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống và sinh kế của người dân; khuyến khích tổ chức khởi công, xây dựng và bàn giao các công trình BVMT phục vụ lợi ích của cộng đồng như: Công trình xử lý nước thải, chất thải rắn đô thị và nông thôn; tích cực phân loại rác thải tại nguồn; hạn chế sử dụng túi nilon, đồ nhựa một lần mà thay thế bằng sản phẩm dễ phân hủy, thân thiện với môi trường; trồng cây xanh, đặc biệt quan tâm thực hiện tiêu chí môi trường trong xây dựng nông thôn mới…

Công tác quản lý BVMT trong thời gian qua đã được chính quyền các cấp, các ngành quan tâm, chỉ đạo kịp thời, góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân, doanh nghiệp trong việc BVMT. Thói quen “sống xanh” cũng đang hình thành, được người dân hưởng ứng tích cực nhưng tình trạng sử dụng túi nilon, sản phẩm nhựa một lần vẫn còn khá phổ biến. Để việc lựa chọn sử dụng các sản phẩm thân thiện với môi trường thường xuyên, trở thành xu hướng chung, cần có sự chung tay, hưởng ứng, vào cuộc của tất cả các cấp, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương và mỗi người dân. Kiên trì với mục tiêu và giải pháp đúng đắn đã đề ra để giải quyết các vấn đề môi trường chắc chắn sẽ từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, góp phần vào sự phát triển bền vững của tỉnh.

Nguồn: Lệ Oanh – baophutho.vn