Giá trị giao dịch toàn Sở Giao dịch hàng hóa Việt Nam (MXV) ngày 14/2 tăng 35% ở mức 3.800 tỷ đồng, trong đó, giá trị giao dịch nhóm hàng nông sản tăng mạnh hơn 103%, chiếm gần 32% tổng giá trị.
Số liệu từ MXV cho thấy, kết thúc phiên giao dịch 14/2, sắc đỏ chiếm ưu thế trên thị trường hàng hoá kéo chỉ số MXV- Index giảm 1,05% xuống 2.108 điểm, nối dài đà giảm sang phiên thứ 3 liên tiếp. Giá trị giao dịch toàn Sở tăng 35% ở mức 3.800 tỷ đồng. Trong đó, giá trị giao dịch nhóm hàng nông sản tăng mạnh hơn 103%, chiếm gần 32% tổng giá trị.
Giá ngô kết thúc xu hướng giằng co
Theo MXV, đóng cửa giao dịch ngày 14/2, có 6/7 mặt hàng nhóm nông sản giảm giá. Trong đó, giá ngô hợp đồng tháng 3 kết thúc xu hướng giằng co kéo dài trong hai phiên đầu tuần và giảm mạnh 1,51%. Triển vọng nhu cầu ở Mỹ cùng tình hình mùa vụ tích cực hơn ở khu vực Nam Mỹ không mấy khả quan là yếu tố chính thúc đẩy lực bán đối với ngô trong phiên hôm qua.
Báo cáo hàng tuần của Cơ quan Quản lý thông tin năng lượng Mỹ (EIA) cho thấy, sản lượng ethanol của nước này trong tuần kết thúc ngày 9/2 đạt 1,08 triệu thùng/ngày, tăng 50.000 thùng/ngày so với một tuần trước. Tuy nhiên, tồn kho ethanol tính tới ngày 9/2 tăng tới hơn 1 triệu thùng so với một tuần trước, lên mức 25,8 triệu thùng. Điều này dấy lên lo ngại rằng Mỹ sẽ giảm tốc độ sản xuất ethanol trong các tuần tiếp theo, qua đó làm giảm nhu cầu tiêu thụ ngô và gây áp lực lớn lên giá.
Sở Giao dịch Ngũ cốc Rosario (BCR) cho biết mưa dồi dào trong những ngày gần đây tại các khu vực sản xuất nông nghiệp chính của Argentina đã hỗ trợ cho vụ ngô của nước này. Những cơn mưa đã giúp xoa dịu tác động của đợt nắng nóng từ cuối tháng 1. BCR vẫn thận trọng duy trì dự báo sản lượng ngô năm nay của Argentina ở mức 59 triệu tấn. Dù vậy, sự xuất hiện của mưa đã củng cố triển vọng mùa vụ ở Argentina và tác động lên giá.
Giá lúa mì cũng lao dốc trong phiên hôm qua và là mặt hàng dẫn đầu đà giảm của cả nhóm nông sản. Đã có lúc giá lúa mì thoát khỏi khoảng đi ngang nhưng lực mua bắt đáy vào cuối phiên đã giúp thu hẹp một phần đà giảm của giá. Triển vọng mùa vụ thuận lợi ở Ukraine là yếu tố chính giúp lý giải cho diễn biến giá. Khép lại phiên hôm qua, giá lúa mì ghi nhận mức giảm 2,01%.
Hãng tư vấn APK-Inform cho biết thời tiết mùa Đông ở Ukraine hầu như thuận lợi cho sự phát triển của cây trồng vụ Đông. Phần lớn các khu vực đều có độ ẩm đất phù hợp và chỉ có một số nơi ở Kherson và Odessa có độ ẩm đất thấp hơn mức trung bình. Hiện nông dân Ukraine đã bắt đầu gieo hạt vụ Xuân. Triển vọng mùa vụ khả quan của một trong những nhà cung cấp ngũ cốc hàng đầu trên thế giới đã gây sức ép lên giá lúa mì.
Giá cà phê giảm phiên thứ ba liên tiếp khi nguồn cung cải thiện
Khép lại phiên giao dịch ngày hôm qua, giá hai mặt hàng cà phê giảm phiên thứ ba liên tiếp. Giá Arabica hợp đồng tháng 3 đánh mất 3,08% và giá Robusta hợp đồng tháng 5 thấp hơn 2,13% so với tham chiếu. Nguồn cung cải thiện tại các quốc gia sản xuất Arabica hàng đầu đã tạo sự an tâm hơn về khả năng cung ứng trên thị trường, từ đó gây sức ép lên giá.
Tháng 1, xuất khẩu cà phê dạng hạt của Brazil tăng mạnh, cao hơn 45,4% so với ước tính của Hiệp hội những Nhà xuất khẩu cà phê CECAFE và 10,5% của chính phủ Brazil. Đồng thời, Liên đoàn Cà phê Colombia cũng cho biết xuất khẩu cà phê trong tháng đầu tiên năm 2024 của nước này tăng 12,4% so với cùng kỳ năm trước.
Bên cạnh đó, sự hồi phục của dữ liệu tồn kho cũng góp phần thúc đẩy thị trường cắt giảm vị thế mua ròng. Tính đến hết ngày 13/2, tồn kho cà phê Arabica đạt chuẩn trên Sở ICE-US đứng ở mức 297.445 bao, tăng 19% so với 249.829 bao vào cuối tháng 1.
Hơn thế, giá Robusta cao kỷ lục khiến thị trường dịch chuyển sang dòng Arabica chất lượng kém, góp phần hạ nhiệt sức nóng về giá của mặt hàng này.
Trên thị trường nội địa, ghi nhận trong sáng 15/2, giá cà phê nhân xô tại Tây Nguyên và các tỉnh Nam Bộ giảm 1.200 đồng/kg. Theo đó, cà phê trong nước được thu mua quanh mức 76.900 – 78.000 đồng/kg
Nguồn: Báo điện tử chính phủ