Sáng 10/4, Bộ Tư pháp tổ chức Hội nghị sơ kết 6 tháng công tác Thi hành án dân sự (THADS), theo dõi Thi hành án hành chính. Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi, Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Quang Thái chủ trì hội nghị.
6 tháng đầu năm đã thi hành xong hơn 47.595 tỷ đồng
Báo cáo tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thi hành án dân sự Nguyễn Thắng Lợi cho biết: Trong bối cảnh số việc, số tiền phải thi hành đều tăng so với cùng kỳ năm 2023 (tăng 8,69% về việc; 19,52% về tiền), thị trường bất động sản trầm lắng, tài sản thi hành án (THA) khó xử lý nhưng toàn Hệ thống THADS đã khắc phục khó khăn, nỗ lực phấn đấu, đề ra nhiều giải pháp linh hoạt để duy trì tổ chức thi hành án đạt kết quả tương đương cùng kỳ năm 2023.
Một số địa phương rất nỗ lực, cố gắng để có kết quả cao về việc, về tiền; kết quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, nhất là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo vẫn đạt kết quả đáng khích lệ; kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng tăng cả về việc và về tiền. Các mặt công tác của Hệ thống THADS vẫn cơ bản được triển khai kịp thời, đảm bảo tiến độ theo Kế hoạch đã đề ra.
“Đạt được kết quả như trên là do Bộ Tư pháp đã tích cực chỉ đạo toàn Hệ thống THADS triển khai quyết liệt toàn diện, đồng bộ, sâu sát, kịp thời các mặt công tác, bên cạnh đó là sự quan tâm, vào cuộc quyết liệt của các cấp ủy đảng và sự phối hợp thường xuyên, chặt chẽ, hiệu quả với các ban, bộ, ngành trung ương, địa phương đối với công tác THADS”, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Thắng Lợi nhấn mạnh.
Cụ thể, kết quả THADS về việc có tổng số phải thi hành 679.008 việc, trong đó có điều kiện thi hành là 462.469 việc, đã thi hành xong 242.304 việc. Về tiền, tổng số phải thi hành hơn 411.117 tỷ đồng, trong đó có điều kiện thi hành hơn 234.793 tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 47.595 tỷ đồng.
Kết quả thi hành án tín dụng ngân hàng (không bao gồm ủy thác THA, số chưa có điều kiện đã chuyển sổ theo dõi riêng) có tổng số việc phải thi hành là 42.920 việc với hơn 173.033 tỷ đồng. Đã thi hành xong 2.278 việc và thi hành xong về tiền hơn 12.802 tỷ đồng.
Về kết quả công tác thu hồi tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế cho thấy, tổng số phải thi hành 4.486 việc, trong đó có điều kiện thi hành 2.991 việc, đã thi hành xong 1.177 việc. Về tiền, tổng số phải thi hành hơn 92.376 tỷ đồng, trong đó có điều kiện thi hành hơn 53.672 tỷ đồng, đã thi hành xong hơn 10.135 tỷ đồng.
Việc nhiều, người ít, áp lực cao…
Phát biểu tại Hội nghị, Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TPHCM Nguyễn Văn Hòa cho biết: Đây là địa phương có khối lượng công việc lớn nhất cả nước, chiếm 12% số vụ việc và hơn 32% về tiền, có ảnh hưởng lớn đến kết quả, chỉ tiêu của cả Hệ thống THADS, Cục THADS TPHCM đã tích cực chủ động đề xuất nhiều giải pháp để tổ chức THA bảo đảm được các chỉ tiêu, kế hoach được giao…
Tuy nhiên, khối lượng công việc quá nhiều nhưng số lượng Chấp hành viên, công chức THA lại ít dẫn đến quá tải công việc. Do đó, phải chuẩn bị các kịch bản cho việc THA dân sự các đại án lớn như Vạn Thịnh Phát sắp tới đây và nhiều vụ đại án khác nữa.
