Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia nhận định, nếu được đầu tư và vận hành hiệu quả, các cơ sở mua sắm miễn thuế tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch, tăng trưởng đầu tư, thu hút lao động và mang lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam.
Từ ngày 27-30/3, phái đoàn của Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (CTG) và Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (CDF- thành viên của CTG) có chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam.
CTG là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, được quản lý trực tiếp bởi Chính phủ Trung Quốc. Sau khi khảo sát và làm việc với UBND 3 thành phố: TPHCM, Nha Trang (tỉnh Khánh Hòa), Móng Cái (tỉnh Quảng Ninh), CDF và Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) đã ký kết biên bản ghi nhớ về việc mở 3 cửa hàng miễn thuế tại 3 địa phương nói trên.
Xây dựng thương hiệu mua sắm của điểm đến
Ông Nguyễn Trùng Khánh, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia cho biết, trong nửa cuối năm 2023, khách quốc tế đến Việt Nam mỗi tháng đều vượt qua mức 1 triệu lượt/tháng. Hoạt động du lịch của Việt Nam sôi nổi ngay từ đầu năm 2024, báo hiệu một năm ngành du lịch phục hồi mạnh mẽ.
Trong quý I/2024, Việt Nam đón 4,6 triệu lượt khách quốc tế, tăng 72% so với cùng kỳ năm 2023. Năm 2024, ngành du lịch nước ta đặt mục tiêu đón từ 17-18 triệu khách quốc tế, cơ bản phục hồi như trước đại dịch; phục vụ 110 triệu khách du lịch nội địa và tổng thu từ du lịch đạt khoảng 34 tỷ USD.
Nhằm đạt được mục tiêu này, ngành du lịch sẽ ưu tiên liên kết hợp tác với các cơ quan, đối tác trong và ngoài nước, phát triển sản phẩm du lịch hấp dẫn, có sức cạnh tranh cao, bao gồm sản phẩm du lịch mua sắm, nâng cao hiệu quả hoạt động thu hút và khai thác thị trường khách có chất lượng, có khả năng chi trả cao; củng cố cơ sở vật chất kỹ thuật và dịch vụ du lịch, đáp ứng nhu cầu của du khách.
Trong đó, Trung Quốc là đối tác, là thị trường nguồn khách trọng điểm được du lịch Việt Nam hết sức quan tâm, chú trọng, đẩy mạnh hợp tác và phát triển. Giai đoạn trước đại dịch COVID-19, Trung Quốc luôn là thị trường khách quốc tế số 1 của Việt Nam và chiếm khoảng 30% tổng lượng khách quốc tế đến Việt Nam. Năm 2019, chúng ta đã đón khoảng 5,8 triệu lượt khách từ Trung Quốc. Sau khi Trung Quốc chính thức mở lại du lịch quốc tế từ tháng 1/2023, hai nước đã có nhiều nỗ lực nhằm xúc tiến điểm đến, tăng cường kết nối lại các đường bay. Khách du lịch Trung Quốc đến Việt Nam năm 2023 đạt gần 1,8 triệu lượt, đứng thứ 2 trong thị trường khách quốc tế đến Việt Nam. Ba tháng đầu năm nay cũng ghi nhận xu hướng tăng trưởng mạnh mẽ của khách Trung Quốc, đạt 890.000 lượt khách, tăng 635% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Khánh nhận định, hiện nay du lịch Việt Nam đang quan tâm nhiều vào các dịch vụ bổ trợ, trong đó có dịch vụ mua sắm. Chính vì vậy, với những đóng góp đáng kể cho trải nghiệm của du khách, tăng khả năng cạnh tranh của điểm đến và tăng trưởng doanh nghiệp du lịch thì du lịch mua sắm được các địa phương, doanh nghiệp du lịch đầu tư phát triển trong những năm gần đây.
Vì vậy, ông Khánh bày tỏ đánh giá rất cao sự nỗ lực chủ động của IPPG và Tập đoàn Du lịch Trung Quốc trong việc tổ chức lễ ký kết hợp tác, khai thác các dịch vụ bổ trợ phục vụ khách du lịch. Đặc biệt, sau khi hai bên ký biên bản ghi nhớ năm 2023 nhằm mở rộng các cơ sở mua sắm miễn thuế tại Việt Nam, rất nhiều mô hình mua sắm miễn thuế đã được triển khai thành công tại nhiều nước trên thế giới như UAE, Singapore, Hàn Quốc… không chỉ kích thích chi tiêu của du khách mà còn xây dựng hình ảnh thương hiệu mua sắm của điểm đến.
“Tôi tin tưởng nếu được đầu tư và vận hành hiệu quả, các cơ sở mua sắm miễn thuế tại Việt Nam sẽ góp phần thúc đẩy kinh tế du lịch, tăng trưởng đầu tư, thu hút lao động và mang lại tác động tích cực cho các doanh nghiệp du lịch Việt Nam”, Cục trưởng Cục Du lịch quốc gia nhấn mạnh.
Đáp ứng mục tiêu 25 triệu du khách/năm
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch IPPG cho biết, là doanh nghiệp khởi đầu ngành kinh doanh miễn thuế tại Việt Nam, IPPG đã đầu tư khắp các cửa khẩu biên giới và sân bay các dự án cửa hàng miễn thuế hiện đại, góp phần thu hút khách du lịch và tăng trưởng thương mại du lịch. Bằng uy tín của mình, IPPG đã và đang liên doanh với các tập đoàn kinh doanh miễn thuế lớn trên toàn cầu như DFS, Dufry, Lotte…
Ông Johnathan Hạnh Nguyễn bày tỏ, biên bản ghi nhớ thỏa thuận hợp tác vừa được ký kết với CDF tiếp tục mở ra nhiều cơ hội hợp tác phát triển du lịch thương mại song phương giữa hai nước Trung Quốc và Việt Nam. CDF là tập đoàn kinh doanh hàng miễn thuế lớn nhất Trung Quốc với kết quả hoạt động kinh doanh đạt nhiều thành tựu xuất sắc trong năm 2023. Cụ thể, doanh thu công ty tăng 24,1% so với cùng kỳ, đạt 9,3 tỷ USD, lợi nhuận ròng tăng 24,07%, đạt 939,4 triệu USD. Đây là những con số ấn tượng, cho thấy tiềm lực lớn của đối tác phía Trung Quốc.
“Uy tín, kinh nghiệm, hệ thống mạng lưới khách hàng thân thiết trên khắp thế giới cũng như giá trị vốn hóa hàng trăm tỷ USD của tập đoàn kinh doanh miễn thuế du lịch đầu ngành nói trên sẽ mang lại sự đột phá tăng trưởng thương mại du lịch cho đất nước chúng ta, đáp ứng mục tiêu mang lại 25 triệu du khách/năm.
Sau khi sân bay quốc tế Long Thành hoàn thành vào năm 2026, cùng với 22 sân bay lớn nhỏ trên toàn quốc thì đây chính là thời điểm chín muồi để chúng ta cùng nhau biến giấc mơ thành hiện thực, đưa Việt Nam vươn lên thành một nước phát triển hùng cường vào năm 2045”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nhấn mạnh.
Nguồn: Anh Thơ – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/du-lich-mua-sam-giup-hien-thuc-hoa-muc-tieu-25-trieu-du-khach-nam-102240330104527843.htm