Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM: Hướng đến đô thị toàn cầu

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 với nhiều điểm nhấn mở ra không gian phát triển cho Thành phố, với mục tiêu TPHCM là trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ của châu Á.

Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM: Hướng đến đô thị toàn cầu- Ảnh 1.

Mục tiêu trọng tâm là đưa TPHCM trở thành một Thành phố toàn cầu với tính cạnh tranh cao, phát triển không gian đô thị đồng bộ, hài hòa và bảo tồn các giá trị truyền thống – Ảnh: VGP

Cần thiết phải điều chỉnh quy hoạch

Sau hơn 10 năm thực hiện đồ án quy hoạch chung, TPHCM đã có những bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt. Tuy nhiên, quy hoạch chung của Thành phố cũng đã bộc lộ nhiều bất cập so với thực tiễn.

Ví dụ như bất cập về khả năng hiện thực hóa quy hoạch sử dụng đất, bao gồm quỹ đất công hoặc khả năng đền bù giải tỏa tạo quỹ đất xây dựng công viên, trường học, không gian công cộng,…

Mặt khác, bối cảnh phát triển đô thị thời điểm hình thành bản quy hoạch chung vào năm 2010 so với hiện nay đã có nhiều thay đổi. Tại thời điểm bấy giờ, TPHCM phát triển đô thị theo mô hình tập trung đa cực với nguồn lực đầu tư hạ tầng liên kết vùng còn hạn chế chưa phát huy được thế mạnh phát triển vùng, chưa hình thành cơ hội phát triển các dự án đột phá tại khu vực ven Thành phố. Do đó, các quận nội thành tập trung phát triển đô thị, trong khi các huyện ngoại thành như: Củ Chi, Nhà Bè, Bình Chánh, Cần Giờ vẫn là mảng xanh và chưa có sự đầu tư phát triển dựa vào thế mạnh của địa phương trong mối quan hệ phát triển vùng.

Thực tế cho thấy, bên cạnh tiềm năng quỹ đất phát triển mới là nhu cầu khai thác hiệu quả quỹ đất hiện có, tuy nhiên, hạ tầng kỹ thuật, giao thông, hệ thống thoát nước, trường học… chưa được đầu tư tương xứng.

Việc điều chỉnh quy hoạch chung của TPHCM là vấn đề cấp thiết để Thành phố phát triển, khắc phục những tồn tại. Người dân đang kỳ vọng vào đồ án quy hoạch lần này với những vấn đề đặt ra như: Ùn tắc giao thông; xử lý ngập úng; vấn đề môi trường; thiếu mảng xanh; thiếu nhà ở… Nhiều người cũng quan tâm Thành phố sẽ làm gì để đưa những nội dung trong quy hoạch vào thực tiễn, hạn chế thấp nhất tình trạng quy hoạch “treo” hay cài cắm lợi ích nhóm sau mỗi lần điều chỉnh quy hoạch.

Đô thị đa trung tâm

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 (Đồ án quy hoạch) đã và đang được lấy ý kiến các chuyên gia, nhà quản lý và người dân Thành phố. Đồ án quy hoạch lần này nhận được sự quan tâm rất lớn của các giới, các tầng lớp nhân dân bởi nó sẽ đóng góp quan trọng vào quá trình chuyển đổi và phát triển của TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060.

Nhận thức rõ tầm quan trọng của Đồ án quy hoạch lần này, lãnh đạo Thành phố đã chỉ đạo Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các cơ quan có liên quan trong việc tổ chức nghiên cứu, xây dựng Đồ án quy hoạch, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đề ra và quan trọng hơn là đáp ứng mong muốn của người dân Thành phố, với mục tiêu xây dựng Thành phố phát triển xanh, phát triển bền vững; là trung tâm kinh tế, tài chính và dịch vụ của châu Á; hướng tới TPHCM là đô thị toàn cầu.

Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM: Hướng đến đô thị toàn cầu- Ảnh 2.

Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 được yêu cầu phải khẳng định rõ vị trí, vai trò của TPHCM ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước cũng như đầu mối đại diện của Việt Nam trong khu vực và thế giới – Ảnh: VGP/Ngọc Tấn

Theo Chủ tịch UBND TPHCM Phan Văn Mãi, phải khẳng định rõ vị trí, vai trò của TPHCM ở vùng kinh tế trọng điểm phía nam và cả nước cũng như đầu mối đại diện của Việt Nam trong khu vực và thế giới. Nó không chỉ là kết nối về giao thông, logistics mà cần được khẳng định bằng sức mạnh mềm; phát huy hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và vai trò trung tâm kinh tế vùng, kiến tạo những không gian mới, những động lực mới và đề xuất những cơ chế chính sách, cách làm để quy hoạch thực sự khả thi.

Trong Đồ án quy hoạch lần này, khung phát triển đô thị được định hình rất rõ với việc mở rộng cấu trúc đô thị, hình thành các thành phố trong thành phố, cân bằng giữa phát triển và bảo tồn thiên nhiên. Theo đó, Thành phố sẽ phát triển theo mô hình đô thị đa trung tâm, với 5 vùng: Vùng đô thị trung tâm (gồm 15 quận), có diện tích gần 17.600 ha, dân số từ 5 – 6 triệu người; theo quy hoạch đây là đô thị hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ, văn hóa lịch sử, kinh tế tri thức,…

Vùng đô thị phía đông (TP. Thủ Đức) có diện tích 21.159 ha, dân số từ 2,3 – 3 triệu người; theo quy hoạch đây là đô thị sáng tạo, giáo dục – đào tạo, công nghệ cao, trung tâm tài chính.

Vùng đô thị phía bắc (huyện Hóc Môn và Củ Chi), diện tích gần 58.000 ha, dân số 3,3 – 5,2 triệu người; theo quy hoạch đây là đô thị dịch vụ, công nghiệp sinh thái,… Trung tâm đô thị phía bắc nằm tại khu vực giao giữa Vành đai 3 TPHCM và Quốc lộ 22 đến cao tốc TPHCM – Mộc Bài.

Vùng đô thị phía tây (huyện Bình Chánh), diện tích gần 22.800 ha, dân số từ 2 – 2,8 triệu người; theo quy hoạch đây là đô thị công nghiệp, dịch vụ thương mại, công nghệ và dịch vụ chăm sóc sức khỏe, trung tâm y sinh hóa dược,… Trung tâm đô thị đặt tại khu vực Tân Kiên.

Vùng đô thị phía nam (Quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ), diện tích hơn 89.000 ha, dân số 3 – 4,2 triệu người; theo quy hoạch đây là đô thị công nghệ cao, thương mại dịch vụ, triển lãm, trung tâm kinh tế biển,… Khu vực Phú Mỹ Hưng (Quận 7) sẽ được mở rộng về phía nam để trở thành trung tâm của cả vùng đô thị phía nam.

Phát triển giao thông nhanh, đa tầng

Một vấn đề người dân rất quan tâm là quy hoạch giao thông như thế nào để giải bài toán ùn tắc, ngập úng, đặc biệt là tại khu vực cửa ngõ thành phố. Trong Đồ án quy hoạch lần này, Sở Quy hoạch – Kiến trúc và các đơn vị có liên quan, đơn vị tư vấn đã nghiên cứu và xây dựng quy hoạch giao thông được phát triển với chiến lược kết nối để trở thành trung tâm. Thành phố sẽ bố trí các trục giao thông nhanh, đa tầng bằng cách phát triển những trục trên cao, trục đi ngầm. Kết nối các trung tâm đô thị và khu vực bằng các tuyến giao thông công cộng quy mô lớn và các tuyến trục giao thông chính đường bộ, đường thuỷ.

Điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM: Hướng đến đô thị toàn cầu- Ảnh 3.

Đồ án quy hoạch định hướng đầu tư hạ tầng xanh đa chức năng dọc sông Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế dịch vụ, khôi phục đa dạng sinh học, gia tăng chất lượng môi trường vùng đô thị – Ảnh: VGP/Ngọc Tấn

Về đường bộ, sẽ kéo dài trục động lực phía nam song song với Quốc lộ 50 và kết nối với đường ven biển tại Tiền Giang. Bổ sung tuyến kết nối với sân bay Long Thành từ trung tâm thành phố qua cầu Phú Mỹ. Bổ sung kết nối về phía đông với Đồng Nai đến Quốc lộ 20 để giảm tải cho Quốc lộ 1 và đường cao tốc TPHCM – Long Thành – Dầu Giây. Đồng thời kết nối đường ven biển từ Gò Công (Tiền Giang), qua cửa sông Soài Rạp đến Cần Giờ và kéo dài đến đến cao tốc Bến Lức – Long Thành (Đồng Nai) thông qua đường vào cảng Phước An để hỗ trợ cho Cảng trung chuyển quốc tế Cần Giờ trong tương lai.

