ĐOÀN LUẬT SƯ TP. CẦN THƠ: Những chặng đường phát triển!

Bào chữa viên: Những viên gạch đầu tiên

Ngày 31/10/1983, Bộ Tư pháp ban hành Thông tư số 691/QLTPK hướng dẫn về công tác bào chữa. Theo Thông tư này, Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh và Hải Phòng, những nơi đã có tổ chức luật sư bào chữa thì củng cố lại về tổ chức, quản lý chặt chẽ hơn. Còn các tỉnh khác,nếu có đủ điều kiện và được Ủy ban Nhân dân tỉnh cho phép thì thành lập Đoàn bào chữa viên nhân dân.

Thực hiện Thông tư này, ngày 29-05-1984, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 171/QĐ-UBT.84 cho phép thành lập Đoàn Bào chữa viên nhân dân của tỉnh Hậu Giang. Từ thời điểm đó cho đến khi có Pháp lệnh Luật sư năm 1987, Đoàn Bào chữa viên nhân dân tỉnh Hậu Giang có 09 thành viên.

IMG 8364

Tất cả thành viên của Đoàn Bào chữa viên đều phải trải qua những khó khăn trong hoạt động nghề nghiệp. Do đất nước vừa thoát khỏi chiến tranh, hệ thống pháp luật chưa hoàn chỉnh. Phần lớn bào chữa viên chưa được đào tạo nghiệp vụ, kinh nghiệm nghề nghiệp còn hạn chế. Việc tham  gia tố tụng chủ yếu là trong các vụ án hình sự, thừa kế, đòi nhà cho thuê… Trong số thành viên Đoàn Bào chữa viên có người được Đoàn Bào chữa viên nhân dân TP. Hồ Chí Minh tặng tài liệu “Kỹ năng bào chữa”.  Tài liệu này được đánh máy và quay ronéo. Anh em chia nhau đọc. Có người đọc rồi viết tay làm tài liệu riêng để hành nghề. Dù trong hoàn cảnh ấy, tất cả đều nỗ lực học hỏi, trau dồi nghề nghiệp, cùng bước tới tạo dựng một tổ chức nghể nghiệp mới cho xã hội tại tỉnh nhà sau ngày giải phóng.

Đây cũng là những nhân tố đầu tiên có ý nghĩa tích cực đối với sự nghiệp đổi mới của đất nước từ sau năm 1986.

Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang: Tổ chức luật sư chính thức đầu tiên

Ngày 18 tháng 12 năm 1987, Hội đồng Nhà nướcthông qua Pháp lệnh Luật sư. Theo Pháp lệnh này, tổ chức luật sư được chính thức ra đời và mang tên Đoàn Luật sư.

Ngày 19-02-1990, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 43/QĐ.UBT.90 thành lập Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang lâm thời với 04 luật sư thành viên đầu tiên gồm các luật sư Phạm Xuân Định, Nguyễn Xuân Mai, Nguyễn Trường Thành (là bào chữa viên trước khi thành lập Đoàn  Luật sư) và luật sư Nguyễn Văn Trinh. Luật sư Nguyễn Xuân Mai được chỉ định làm Chủ nhiệm lâm thời.

Ngày 23-6-1990, UBND tỉnh Hậu Giang ban hành Quyết định số 181/QĐ.UBT.90 bổ sung nhân sự cho Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang, nâng tổng số thành viên chính thức của Đoàn Luật sư lên 09 luật sư.

Ngày 08-07-1990, Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang đã tổ chức Đại hội toàn thể đầu tiên để bầu ra Ban Chủ nhiệm và Ban Kiểm tra nhiệm kỳ 1990-1993. Chủ nhiệm của nhiệm kỳ đầu tiên này là Luật sư Bùi Quang Nhơn.

Trưởng ban Kiểm tra của nhiệm kỳ đầu tiên này là luật sư Phạm Xuân Định, người mà anh em thường gọi thân mật là “anh Năm”, tức Năm Định. Anh là luật sư từ trước năm 1975. Giờ đây, anh vẫn xứng đáng được gọi là “anh cả” của Đoàn Luật sư chúng ta với “chức danh” là Luật sư danh dự của Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ.

