Đổi mới cơ chế quản lý vốn để DNNN dám nghĩ, dám làm

Để doanh nghiệp nhà nước (DNNN) dám nghĩ, dám làm thì cơ chế quản lý vốn đầu tư vào DN, cũng như hoạt động của DN cần sớm được đổi mới. Trong đó tăng cường giao quyền tự chủ cho DN nhà nước trên tinh thần chuyển quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu, tăng cường giám sát, phát hiện, cảnh báo và xử lý vi phạm ngay từ sớm nhằm ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại.

Đổi mới cơ chế quản lý vốn để DNNN dám nghĩ, dám làm- Ảnh 1.

Ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Đây là ý kiến của ông Phạm Đức Ấn, Chủ tịch Hội đồng Thành viên Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) tại cuộc gặp mặt đầu xuân của các DN nhà nước tiêu biểu với Thường trực Chính phủ ngày 3/3.

Tích cực hạ lãi suất hỗ trợ DN

Ông Phạm Đức Ấn cho biết: Là ngân hàng thương mại (NHTM) 100% vốn Nhà nước với sứ mệnh phục vụ tam nông, Agribank cùng với các NHTM cổ phần nhà nước như BIDV, Vietcombank, Vietinbank, luôn chủ động, tiên phong, gương mẫu, triển khai kịp thời các giải pháp hỗ trợ người dân, DN tháo gỡ khó khăn về vốn, phục hồi sản xuất kinh doanh theo đúng chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và NHNN.

Kết thúc năm 2023, quy mô tổng tài sản của Agribank trên 2 triệu tỷ đồng, huy động vốn đạt 1 triệu 885 ngàn tỷ đồng và dư nợ cho vay 1 triệu 550 ngàn tỷ đồng, trong đó dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân đạt gần 65%. Agribank cũng là DN có trách nhiệm xã hội cao, trong năm 2023 dành 500 tỷ đồng an sinh xã hội, tập trung vào xây dựng nhà cho đối tượng chính sách, hỗ trợ xây dựng trường học, đầu tư vào y tế. Dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Agribank dành 100 tỷ đồng để tặng cho người nghèo đón Tết.

Bước sang năm 2024, tình hình quốc tế vẫn nhiều mảng xám, diễn biến phức tạp, khó đoán định, kéo theo nhiều hệ luỵ; nhiều nền kinh tế lớn vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn trong tăng trưởng cũng như kiểm soát lạm phát, thậm chí đang có những dấu hiệu suy thoái như Anh, Nhật Bản. Điều này đang tác động tiêu cực đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của DN trong nước.

Cụ thể, mặc dù lãi suất huy động giảm nhiều nhưng tiền gửi vẫn tiếp tục vào hệ thống ngân hàng, nhu cầu sử dụng vốn sụt giảm do nhu cầu về sản xuất, tiêu thụ hàng hoá chưa được cải thiện. Vì vậy, vốn đang trở nên dư thừa tại nhiều ngân hàng thương mại, tăng chi phí trả lãi của ngân hàng thương mại. Ví dụ, Agribank đang huy động 100 đồng tiền gửi thì chỉ cho vay ra được hơn 80 đồng. Ngay từ đầu năm 2024 Agribank đã chủ động điều chỉnh giảm lãi suất cho vay, triển khai các chương trình tín dụng quy mô hơn 120.000 tỷ đồng với lãi suất cho vay thấp hơn từ 2,5-3% so với lãi suất thông thường để khuyến khích, hỗ trợ khách hàng. Thu nhập 2 tháng đầu năm 2024 của Agribank giảm gần 1.200 tỷ đồng so cùng kỳ 2023.

Trong thời gian tới, Chủ tịch Agribank khẳng định: Sẽ chủ động tiếp tục cân đối để phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất cho vay, cơ cấu lại nợ hỗ trợ khách hàng, nhất là DN; cải tiến, đơn giản hóa thủ tục, quy trình cho vay để nâng cao khả năng tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng. Đồng thời, chủ động triển khai đồng bộ, linh hoạt nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy tăng trưởng tín dụng có hiệu quả gắn với kiểm soát, nâng cao chất lượng tín dụng, hướng dòng vốn tín dụng vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên, các DN phục vụ cho các động lực tăng trưởng của nền kinh tế.

Đổi mới cơ chế quản lý vốn để DNNN dám nghĩ, dám làm- Ảnh 2.

Ông Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Quản lý theo mục tiêu, sớm hoàn thiện khung khổ pháp lý

Lãnh đạo Agribank nêu một số kiến nghị trong đó nhấn mạnh quan điểm là chuyển quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu đối với DNNN.

