Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá, phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu chính sách tiền tệ, thời gian qua NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ theo sát diễn biến thị trường.
Đây là khẳng định của ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) trong bối cảnh thời gian gần đây, tỉ giá chịu nhiều áp lực do cả yếu tố kinh tế cũng như một số tin đồn gây ảnh hưởng tới tâm lý, kỳ vọng thị trường.
VND chỉ mất giá 5%, áp lực tăng giảm trái chiều
Ông Phạm Chí Quang, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ, NHNN cho hay: Từ đầu năm 2024 đến nay, thị trường ngoại tệ và tỉ giá trong nước chịu áp lực từ những biến động khó lường của thị trường tài chính toàn cầu, cộng hưởng với những thách thức, khó khăn trên thị trường trong nước thời gian qua.
Trước hết, lạm phát duy trì cao tại Mỹ, khiến thị trường quốc tế liên tục điều chỉnh dự báo và lùi thời điểm dự kiến Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) giảm lãi suất. Sự thay đổi kỳ vọng của thị trường về lộ trình chính sách tiền tệ (CSTT), cắt giảm lãi suất của Fed, cùng với gia tăng căng thẳng địa chính trị tại một số vùng lãnh thổ, khiến đồng USD quốc tế tăng giá mạnh, có thời điểm chỉ số USD (DXY) tăng 5% so với đầu năm 2024, tạo áp lực mất giá lên các đồng tiền khác, trong đó có VND.
Thứ hai, từ đầu năm đến giữa tháng 5 năm 2024, nhập khẩu của nền kinh tế phục hồi mạnh – ước đạt 132,23 tỉ USD, tăng 19,7 tỉ USD (tăng 17,5%) so với cùng kỳ năm 2023, làm gia tăng nhu cầu mua ngoại tệ, đặc biệt nhu cầu ngoại tệ để thanh toán nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu thiết yếu phục vụ sản xuất trong nước. Tuy nhiên, việc nhập khẩu nguyên nhiên vật liệu đầu năm phục vụ quá trình phục hồi kinh tế sẽ tạo tiền đề thúc đẩy hoạt động sản xuất, xuất khẩu, từ đó tạo nguồn thu ngoại tệ trong tương lai, có thể giải tỏa bớt áp lực tỉ giá trong thời gian tới.
Thứ ba, trong khi Mỹ tiếp tục giữ lãi suất USD ở mức cao, lãi suất VND thấp hơn so với lãi suất USD quốc tế (khiến chênh lệch lãi suất giữa 2 đồng tiền âm), thúc đẩy tổ chức kinh tế mua ngoại tệ kỳ hạn để phục vụ thanh toán trong tương lai – chuyển nhu cầu ngoại tệ trong tương lai về hiện tại; trong khi khách hàng có nguồn thu ngoại tệ lại có tâm lý trì hoãn bán ngoại tệ cho hệ thống TCTD, khiến cân đối cung cầu ngoại tệ kém thuận lợi trong ngắn hạn và gây áp lực lên tỉ giá.
Với bối cảnh kinh tế trong và ngoài nước đề cập ở trên, từ đầu năm 2024 đến nay, VND giảm giá khoảng 5% so với USD, tương tự xu hướng mất giá của các đồng tiền trong khu vực: Đô-la Đài Loan (-5,06%); Baht Thái (-6,31%); Won Hàn Quốc (-5,66%); Yên Nhật (-10,87%); Rupiah Indonesia (-3,87%); Peso Philippines (-4,82%); Nhân dân tệ (-2,04%).
Tuy nhiên, tất cả các khó khăn, thách thức nêu trên của thị trường ngoại tệ trong nước chỉ là ngắn hạn, vì trong thời gian tới với đà phục hồi khả quan của xuất khẩu thì nguồn cung ngoại tệ của thị trường sẽ được hỗ trợ gia tăng, trong khi doanh nghiệp vừa qua tăng mạnh mua ngoại tệ kỳ hạn là yếu tố làm giảm bớt nhu cầu ngoại tệ trong tương lai, qua đó cân đối cung – cầu ngoại tệ có nhiều khả năng được cải thiện tích cực hơn tới đây.
Đồng thời, giới tài chính quốc tế duy trì quan điểm dự báo nhiều khả năng Fed sẽ cắt giảm lãi suất vào cuối năm 2024, từ đó giảm bớt áp lực mất giá cho các đồng tiền trên thế giới, trong đó có VND. Dựa trên các yếu tố căn bản trong và ngoài nước như đề cập nêu trên, nhiều tổ chức quốc tế dự báo khả năng VND tăng giá trở lại khi các yếu tố căn bản này dần được hiện thực hóa trong thời gian tới.
NHNN không đổi biện pháp điều hành đang hiệu quả
Vụ trưởng Phạm Chí Quang cho biết: Trong bối cảnh thách thức, khó khăn nêu trên, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về điều hành linh hoạt, hài hòa, hợp lý, cân bằng giữa lãi suất và tỉ giá, phù hợp với tình hình thị trường, diễn biến kinh tế vĩ mô và mục tiêu CSTT, thời gian qua NHNN đã điều hành linh hoạt, đồng bộ các giải pháp, công cụ CSTT theo sát diễn biến thị trường.