Trong những năm đầu Đoàn Luật sư ra đời, anh đã từng bào chữa cho vụ án lớn ở đồng bằng sông Cửu Long như vụ án Lữ Anh Dồi ở Minh Hải. Anh là một luật sư sống trong sạch, mực thước, thượng tôn pháp luật và ý thức đầy đủ về sứ mệnh cao cả của nghề luật sư. Trước khi thôi làm nhiệm vụ Trưởng ban Kiểm tra của Đoàn, anh là Đại biểu Quốc hội và là Ủy viên Ủy ban Tư pháp Quốc hội nước trong 2 nhiệm kỳ liên tục. Trước khi là Đại biểu Quốc hội, Luật sư Phạm Xuân Định cũng là Đại biểu Hội đồng nhân dân tỉnh.

Sự ra đời của Đoàn Luật sư là sự kiện đánh dấu cột mốc quan trọng tạo đà cho một giai đoạn phát triển của giới luật sư tỉnh Hậu Giang.

Sau năm 1990, Trường Đại học Luật Hà Nội liên tục mở nhiều khóa đào tạo chuyên môn về luật cho học viên ở khu vực đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều người có bằng Cử nhân luật trước năm 1975 cũng như những người đang công tác trong lĩnh vực pháp luật đã tham gia các khóa học này. Chính các khóa học này đã tạo ra nguồn nhân lực bổ sung cho đội ngũ luật sư những năm tiếp sau.

Ngày 25-10-1990, Đoàn Luật sư tiếp nhận 16 luật sư tập sự đầu tiên. Đến ngày 20-08-1992, Đoàn có Quyết dịnh số 773/ĐLS.92 công nhận luật sư chính thức cho 16 thành viên mới, nâng tổng số thành viên của Đoàn lên 25 luật sư. Đến thời điểm này, tỉnh Hậu Giang là đơn vị có số lượng luật sư đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long.

Cũng từ những năm này, đội ngũ luật sư của Đoàn đã tạo được ý thức trong nhân dân và tạo được tiếng vang về sự tồn tại của một giới nghề nghiệp thực hiện việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp trong các vụ án dân sự cũng như thực hiện chức năng bào chữa trong các vụ án hình sự.

Chia tách lần thứ nhất

Năm 1992, tỉnh Hậu Giang chia tách thành 02 đơn vị hành chính mới là tỉnh Cần Thơ và tỉnh Sóc Trăng.

Ngày 16-05-1992, UBND tỉnh Cần Thơ ban hành Quyết định số 154/QĐ.UBT.92 đổi tên Đoàn Luật sư tỉnh Hậu Giang thành Đoàn Luật sư tỉnh Cần Thơ. Sau khi có Quyết định này, Đoàn cũng đã tổ chức Hội nghị toàn thể thông qua việc chuyển 03 luật sư về tỉnh mới để thành lập Đoàn Luật sư tỉnh Sóc Trăng.

Đến thời điểm này, Đoàn còn lại 22 luật sư thành viên, vẫn tiếp tục là đơn vị có số lượng luật sư đứng đầu đồng bằng sông Cửu Long. Năm 1995, Đoàn tiếp nhận thêm 01 luật sư từ tỉnh Sóc Trăng chuyển về, nâng tổng số thành viên của Đoàn lên 23 luật sư.

Ngày 22-12-1996, Hội nghị toàn thể của Đoàn Luật sư đã thông qua danh sách 17 luật sư tập sự mới. Đến ngày 02-01-1997, tất cả đều được công nhận là luật sư chính thức, nâng tổng số thành viên của Đoàn lên 40 luật sư. Ngày 04-04-1999, Đoàn có thêm một luật sư mới, nâng tổng số thành viên của Đoàn đến thời điểm này lên 41 luật sư.