“Đây là thách thức không nhỏ đối với Cục THADS TPHCM và cán bộ, công chức THA. Trong khi đó, chưa có quy chế, quy định hữu hiệu về bảo vệ cán bộ, công chức THA trong hoạt động công vụ, nhiều vấn đề khó đang đặt ra như thi hành các quyết định của Trọng tài thương mại, lựa chọn tổ chức bán đấu giá tài sản còn nhiều bất cập”, ông Hòa giải bày.
Chia sẻ về vấn đề này, Cục trưởng Cục THADS TP. Hà Nội Phạm Văn Dũng nêu rõ: 6 tháng đầu năm 2024, khối lượng phải THA về tiền và việc đều tăng so với cùng kỳ năm 2024, áp lực rất nặng nề đối với cán bộ, công chức THA khi khối lượng công việc ngày càng nhiều, người ít, Tổng cục đã điều động thêm cho 12 cán bộ của Cục THADS TP. Hà Nội nhưng vẫn chưa đáp ứng yêu cầu công việc hiện nay.
Bên cạnh đó, việc phải tổ chức thi hành các bản án lớn tới đây như vụ án Tân Hoàng Minh với hơn 6 nghìn đương sự, tiêu hủy số lượng lớn sách giáo khoa in lậu đang là những bài toán hóc búa, đòi hỏi phải có sự vào cuộc, chia sẻ của các cấp, các ngành để hoàn thành công việc được giao.
Đánh giá cao các kết quả cơ quan THADS đã đạt được trong 6 tháng đầu năm 2024, ông Trần Huy, Phó Vụ trưởng Vụ 11, Viện KSNDTC cho biết, Viện đã cùng Bộ Tư pháp, Tổng cục THADS phối hợp quyết liệt trong chỉ đạo THAHC, tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành, ban hành các văn bản kiến nghị UBND cấp tỉnh về THAHC; từ đó tạo chuyển biến tích cực trong công tác này. Trong thời gian tới, đồng chí hy vọng cơ quan THADS và Viện KSND các cấp sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp, chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc để cùng nhau hoàn thành tốt các nhiệm vụ được giao.
Ngoài ra, các đại biểu dự Hội nghị đã đề xuất một số giải pháp khác để nâng cao hiệu quả công tác THADS như chủ động quán triệt các quy định của Đảng, chính sách pháp luật để cụ thể hóa trong các quy định nội bộ, triển khai nghiêm túc, kịp thời trong đơn vị; nêu cao tính gương mẫu, trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan THADS địa phương; nâng cao chất lượng nghiệp vụ, chuyên môn của đội ngũ cán bộ;…
Nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án về tham nhũng, kinh tế
Nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới, cả Hệ thống THADS xác định cần tiếp tục thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp lớn.
Đó là, cụ thể hóa các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Nghị quyết đại hội XIII của Đảng, Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết đại hội XIII; Chỉ thị số 04-CT/TW; Kết luận số 05KL/TW; Kết luận Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012 – 2022 và kết luận tại Hội nghị sơ kết 01 năm hoạt động của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh của đồng chí Tổng Bí thư, Trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực vào lãnh đạo, chỉ đạo đối với công tác THADS, THAHC. Triển khai đầy đủ, kịp thời, có hiệu quả Quy định số 132-QĐ/TW ngày 27/10/2023 của Bộ Chính trị về kiểm soát quyền lực, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án.
Đẩy mạnh tham mưu về công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế về THADS, THAHC. Tập trung sửa đổi, bổ sung Nghị định số 62/2015/NĐ-CP; Chỉ thị số 05/CT-TTg, đề xuất xây dựng Luật THADS sửa đổi và các lĩnh vực pháp luật có liên quan.
Tiếp tục tổ chức triển khai đồng bộ các giải pháp để hoàn thành chỉ tiêu, nhiệm vụ THADS, THAHC theo Nghị quyết số 96/2019/QH14 và Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội; tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan THADS phối hợp với Tòa án nhân dân, Viện KSND nâng cao hiệu quả công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế, chức vụ, đặc biệt là các vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương, Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực theo dõi, chỉ đạo; phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, cơ quan có liên quan kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành án cho cơ quan THADS địa phương để nâng cao hiệu quả công tác thu hồi nợ cho các tổ chức tín dụng.
