Chuẩn bị nguồn lực thực hiện thí điểm giao Phòng Tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp

Bộ Tư pháp đang xây dựng dự thảo Nghị quyết của Quốc hội thí điểm giao một số Phòng Tư pháp thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện tại TP. Hà Nội, TPHCM và tỉnh Nghệ An thực hiện cấp Phiếu lý lịch tư pháp (LLTP). Vấn đề được nhiều người quan tâm là nguồn lực cho việc thực hiện thí điểm tại các địa phương nói trên.

Chuẩn bị nguồn lực thực hiện thí điểm giao Phòng Tư pháp cấp Phiếu Lý lịch tư pháp- Ảnh 1.

Người dân đến làm thủ tục cấp Phiếu Lý lịch tư pháp tại Sở Tư pháp TPHCM – Ảnh: VGP/LS

Gần 98% phiếu LLTP được cấp đúng hạn

Bộ Tư pháp cho biết, trong giai đoạn từ năm 2021 đến năm 2023, Sở Tư pháp trên toàn quốc đã cấp hơn 2,6 triệu Phiếu LLTP, một số địa phương tiếp nhận và giải quyết số lượng lớn yêu cầu cấp Phiếu LLTP như TPHCM, TP. Hà Nội, tỉnh Nghệ An… Việc tiếp nhận và trả kết quả yêu cầu cấp Phiếu LLTP được thực hiện qua các phương thức gồm trực tiếp, qua bưu chính và trực tuyến. Trong đó, số lượng người dân nộp hồ sơ trực tiếp và nhận kết quả Phiếu LLTP qua dịch vụ bưu chính chiếm số lượng lớn.

Qua đánh giá thống kê hằng năm, trung bình tỷ lệ đúng hạn cấp Phiếu LLTP tại các Sở Tư pháp trên toàn quốc chiếm khoảng 97,9%. Còn khoảng 2,1% trường hợp cấp Phiếu LLTP trễ hạn (khoảng 54.000 trường hợp), tập trung chủ yếu là các trường hợp có thông tin về án tích trước ngày 01/7/2010 ví dụ như đã bị bắt, lập danh chỉ bản nhưng không rõ kết quả xử lý cuối cùng, không có thông tin về việc xét xử của Toà án…

Với 3 địa phương đề xuất thí điểm, Bộ Tư pháp cho biết, hiện nay tại TP. Hà Nội, hàng năm, tỷ lệ hồ sơ yêu cầu cấp Phiếu LLTP của công dân được giải quyết đúng và trước thời hạn đạt 97%. Số hồ sơ giải quyết trễ hạn chiếm tỷ lệ 3 %, tại TPHCM là 4,2 % và tại Nghệ An năm 2023 chiếm tỷ lệ 7.88 %.

Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là theo quy định, Sở Tư pháp là cơ quan duy nhất tại địa phương có thẩm quyền cấp Phiếu LLTP. Bên cạnh đó, Sở Tư pháp còn phải thực hiện nhiệm vụ xây dựng, quản lý Cơ sở dữ liệu LLTP. Đây là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của công tác LLTP. Trong bối cảnh nguồn lực còn hạn chế, trang thiết bị, cơ sở vật chất chưa đáp ứng được yêu cầu công việc nên tại Sở Tư pháp đã xảy ra tình trạng quá tải. Đặc biệt, tại một số địa phương có thời điểm người yêu cầu cấp Phiếu tăng đột biến, Sở Tư pháp không bố trí đủ nhân lực phục vụ tiếp công dân, tra cứu, xác minh thông tin nên xảy ra tình trạng ùn ứ tại khâu tiếp nhận hồ sơ và chậm thời hạn cấp Phiếu LLTP .

Bảo đảm nhân lực, trang thiết bị, kinh phí

Nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập trong công tác cấp Phiếu LLTP thời gian qua, đòi hỏi phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp khác nhau như: tập trung nguồn lực, tăng cường phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền, ứng dụng công nghệ số,… trong đó việc thí điểm giao một số Phòng Tư pháp cấp huyện thực hiện cấp Phiếu LLTP là một giải pháp cần thiết; nhằm giảm tối đa tình trạng trễ hạn cấp Phiếu LLTP.

Báo cáo đánh giá thực trạng Bộ Tư pháp cho biết, TP. Hà Nội hiện có 30 Phòng tư pháp trực thuộc 30 đơn vị cấp huyện; tổng số công chức là 160 người. Số lượng biên chế làm việc tại các Phòng Tư pháp trên địa bàn Thành phố dao động từ 04 đến 06 công chức tùy thuộc vào địa bàn quận, huyện và tình hình đặc thù của địa phương. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cơ bản được bố trí đầy đủ máy tính, máy in, máy scan, … kết nối internet để thực hiện công tác chuyên môn, nghiệp vụ.

Về cơ bản các Phòng Tư pháp trên địa bàn thành phố Hà Nội có cơ sở trang thiết bị để ứng dụng công nghệ thông tin đáp ứng được yêu cầu công tác chuyên môn nghiệp vụ.