Cuối năm 2000, cũng là thời điểm có Pháp lệnh Tổ chức Luật sư năm 2000, Đoàn Luạt sư tỉnh Cần Thơ tổ chức kỷ niệm 10 năm thành lập. Số lượng thành viên của Đoàn đến thời điểm này đã lên đến 195 người, trong đó có 116 luật sư chính thức và 79 luật sư tập sự. Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ trở thành đơn vị đứng hàng thứ ba trong cả nước về số lượng luật sư.

Ngày 20/6/2002, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ tổ chức Đại hội toàn thể bầu ra Ban Chủ nhiệm và Ban kiểm tra mới. Luật sư Bùi Quang Nhơn chấm dứt vai trò Chủ nhiệm sau 4 nhiệm kỳ I, II, III, IV từ năm 1990 đến 2002 (mỗi nhiệm kỳ là 3 năm). Luật sư Nguyễn Viết Bình được bầu làm Chủ nhiệm trong nhiệm kỳ V.

Những năm tiếp sau, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ đã liên kết với Học viện Tư pháp (Bộ Tư pháp) mở nhiều lớp đào tạo luật sư. Đây là điều kiện để phát triển đổi ngũ luật sư mới cho Đoàn. Kể từ đó hầu như hàng năm Đoàn đều có thêm luật sư tập sự và luật sư chính thức. Phần lớn là những luật sư trẻ.

Ngoài sự phát triển về số lượng, Đoàn cũng phát triển mạnh về chất lượng. Thành viên của Đoàn tham gia tố tụng trong nhiều lĩnh vực như hình sự, dân sự, kinh tế, hôn nhân gia đình, đất đai… Đoàn có nhiều luật sư giỏi, nổi tiếng, được tín nhiệm như luật sư ở các thành phố lớn. Tuy nhiên còn những lĩnh vực mà thành viên của Đoàn chưa tham gia như sở hữu trí tuệ, tranh chấp quốc tế.

Chia tách lần thứ hai

Cuối năm 2003, tỉnh Cần Thơ tiếp tục được chia tách thành 02 đơn vị hành chính là thành phố Cần Thơ và tỉnh Hậu Giang. Ngày 20-01-2004, Chủ tịch UBND thành phố Cần Thơ ban hành Quyết định số 308/QĐ-CT.UB đổi tên Đoàn Luật sư tỉnh Cần Thơ thành Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ. Lúc này, Đoàn cũng có 03 thành viên chuyển về hoạt động tại tỉnh Hậu Giang.

Hai năm sau đó, Luật Luật sư đầu tiên ra đời năm 2006, đánh dấu giai đoạn phát triển mới của giới luật sư Việt Nam. Tại Đại hội toàn thể Đoàn Luật sư đầu tiên (sau Luật sư năm 2006) được tổ chức vào tháng 10/2008, các cơ quan của Đoàn có sự thay đổi là không còn Ban Kiểm tra nữa, thay vào đó là Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật do Luật sư Nguyễn Văn Mừng làm Chủ tịch Hội đồng.

Trong các ngày 10 đến 12-05-2009, tại Hà Nội đã diển ra một sư kiện lịch sử của giới luật sư Việt Nam. Đó là Đại hội Đại biểu Luật sư toàn quốc lần thứ nhất để thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam. Đoàn Luật sư Thành phố Cần Thơ có 02 luật sư vào Hội đồng Luật sư toàn quốc gồm:

– Luật sư Nguyễn Viết Bình: Chủ nhiệm Đoàn và cũng là Ủy viên đương nhiên của Hội đồng Luật sư toàn quốc. Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Luật sư toàn quốc, Luật sư Nguyễn Viết Bình được bầu vào Ban Thường vụ Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

– Luật sư Trần Thanh Phong: Luật sư duy nhất ở đồng bằng sông Cửu Long được bầu làm Ủy viên Hội đồng Luật sư toàn quốc. Sau đại hội, Ban lãnh đạo Liên đoàn đã phân công Luật sư Trần Thanh Phong làm Ủy viên Ủy ban Hợp tác quốc tế của Liên đoàn Luật sư Việt Nam.

