Đến nay, 100% các thôn, làng, tổ dân phố được chọn xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu giai đoạn 1 của tỉnh đều khánh thành Khu thiết chế văn hóa – thể thao, đưa vào khai thác, sử dụng đáp ứng nhu cầu văn hóa, văn nghệ, thể dục, thể thao của Nhân dân và tổ chức các sự kiện lớn của địa phương. Tuy nhiên, làm thế nào để quản lý, sử dụng Khu thiết chế văn hóa – thể thao một cách hiệu quả, lâu dài cũng như phát huy hết công năng sử dụng công trình đang là vấn đề được quan tâm.
Đã trở thành thói quen, từ ngày Khu thiết chế văn hóa – thể thao làng Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc chính thức khánh thành và đưa vào sử dụng, chiều nào bà Nguyễn Thị Nguyên, thôn 1, làng Thụ Ích cũng có mặt để luyện tập thể dục, hay đơn giản chỉ là đi dạo ngắm những đứa trẻ vui chơi nô đùa. Không giấu niềm vui, tự hào, bà Nguyên hồ hởi chia sẻ: Người dân làng Thụ Ích chưa bao giờ nghĩ lại có được một Khu thiết chế văn hóa – thể thao rộng rãi, khang trang, tiện ích đến vậy. Giờ thì chẳng cứ đội thanh niên trẻ thích chơi thể thao mà từ người già đến trẻ nhỏ đều muốn ra đây chơi nên không khí mỗi buổi chiều, nhất là cuối tuần náo nhiệt không kém gì ngày hội. Người dân chúng tôi vẫn luôn bảo nhau phải bảo vệ, giữ gìn vệ sinh chung để Khu thiết chế luôn sạch đẹp.
Có được thành quả như ngày hôm nay là nhờ sự đồng lòng, vào cuộc của cả hệ thống chính trị để sau hơn 3 tháng khởi công, một không gian văn hóa vừa hiện đại, vừa gần gũi thiên nhiên, rộng 15000 m2 được hình thành, bước đầu đáp ứng nhu cầu hội họp và tổ chức các sự kiện lớn của địa phương. Khu thiết chế văn hóa, thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu được người dân coi giống một công viên thu nhỏ với đầy đủ hạng mục như: Hồ điều hòa, đường dạo cây xanh, 2 sân bóng đá nhân tạo, 2 sân bóng chuyền kết hợp sân cầu lông cùng hệ thống dụng cụ thể thao ngoài trời được lắp đặt đồng bộ.
đáp ứng nhu cầu luyện tập thể thao của người dân
Thế nhưng, bên cạnh niềm vui trước sự hiện hữu của những Khu thiết chế văn hóa – thể thao khang trang, hiện đại, các địa phương đang xây dựng Làng văn hóa kiểu mẫu hiện nay cũng còn không ít những trăn trở xung quanh công tác quản lý, tổ chức vận hành các thiết chế hiệu quả, nhất là khi đây lại là những địa phương đầu tiên của tỉnh thí điểm xây dựng mô hình Làng văn hóa kiểu mẫu.
Trưởng làng Thụ Ích Nguyễn Văn Hồng chia sẻ: Ngay tháng đầu tiên đưa vào sử dụng, chỉ riêng chi phí cho điện năng của Khu thiết chế đã lên tới hàng chục triệu đồng, bởi Khu thiết chế có nhiều thiết bị điện và đèn chiếu sáng, người dân thường xuyên sử dụng mỗi khi tập luyện thể dục thể thao vào mỗi buổi chiều tối nên đã phát sinh lượng điện tiêu thụ lớn… Điều này đã đặt ra vấn đề cần có nguồn kinh phí để chi trả tiền điện hằng tháng. Thêm vào đó, với một không gian rộng lớn, được đầu tư nhiều hạng mục thì chi phí duy tu bảo dưỡng, vệ sinh môi trường, chăm sóc cây cối cũng sẽ là một khoản không nhỏ đối với các thôn, làng, tổ dân phố. Chưa kể bên trong Khu thiết chế có nhiều tài sản giá trị, khuôn viên được bao bọc bởi hệ thống tường rào mềm, nếu không có phương án quản lý, gia súc, gia cầm thả rông có thể di chuyển vào bên trong khuôn viên, phá hủy cây cối và nhiều vật dụng.
Trước mắt, sau khi hoàn thành công trình Khu thiết chế văn hóa, thể thao, UBND xã Liên Châu đã bàn giao cho thôn Thụ Ích trực tiếp quản lý, vận hành. Thôn có trách nhiệm báo cáo với UBND xã về tình hình hoạt động, những khó khăn, bất cập trong quá trình sử dụng để cùng tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp khắc phục.