Quán triệt, chỉ đạo tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả Luật Tố tụng hành chính năm 2015; các kiến nghị của Ủy ban Tư pháp của Quốc hội về việc chấp hành pháp luật Tố tụng hành chính và THAHC và Chỉ thị số 26/CT-TTg ngày 15/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ, nhất là việc cung cấp tài liệu, chứng cứ, tham gia đối thoại, tham gia phiên tòa.
Tăng cường, nâng cao hiệu quả công tác phối hợp liên ngành từ Trung ương đến địa phương bảo đảm xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành trong công tác THADS, THAHC; tích cực, chủ động tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương và sự phối hợp chặt chẽ của các ban, bộ, ngành liên quan đối với công tác THADS, THAHC.
Quan tâm đầu tư ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong Hệ thống THADS nhằm cải cách hành chính, tăng cường quản lý các mặt công tác. Khẩn trương tham mưu triển khai các nhiệm vụ được giao tại Đề án 06 của Thủ tướng Chính phủ; hoàn thiện cơ chế thí điểm, đề xuất quy trình thu án phí, tạm ứng án phí không dùng tiền mặt; tiếp tục triển khai Đề án biên lai điện tử thu tiền THADS.
Làm rõ vướng mắc, khó khăn trong thi hành án tín dụng, ngân hàng
Phát biểu kết luận, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương đánh giá cao các kết quả toàn hệ thống THADS đã đạt được trong các mặt công tác; đồng thời chia sẻ với những khó khăn, thách thức của các cơ quan THADS địa phương.
Trong bối cảnh số lượng việc và tiền có xu hướng ngày càng tăng, nhiều vụ việc phức tạp có số lượng người, tài sản phải thi hành án rất lớn, Thứ trưởng đề nghị Tổng cục THADS tiếp tục tham mưu Lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong lãnh đạo, chỉ đạo để đảm bảo cho việc thi hành án hiệu quả. Bên cạnh đó, để đáp ứng yêu cầu, kỳ vọng ngày càng cao của người dân đối với công tác THADS, các cơ quan THADS cần tập trung giải quyết các vấn đề về biên chế, nguồn lực con người; trong đó tăng cường rà soát, sắp xếp, củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ, đặc biệt là đội ngũ lãnh đạo cấp Chi cục, phòng chuyên môn; tăng cường kiểm soát, kiểm tra sát sao với những vụ án lớn, giá trị thi hành cao để đảm bảo tiến độ thi hành.
Đối với án tín dụng ngân hàng, Thứ trưởng đề nghị cơ quan THADS phải tổng hợp, đánh giá, làm rõ những vướng mắc, khó khăn; trách nhiệm của các đơn vị liên quan để có giải pháp khắc phục.
Đối với án hành chính, Thứ trưởng nhận định nhiều địa phương đã phát huy được sự lãnh đạo chỉ đạo của cấp ủy chính quyền địa phương, tạo chuyển biến tích cực trong THAHC. Tuy nhiên, trong thời gian tới, các cơ quan THADS vẫn cần chủ động đề nghị địa phương hỗ trợ kinh phí, nguồn lực để thực hiện công tác này.
Cùng với đó, Thứ trưởng cũng yêu cầu lãnh đạo các cơ quan THADS đổi mới, sáng tạo, tích cực, chủ động trong quản lý, chỉ đạo, điều hành, tạo khí thế thi đua sôi nổi để hoàn thành nhiệm vụ; chủ động nghiên cứu, đề xuất giải pháp ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong công tác THADS…
Nguồn: Lê Sơn – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/day-manh-thu-hoi-tai-san-bi-that-thoat-chiem-doat-trong-cac-vu-an-ve-tham-nhung-kinh-te-102240410144030918.htm