Tại TPHCM có 22 Phòng Tư pháp thuộc UBND cấp huyện (gồm 01 thành phố, 16 quận và 05 huyện). Tổng biên chế được giao cho Phòng Tư pháp từ 07 – 12 biên chế; riêng TP. Thủ Đức có 20 biên chế (trong đó có 06 lãnh đạo phòng và các chuyên viên). Công chức các Phòng Tư pháp đáp ứng trình độ tin học ứng dụng cơ bản, xử lý công việc trên môi trường điện tử tương đối thành thạo. Các phần mềm sử dụng tại các Phòng Tư pháp tốc độ đường truyền chậm nên việc tiếp nhận, xử lý hồ sơ khó đảm bảo tiến độ.

Tại tỉnh Nghệ An có 21 Phòng tư pháp trực thuộc 21 đơn vị cấp huyện; tổng số công chức là 71 công chức. Hầu hết các cán bộ và công chức Phòng Tư pháp đều có trình độ công nghệ thông tin đáp ứng yêu cầu công việc. Sử dụng thành thạo các phần mềm chuyên ngành như: phần mềm quản lý hộ tịch, phần mềm thống kê… Tất cả các thủ tục hành chính đều được giải quyết trên Hệ thống thông tin giải quyết thủ tục hành chính của tỉnh và trên các hệ thống, phần mềm chuyên môn của ngành.

Với thực trạng nêu trên, dự thảo phân định rõ trách nhiệm của các Bộ ngành liên quan trọng việc nâng cấp, chỉnh sửa Phần mềm Quản lý lý lịch tư pháp để bảo đảm kết nối, chia sẻ dữ liệu, trao đổi, cung cấp thông tin và cấp Phiếu LLTP tại Phòng Tư pháp;Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ về LLTP, sử dụng Phần mềm cho cán bộ tư pháp tại Phòng Tư pháp áp dụng thí điểm. Đặc biệt là bảo đảm nhân lực, trang thiết bị, kinh phí, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ công tác này.

Cơ bản hoàn thành kiểm thử toàn trình cấp Phiếu LLTP tại Thừa Thiên Huế

Bộ Tư pháp cũng cho biết, đến nay đã cơ bản hoàn thành kiểm thử toàn trình quy trình cấp Phiếu LLTP trên ứng dụng VNeID tại tỉnh Thừa Thiên Huế.

Theo đó, công tác triển khai, quản lý, vận hành các nền tảng, hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu và ứng dụng CNTT cũng được Cục Công nghệ thông tin (Bộ Tư pháp) chú trọng thực hiện. Đặc biệt, Cục CNTT đã phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ nghiên cứu nâng cấp, phát triển, mở rộng các hệ thống thông tin, phần mềm ứng dụng trong hoạt động của Bộ, ngành Tư pháp.

Hiện nay, Cục CNTT đã phối hợp với Cục Hộ tịch, quốc tịch, chứng thực (Bộ Tư pháp) trong việc triển khai các thủ tục như đăng ký kết hôn, xác nhận tình trạng hôn nhân trực tuyến được thực hiện tại UBND cấp huyện và UBND cấp xã tại TPHCM, qua trục LGSP của Bộ và Trục NDXP của Bộ Thông tin và truyền thông; hướng dẫn, đôn đốc Cục Đăng ký quốc gia giao dịch bảo đảm (Bộ Tư pháp) kết nối Hệ thống đăng ký trực tuyến giao dịch bảo đảm với Hệ thống giám sát, đo lường mức độ cung cấp và sử dụng dịch vụ Chính phủ số (EMC).

Bên cạnh đó, Cục CNTT, Trung tâm lý lịch tư pháp quốc gia (Bộ Tư pháp), tỉnh Thừa Thiên Huế (Sở Tư pháp, Sở Thông tin và Truyền thông), Cục Cảnh sát quản hành chính về trật tự xã hội đã hoàn thành kiểm thử toàn trình quy trình Cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID. Trung tâm Lý lịch tư pháp quốc gia, Cục CNTT đã tổ chức tập huấn cho Sở Tư pháp tỉnh Thừa Thiên Huế quy trình Cấp phiếu lý lịch tư pháp trên ứng dụng VNeID.

Đến nay, các đơn vị chuyên môn của Bộ Công an đã hoàn thành việc rà quét đối với các hệ thống của Bộ Tư pháp và được cấp tài khoản kết nối với các hệ thống của Bộ Công an. Khi có kết quả rà quét đối với Hệ thống của tỉnh Thừa Thiên Huế, quy trình Cấp phiếu sẽ được triển khai chính thức (dự kiến hoàn thành kiểm thử quy trình, kiểm tra an toàn thông tin, triển khai chính thức trong tháng 4/2024).

Các công tác xây dựng văn bản, đề án; triển khai dự án đầu tư hạ tầng Trung tâm Dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp; thông tin điện tử; duy trì, vận hành hạ tầng số và bảo đảm an ninh, an toàn thông tin mạng, phối hợp đơn vị liên quan đánh giá hạ tầng Trung tâm dữ liệu điện tử Bộ Tư pháp;… đều đảm bảo chất lượng và tiến độ theo kế hoạch.

 Nguồn: Lê Sơn – Báo điện tử chính phủ

https://baochinhphu.vn/chuan-bi-nguon-luc-thuc-hien-thi-diem-giao-phong-tu-phap-cap-phieu-ly-lich-tu-phap-102240407084537031.htm