Điện Biên phát huy giá trị di sản văn hóa

Điện Biên là nơi sinh sống của 19 dân tộc. Mỗi dân tộc có những nét riêng về ngôn ngữ, phong tục, tập quán, văn hóa… tạo thành bức tranh đa sắc màu văn hóa, đưa Điện Biên trở thành địa phương có hệ thống di sản văn hóa phong phú, là điểm đến hấp dẫn đối với du khách trong và ngoài nước. Do đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV đặt mục tiêu bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa các dân tộc… để phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, góp phần đưa Điện Biên thành tỉnh phát triển nhanh và bền vững.

Điện Biên phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 1.

Nghệ nhân Vàng Văn Thức thực hiện nghi thức lễ “Tế ta” tế thần sông nước vào mỗi dịp đầu năm tại lòng hồ thủy điện thị xã Mường Lay. Ảnh: Trần Nhâm

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 27 di tích được công nhận xếp hạng, trong đó có 1 di tích cấp Quốc gia đặc biệt là di tích Chiến trường Điện Biên Phủ. 14 di tích cấp Quốc gia: Hang động Huổi Cang, Huổi Đáp tại huyện Mường Chà; Hang động Pê Răng Ky, Khó Chua La, Hang động Xá Nhè, Di tích Thành Vàng Lồng tại huyện Tủa Chùa; Hang động Há Chớ, Mùn Chung, Thẳm Khương tại huyện Tuần Giáo… 12 di tích cấp tỉnh: Hang động Mường Chung, Khu căn cứ cách mạnh Pú Nhung, Công trình Đại thủy nông Nậm Rốm, Dân quân Thanh An bắn rơi máy bay Mỹ…

Ngoài ra, Điện Biên có 18 di sản văn hóa phi vật thể quốc gia: Nghệ thuật Xòe Thái; Lễ hội đền Hoàng Công Chất (Thành Bản Phủ) tại xã Noong Hẹt, huyện Điện Biên; Lễ Kin Pang Then của người Thái tại bản Na Nát, phường Na Lay, thị xã Mường Lay; Tết Té nước (Bun huột nặm) của người Lào tại xã Núa Ngam, huyện Điện Biên; Lễ hội Mền Loóng Phạt Ái (Tết Hoa mào gà) của cộng đồng dân tộc Cống và Lễ Gạ Ma Thú (Cúng bản) của cộng đồng dân tộc người Hà Nhì.

Những ngày cuối năm, các dân tộc vùng cao Điện Biên đang tổ chức lễ hội, tết truyền thống của mình, thu hút đông đảo khách thập phương, khách du lịch trong và ngoài tỉnh đến tham quan, giao lưu, tìm hiểu bản sắc văn hoá.

Điện Biên phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 2.

Nghệ nhân truyền dạy cho lớp trẻ cách thổi khèn trong dịp hội xuân đầu năm tại Phìn Hồ, huyện Nậm Pồ. Ảnh: Trần Nhâm

Tết Hoa mào gà của đồng bào dân tộc Cống, xã Pa Thơm, huyện Điện Biên vừa mới được bà con dân bản tổ chức vào trung tuần tháng 11, trong không khí trang trọng, ấm cúng, vui tươi. Tết Hoa mào gà là dịp để đồng bào Cống nghỉ ngơi, vui chơi, thư giãn sau những ngày lao động miệt mài. Là dịp mọi người cùng hướng về cội nguồn, để con cháu tạ ơn ông bà, cha mẹ, tổ tiên và tạ ơn trời đất, thần linh đã phù hộ mưa thuận gió hòa, mùa màng tốt tươi, con người khỏe mạnh; cầu xin những điều tốt đẹp cho một năm mới an lành, no đủ.

Trong chuyến ngược ngàn huyện Mường Nhé mới đây, chúng tôi đến xã Sín Thầu – nơi có cột mốc số 0 (ngã ba biên giới Việt Nam – Lào – Trung Quốc). Được cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện dẫn lên thăm một số gia đình dân tộc Hà Nhì; nắm thông tin phát triển kinh tế – xã hội của xã.

Như thông tin cán bộ Phòng Văn hóa – Thông tin huyện cung cấp thì, chỉ còn vài tuần nữa (giữa tháng 12), bà con nơi đây sẽ tổ chức tết cổ truyền Khù Sự Chà Hà Nhì. Những năm gần đây, đời sống kinh tế được nâng lên, bà con ăn tết to hơn, vui hơn nhưng vẫn giữ được bản sắc văn hóa truyền thống.

Điện Biên phát huy giá trị di sản văn hóa - Ảnh 3.

Người dân hướng dẫn du khách trải nghiệm nhảy sạp trong không gian văn hóa vùng cao tại chương trình lễ hội Hoa ban. Ảnh: Trần Nhâm

Tết thường diễn ra trong ba ngày, đây là dịp mọi người về đoàn tụ với gia đình, cùng uống rượu và chúc nhau những lời đầy ý nghĩa, cũng là dịp trai gái vui xuân, tìm kiếm bạn đời.

Bên cạnh kết quả đạt được, công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa để phát triển du lịch của tỉnh vẫn còn những hạn chế. Nhiều giá trị di sản văn hóa truyền thống của các dân tộc đang dần bị mai một, chưa có giải pháp bảo tồn, phát huy hiệu quả…

Nguyên nhân là do việc quảng bá di sản văn hóa gặp nhiều khó khăn; nhận thức, trình độ khoa học – kỹ thuật, hiểu biết tiếng dân tộc của những người làm công tác văn hóa, du lịch và người dân chưa đáp ứng yêu cầu. Các dịch vụ về ẩm thực, văn nghệ còn trùng lặp, chưa phong phú, đa dạng. Đầu tư cho kết cấu hạ tầng phục vụ du lịch thiếu đồng bộ, vệ sinh môi trường còn những bất cập…

Xác định di sản văn hóa là tài nguyên vô giá, cần chú trọng bảo tồn, phát triển. Khai thác, phát huy tốt giá trị di sản văn hóa là tiền đề để phát triển du lịch, tăng thu ngân sách cho tỉnh. Do vậy, cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, cán bộ chuyên môn và người dân cần nâng cao trách nhiệm trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa; chú trọng quảng bá, tuyên truyền nét đẹp văn hóa độc đáo của địa phương đến bạn bè trong và ngoài nước. Đây là cách tốt nhất để giáo dục truyền thống yêu quê hương, đất nước, bản sắc văn hóa riêng có cho thế hệ mai sau.

Nguồn: www.mocst.gov.vn (Theo Báo Điện Biên Phủ)