Ngày 6-01-2011, Đoàn Luật sư tổ chức ra mắt Câu lạc bộ Luật sư Trẻ, tạo điều kiện cho các luật sư trẻ có môi trường sinh hoạt, học tập và trau dồi nghề nghiệp. Luật sư Nguyễn Thị Hoàng làm Chủ nhiệm lâm thời với trên 20 thành viên. Ngày 05-08-2012, Câu lạc bộ Luật sư Trẻ tổ chức đại hội chính thức nhiệm kỳ I (2012-2015) bầu ra Ban Chủ nhiệm. Luật sư Trần Minh Trị được bầu làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ.

Cuối năm 2013, Luật sư Nguyễn Văn Mừng qua đời. Ban Chủ nhiệm chỉ định và được Hội đồng đồng ý, Luật sư Trần Thanh Phong thay Luật sư Nguyễn Văn Mừng, đảm nhận chức vụ Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật.

Ngày 07-03-2014, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ tổ chức Đại hội toàn thể lần thứ VIII. Luật sư Nguyễn Viết Bình không ứng cử sau sau 3 nhiệm kỳ V, VI, VII từ năm 2002 đến 2014 (nhiệm kỳ cuối là 5 năm) là Chủ nhiệm. Tại Đại hội lần VIII này, Luật sư Trần Minh Trị được bầu làm Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ. Luật sư Nguyễn Kỳ Việt Chương được bầu làm Chủ tịch Hội đồng Khen thưởng – Kỷ luật.

Ngày 05-8-2014, sau khi Luật sư Trần Minh Trị đắc cử Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ, Câu lạc bộ Luật sư Trẻ tổ chức Đại hội giữa nhiệm kỳ. Đại hội bầu Luật sư Nguyễn Kỳ Việt Chương (Phó Chủ nhiệm CLB) làm Chủ nhiệm Câu lạc bộ Luật sư Trẻ.

Cũng sau đại hội, Đoàn Luật sư thành lập Trung tâm Tư vấn pháp luật trực thuộc Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ với 18 thành viên do Luật sư Lê Tuấn Khanh, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư, làm Giám đốc Trung tâm. Trung tâm hoạt động trên mọi lĩnh vực pháp luât, đồng thời cũng có chính sách ưu đãi đối với người có công với cách mạng, người già, người nghèo và người chưa thành niên.

Đến cuối năm 2014, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ có tổng số là 269 thành viên, trong đó có 179 luật sư chính thức và 90 người tập sự. Đội ngũ này hành nghề và tập sự tại 71 Văn phòng luật sư, 14 Công ty luật. Ngoài ra, còn có 14 Chi nhánh của Văn phòng Luật sư tại TP Cần Thơ, TP Hồ Chí Minh, Cà Mau, An Giang, Sóc Trăng, Đắc Nông, Vĩnh Long và 01 chi nhánh của Công ty luật tại tỉnh Hậu Giang. Đến thời điểm này, về mặt số lượng, Đoàn Luật sư TP. Cần Thơ đứng hàng thứ 5 sau TP. Hồ Chí Minh, Hà Nội, Đồng Nai và Bà Rịa – Vũng Tàu.

Sau gần 25 năm thành lập và phát triển, Đoàn Luật sư TP Cần Thơ có nhiều thành tựu đáng tự hào, là một trong những Đoàn Luật sư có quy mô lớn trong cả nước và hoạt động trên hầu hết các lĩnh vực pháp luật, với nhiều luật sư có uy tín và danh tiếng. Giờ đây, Đoàn Luật sư thành phố Cần Thơ tiếp tục đổi mới phương thức hoạt động nhằm đem lại các lợi ích thiết thực cho thành viên, cũng như tạo sự đồng thuận trong một “mái nhà chung”, với chí hướng luật sư không ngừng đấu tranh vì công lý và phụng sự cộng đồng xã hội.

Nguồn: www.canthobar.org

https://doanluatsucantho.org.vn/gioi-thieu-chung/doan-luat-su-tp-can-tho-nhung-chang-duong-phat-trien.html