Chủ tịch MBBank: Tình hình Novaland đang tốt lên, khả năng phục hồi dự án tương đối khả quan

Tại Hội nghị nhà đầu tư tổ chức theo hình thức trực tuyến chiều 6/3, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Quân đội (MBBank) Lưu Trung Thái đã thông tin về tình hình khoản vay của các tập đoàn bất động sản như Novaland, Sun Group… tại ngân hàng này.

Chủ tịch MBBank: Tình hình Novaland đang tốt lên, khả năng phục hồi dự án tương đối khả quan- Ảnh 1.

Chủ tịch HĐQT MB Lưu Trung Thái thông tin về tình hình khoản vay của các tập đoàn bất động sản.

Tình hình Novaland đang tốt lên, khả năng phục hồi từ các dự án tương đối khả quan

Với Tập đoàn Novaland , ông Lưu Trung Thái cho biết tình hình đang tốt lên. Đặc biệt, doanh nghiệp này đã và đang tích cực giải quyết các thủ tục quan trọng tại hai dự án quy mô lớn là Aqua City và NovaWorld Phan Thiết.

Trong đó, quan trọng nhất là giải quyết về pháp lý, tiến trình đang đi đúng với chủ trương hỗ trợ của Chính phủ.

“Dư nợ của Novaland và các công ty con thuộc phân loại nhóm 1 vì vẫn đang trong tiến trình bình thường. Năm ngoái, MB đã thu được gần 50% dư nợ của Novaland, khả năng phục hồi từ các dự án của doanh nghiệp tương đối khả quan”, ông Thái chia sẻ.

Đối với dư nợ của SunGroup và các công ty liên quan cũng ở nhóm 1. MB tập trung vào các dự án là thế mạnh của họ bao gồm các dự án du lịch, có dòng tiền.

Thời điểm khó khăn của doanh nghiệp bất động sản đã đi qua

Ông Lưu Trung Thái cũng đánh giá, thời điểm khó khăn nhất của các công ty bất động sản là quý 3 năm 2023, nhưng đến thời điểm này ngân hàng tin tưởng rằng khó khăn đã đi qua.

Chia sẻ thêm về cơ cấu dư nợ của MB, theo bà Phạm Thị Trung Hà, Phó Tổng Giám đốc MB, tổng nợ xấu chỉ chiếm hơn 1% tổng dư nợ. Các khoản nợ được cơ cấu lại MB cũng thực hiện rất tốt và kiểm soát chặt chẽ theo quy định tại các Thông tư của NHNN.

Năm 2023 nợ xấu toàn ngành có gia tăng, trong đó có MB. Câu chuyện này nằm ở nhiều nhóm khách hàng, trong đó có khách hàng cá nhân và SME và dàn trải ở nhiều mảng chứ không tập trung ở nhóm nào quá nhiều.

“Chúng tôi bị liên đới nợ xấu trên CIC. Nợ xấu do MB kiểm soát vẫn rất tốt, MB tự phân loại chỉ ở mức rất thấp nhưng bị liên đới bởi nợ xấu ở ngân hàng khác nên nợ xấu tăng lên”, bà Hà nói.

Về bao phủ nợ xấu, quan điểm của MB khá thận trọng và cũng tuân thủ theo quy định, năm 2024 tỉ lệ bao phủ nợ xấu sẽ ít nhất là bằng năm 2023 và ở mức trên 100%.

Ông Lưu Trung Thái bổ sung thêm, việc bao phủ nợ xấu giảm là khó tránh khỏi. Năm 2023 nợ xấu toàn ngành ngân hàng cao gấp rưỡi và phải dùng dự phòng. Bản chất trích lập dự phòng cao sẽ ăn mòn lợi nhuận ngân hàng, năm 2024 MB sẽ duy trì tỉ lệ bao phủ nợ xấu ở mức trên 100% như từng áp dụng trong các năm vừa qua.

Phân loại các nhóm nợ thế nào?

Theo quy định của Ngân hàng Nhà nước, những khoản cho vay khách hàng sẽ được phân chia thành 5 nhóm dựa trên mức độ rủi ro:

Nhóm 1: Nợ đủ tiêu chuẩn (Khoản nợ trong hạn và được đánh giá là có khả năng thu hồi đầy đủ cả nợ gốc và lãi đúng hạn)

Nhóm 2: Nợ cần chú ý (Khoản nợ quá hạn đến 90 ngày, khoản nợ được điều chỉnh kỳ hạn trả nợ lần đầu còn trong hạn)

Nhóm 3: Nợ dưới tiêu chuẩn

Nhóm 4: Nợ nghi ngờ

Nhóm 5: Nợ có khả năng bị mất vốn

Nợ xấu gồm các khoản nợ quá hạn trả lãi và gốc trên 3 tháng trở lên tính từ ngày bắt đầu đến hạn trả (nợ thuộc nhóm 3, 4 và 5). Các ngân hàng sẽ căn cứ vào khả năng trả nợ của người vay để hạch toán khoản vay vào nhóm nợ sao cho phù hợp.

Nguồn: BT – Báo điện tử chính phủ

https://baochinhphu.vn/tang-toc-thi-cong-no-luc-thong-toan-tuyen-cao-toc-bac-nam-dung-ke-hoach-102240306174343241.htm