Thứ nhất, các vướng mắc, bất cập về cơ chế, chính sách, những rào cản liên quan đến trách nhiệm, đạo đức công vụ cần tiếp tục được làm rõ và có giải pháp cụ thể để các DN tự tin, mạnh dạn bứt phá phát triển.

Thứ hai, trong điều kiện hiện nay, các chính sách tài khoá đặc biệt là đầu tư công và hỗ trợ DN là chìa khoá để kích thích sản xuất, tiêu dùng, qua đó nhu cầu sử dụng vốn sẽ tăng thêm, vốn của NHTM mới phát huy tác dụng. Chính phủ cần triển khai các giải pháp khuyến khích, hỗ trợ các DN chuyển đổi xanh để đáp ứng các xu hướng, tiêu chuẩn quốc tế.

Thứ ba, DN nhà nước dám nghĩ, dám làm thì cơ chế quản lý vốn đầu tư cũng như hoạt động của DN cần sớm được đổi mới, trong đó tăng cường giao quyền tự chủ cho DN nhà nước trên tinh thần chuyển quản lý hành vi sang quản lý mục tiêu, tăng cường giám sát, phát hiện, cảnh báo và xử lý vi phạm ngay từ sớm nhằm ngăn chặn, giảm thiểu thiệt hại. Về mục tiêu giao cho DN nhà nước cần cụ thể hoá cho từng loại hình và từng DN cụ thể, nhất là khả năng làm chủ công nghệ, sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu có giá trị gia tăng cao, tránh chỉ giao chỉ tiêu tăng trưởng kinh doanh và lợi nhuận đơn thuần. Cơ chế về bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ trong DN nhà nước cũng cần được đổi mới triệt để.

DNNN phải có quy mô đủ lớn, quản trị tiên tiến

Dưới góc nhìn từ NHTM Nhà nước lớn, ông Phan Đức Tú – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho rằng: Để thực hiện vai trò chủ đạo, chủ lực của mình thì DN nhà nước phải có quy mô đủ lớn trong ngành, lĩnh vực đó; có công nghệ hiện đại nổi trội trong ngành và có cách thức quản trị tiên tiến, công khai, minh bạch thông tin. BIDV đang đạt được các yêu cầu đó.

Lãnh đạo BIDV cho hay: Hiện nay các NHTM nhà nước chiếm tỷ trọng trên 50 % nguồn vốn, đây là những ngân hàng dẫn đầu về công nghệ. Việc quản trị của các NHTM nhà nước cũng tương đương với các ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.

Năm 2023 kinh tế rất khó khăn, được sự chỉ đạo của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước, BIDV đã hoàn thành các chỉ tiêu đề ra: Tổng tài sản đạt 2,26 triệu tỷ đồng; tiếp tục giữ vững vị thế là NHTM cổ phần có quy mô tổng tài sản lớn nhất tại Việt Nam; huy động vốn đạt 1,89 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 16,5%, chúng tôi đã thực hiện tốt chính sách tiền tệ quốc gia và tham gia tích cực vào các chương trình an sinh xã hội.

Người đứng đầu BIDV nêu hai kiến nghị chính: Các cơ quan quản lý cần nhanh chóng ban hành các quy định triển khai Luật các Tổ chức tín dụng sửa đổi hiệu lực từ 1/7/2024. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục hoàn thiện cơ sở hạ tầng công nghệ (hoàn thiện thể chế, cơ sở hạ tầng kỹ thuật công nghệ nền tảng) tạo điều kiện cho các DNNN, trong đó có các NHTM phát triển các sản phẩm, dịch vụ hiện đại có hàm lượng công nghệ cao cung cấp cho thị trường và quản trị nội bộ

Liên quan đến vấn đề vốn, bà Bùi Thị Thanh Tâm, Chủ tịch Tổng công ty Lương thực miền Bắc nhận xét: NHNN và hệ thống NHTM đều quan tâm đến các DN xuất khẩu gạo, DN chế biến.

“Năm nay, tình hình có nhiều khó khăn nên đề nghị các ngân hàng tiếp tục quan tâm, giảm lãi suất, đồng thời nới lỏng các điều kiện cho vay”, bà Bùi Thị Thanh Tâm đề nghị.

Nguồn: Anh Minh – Báo điện tử chính phủ

https://baochinhphu.vn/doi-moi-co-che-quan-ly-von-de-dnnn-dam-nghi-dam-lam-102240303165332388.htm