Thứ nhất, NHNN điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường, hấp thụ các cú sốc bên ngoài. Đồng thời, để hỗ trợ ổn định thị trường ngoại tệ, làm dịu sức ép lên tỉ giá trong điều kiện thanh khoản VND của các TCTD tương đối dư thừa, thu hẹp mức chênh lệch lãi suất âm trên thị trường liên ngân hàng như đề cập ở trên, NHNN đã phát hành tín phiếu với kỳ hạn và khối lượng phù hợp nhằm điều tiết lượng tiền VND dư thừa, hạn chế các yếu tố gia tăng áp lực lên tỉ giá. Thứ hai, từ ngày 19/4/2024, NHNN bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường để phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, đồng thời bình ổn tâm lý thị trường, từ đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Giải pháp điều tiết thanh khoản và bán ngoại tệ can thiệp được NHNN thực hiện nêu trên cũng tương tự các giải pháp được các ngân hàng trung ương trong khu vực triển khai thời gian qua.
Mức giảm giá của VND thời gian qua có thể nhận định là mức trung bình so với các đồng tiền khác trong khu vực và trên thế giới (như đề cập ở trên). Với cơ chế điều hành tỉ giá trung tâm và biên độ +/-5% hiện nay, tỉ giá thị trường đã có đủ dư địa để diễn biến linh hoạt. Như vậy, một số thông tin gần đây về thay đổi điều hành tỉ giá của NHNN là không chính xác và không phù hợp với mục tiêu bình ổn thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô của Chính phủ, tạo tâm lý bất ổn trên thị trường. Do đó, doanh nghiệp và người dân cần thận trọng trước những tin đồn.
Phó Thống đốc Thường trực NHNN Đào Minh Tú cho rằng: Về cơ bản, thanh khoản thị trường thông suốt, các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp được đáp ứng đầy đủ; tỉ giá diễn biến phù hợp với điều kiện thị trường và xu hướng của các đồng tiền quốc tế so với USD. NHNN sẵn sàng can thiệp nếu tỉ giá có diễn biến bất lợi. Dự trữ ngoại hối những năm qua (khoảng 100 tỷ USD) bảo đảm được khi nhà điều hành muốn can thiệp thị trường.
Ông Phạm Chí Quang phân tích: Mặc dù tình hình quốc tế vẫn còn nhiều thách thức, khó lường, nhưng với nền tảng kinh tế vĩ mô, đối ngoại vững chắc và việc Fed dự kiến bắt đầu giảm lãi suất từ cuối năm nay như đề cập ở trên, áp lực đối với tỉ giá sẽ giảm bớt. Trong thời gian tới, NHNN sẽ điều hành tỉ giá linh hoạt, phù hợp với diễn biến thị trường thông qua việc tiếp tục kết hợp đồng bộ các công cụ CSTT với việc bán ngoại tệ can thiệp hỗ trợ thanh khoản thị trường, qua đó phục vụ các nhu cầu ngoại tệ hợp pháp của nền kinh tế, góp phần bình ổn tâm lý thị trường, ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát lạm phát.
Trong báo cáo Triển vọng kinh tế năm 2024 mới đây, các chuyên gia VEPR đã phân tích: Ở Việt Nam, ảnh hưởng của tỉ giá tới lạm phát chủ yếu mang tính gián tiếp do hầu hết các nguyên vật liệu đầu vào cho sản xuất của Việt Nam đều phải nhập khẩu. Nguyên liệu, hàng nhập phải mua bằng đồng USD nên khi giá USD tăng về giá về tới trong nước quy ra VND tăng. Việc giá vật liệu tăng sẽ làm tăng giá thành sản xuất sẽ đẩy chi phí tăng lên và giá bán cho người tiêu dùng vì vậy tao lạm phát.
Các nghiên cứu thực tế Việt Nam thì lạm phát gắn khá chặt tới tỉ giá. Cứ 1% tỉ giá tăng có thể khiến lạm phát 0,34%, vậy nếu tỉ giá tăng 5% thì làm lạm phát tăng khoảng 1,7%. Có một điểm tương đối thuận lợi cho kiểm soát lạm phát của Việt Nam là giá nhà hàng hóa nhập khẩu như thang ngũ cốc đang có xu hướng giảm ngoài ra điều hành giá Việt Nam cũng có những điểm đặc thù.
Bởi, Việt Nam là nước xuất khẩu dòng lương thực nên nhà nước có thể bình ổn giá lương thực trong nước khi cần thiết. Đồng thời, Nhà nước có thể kiểm soát việc tăng giá các mặt hàng như điện học phí dịch vụ y tế… trong những năm có nguy cơ lạm phát cao mặt hàng này sẽ không được tăng giá, ngược lại năm nào lạm phát thấp các mặt hàng này thường sẽ được tăng “bù”. Dù vậy, những mặt hàng nhà nước kiểm soát có tỷ trọng không lớn trong rổ CPI.
Khác với sự “êm đềm” trong năm 2023, bước sang năm 2024, tỉ giá giữa đồng USD và VND diễn biến căng thẳng hơn cùng với các hoạt động kinh tế ấm lên, kéo theo nhu cầu nhập khẩu cao. Tuy nhiên, kỳ vọng với chính sách tiền tệ toàn cầu bắt đầu nới lỏng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tỉ giá Việt Nam, đồng USD có xu hướng mất giá và sự linh hoạt trong việc điều chỉnh chính sách tiền tệ của NHNN sẽ giúp giảm áp lực lên tỉ giá trong thời gian tới.
“Nếu nhìn vào số liệu thống kê, lạm phát những tháng đầu năm đang có xu hướng nhích lên. Tháng 3 tăng 3,97%, tháng 4 CPI đã tăng lên 4,4%. Vì vậy, thận trọng với tỉ giá là cần thiết để kiểm soát lạm phát, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô trong năm 2024”, các chuyên gia của VEPR khuyến nghị.
Nguồn: Anh Minh – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/duy-tri-cach-dieu-hanh-ti-gia-on-dinh-linh-hoat-theo-muc-tieu-cua-chinh-phu-102240524230820088.htm