Cũng giống như Làng văn hóa kiểu mẫu Thụ Ích, xã Liên Châu, huyện Yên Lạc, ông Đặng Đình Lê, Phó Chủ tịch phụ trách UBND xã Tam Hợp cho biết: Sau khi hoàn thành giao đoạn 1, Khu thiết chế văn hóa – thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu Chợ Nội đã được giao cho Bí thư, Trưởng thôn tạm thời quản lý; khi hoàn thành giai đoạn 2, địa phương sẽ lựa chọn người chuyên trách đứng ra quản lý. Tuy nhiên, người được lựa chọn không chỉ đơn giản là trông nom, bảo vệ mà để thiết chế văn hóa, thể thao, nhất là thư viện trong nhà văn hóa hoạt động hiệu quả cần phải có trình độ văn hóa nhất định. Đây là việc làm chưa có tiền lệ, cũng như hướng dẫn cụ thể. Vì vậy, việc lựa chọn người bảo đảm các điều kiện như thế nào, chế độ bồi dưỡng ra sao, lấy nguồn từ đâu cũng là vấn đề cần được xem xét, bàn bạc kỹ lưỡng…
Giải quyết vấn đề này, bước đầu, thôn Chợ Nội đã thành lập Ban chủ nhiệm Khu thiết chế văn hóa – thể thao; ban hành quy chế hoạt động, niêm yết công khai tại khu thiết chế để người dân được biết và tuân thủ. Đồng thời, thôn tổ chức họp để lấy ý kiến Nhân dân về việc sử dụng nguồn kinh phí như thế nào để chi trả tiền điện hằng tháng, tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao và duy tu, bảo dưỡng các dụng cụ, thiết bị bị xuống cấp, hư hỏng. Để Khu thiết chế văn hóa – thể thao luôn sạch, đẹp, thôn quy định lịch tổng vệ sinh môi trường định kỳ hằng tuần, tạo thành nếp sinh hoạt chung cho toàn thể Nhân dân. Ban chủ nhiệm Khu thiết chế có trách nhiệm thống kê, báo cáo, công khai minh bạch các khoản thu, chi tài chính; quản lý, sử dụng các nguồn lực huy động bảo đảm công khai, dân chủ theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; kiểm kê, theo dõi tình hình hoạt động và cơ sở vật chất, trang thiết bị của Khu thiết chế, bảo đảm sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả.
Được biết, để quản lý, tổ chức vận hành hiệu quả, phát huy hết công năng của các Khu thiết chế văn hóa – thể thao Làng văn hóa kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh trở thành “nơi đáng sống” và các thiết chế văn hóa, thể thao thực sự là “sợi dây” bền chặt kết nối cộng đồng, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của Nhân dân, tngay từ giữa tháng 5/2023, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 13 về Quy chế quản lý, sử dụng Nhà văn hóa – Khu thể thao, tổ dân phố trên địa bàn tỉnh. Theo đó, nhà văn hóa thôn chịu sự quản lý, chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp xã và giao Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn trực tiếp quản lý và sử dụng hiệu quả cơ sở vật chất và nguồn kinh phí của nhà văn hóa thôn, đáp ứng nhu cầu hưởng thụ và sáng tạo các giá trị văn hóa của cộng đồng, bảo đảm công khai, dân chủ, đúng quy định của pháp luật và các quy định của địa phương.
Ban chủ nhiệm Nhà văn hóa thôn có trách nhiệm xây dựng nội quy hoạt động của nhà văn hóa, phổ biến trong các cuộc họp thôn và niêm yết tại nhà văn hóa để mọi người dân được biết và tuân thủ. Phát huy vai trò giám sát của đội ngũ cán bộ, đảng viên và quần chúng Nhân dân trong việc tổ chức hoạt động tại nhà văn hóa, bảo đảm đúng chủ trương của Đảng, quy định của Nhà nước, phù hợp với nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của Nhân dân và phát huy bản sắc văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc, địa phương…
Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, nỗ lực của chính quyền địa phương cùng sự chung sức, đồng lòng của các tầng lớp Nhân dân, tin rằng những khó khăn, bất cập xung quanh công tác quản lý, tổ chức vận hành thiết chế văn hóa, thể thao sẽ dần được khắc phục để các Khu thiết chế văn hóa – thể thao phát huy hiệu quả tốt nhất.