Về đường sắt, kết nối đường sắt TPHCM – Cần Thơ với TPHCM – Nha Trang thông qua đoạn tuyến trên cao dọc đường Nguyễn Văn Linh, xa lộ Hà Nội, Vành đai 2 TPHCM. Trong tương lai đoạn tuyến Hòa Hưng – Bình Triệu – An Bình chuyển thành đường sắt đô thị.

Phát triển hành lang sông Sài Gòn

Đồ án quy hoạch lần này quan tâm đến vai trò phát triển khu vực ngoại vi trong mối quan hệ kết nối vùng. Tập trung lại các khu có tiềm năng phát triển và đầu tư hạ tầng đồng bộ, đặc biệt là định hướng đầu tư hạ tầng xanh đa chức năng dọc sông Sài Gòn, góp phần phát triển kinh tế dịch vụ, khôi phục đa dạng sinh học, gia tăng chất lượng môi trường vùng đô thị, tăng cường mảng xanh dọc sông Sài Gòn phục vụ nhu cầu giải trí nghỉ dưỡng của người dân thành phố và vùng thành phố, khai thác hiệu quả và bền vững giá trị hành lang sông.

Thành phố xác định sông Sài Gòn là trung tâm của quy hoạch TPHCM thời kỳ mới và là yếu tố được quan tâm đặc biệt trong việc rà soát quy hoạch chung lần này. Thành phố đã phối hợp với Viện Quy hoạch vùng Paris (IPR), Tổ chức Khoa học và Chuyên gia Việt Nam toàn cầu (AVSE Global) cùng các nhóm chuyên gia địa phương đa ngành, nghiên cứu định hướng quy hoạch phát triển hành lang sông Sài Gòn; tích hợp những nội dung phù hợp, có tính mới, đột phá… vào Đồ án quy hoạch TPHCM và Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố.

Theo đó, lấy không gian ven sông Sài Gòn làm mặt tiền cho đô thị, từ khu vực trung tâm truyền thống ở ven sông, phát triển dải đô thị hai bên sông như “trái tim mở rộng”. Sông Sài Gòn trong tương lai trở thành điểm đến quý giá không thể thiếu của mọi người dân và du khách, điểm đến mang bản sắc độc đáo, gắn với cảnh quan của dòng sông trong xanh, gắn với lịch sử hình thành và phát triển của TPHCM.

Tổ chức dải công viên công cộng liên tục ven sông, để đảm bảo khả năng tiếp cận và sử dụng các tiện ích, dịch vụ ven sông, tạo điều kiện để dòng sông thực sự đóng góp cho sự phát triển bền vững của TPHCM và vùng thành phố.

Có thể khẳng định, sông Sài Gòn thực sự có tiềm năng vô cùng to lớn trong việc phát triển kinh tế – xã hội của một vùng rộng lớn khu vực Đông Nam Bộ. Lãnh đạo Thành phố khẳng định và mong muốn khai thác tiềm năng kinh tế và bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa lịch sử, sinh thái nhân văn và tiềm năng kinh tế dịch vụ của con sông này.

Dự kiến trong quý II/2024, Sở Quy hoạch – Kiến trúc TPHCM sẽ cùng với các đơn vị liên quan hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 trình Bộ Xây dựng; và dự kiến quý III/2024, đồ án sẽ được trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Cùng với các chính sách quản lý phát triển và tổ chức thực hiện quy hoạch, vận dụng Nghị quyết 98 của Quốc hội, Đồ án quy hoạch lần này được mong đợi sẽ đóng góp để TPHCM phát triển ngang tầm các đô thị lớn trên thế giới, là điểm đến hấp dẫn toàn cầu.

Nguồn: TS.KTS Nguyễn Anh Tuấn – Báo điện tử chính phủ

https://baochinhphu.vn/dieu-chinh-quy-hoach-chung-tphcm-huong-den-do-thi-toan-cau-102240501072227201.htm