Chủ động ngăn chặn ma túy ‘núp bóng’, đầu độc giới trẻ

Thời gian gần đây, tình trạng ma túy “núp bóng” dưới dạng thực phẩm, đồ ăn, nước uống, thuốc lá điện tử… có chiều hướng diễn biến phức tạp. Thị phần các đối tượng nhắm tới là giới trẻ. Trước tình hình trên, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy (Bộ Công an) và công an các địa phương đang đẩy manh tuyên truyền; tăng cường triệt phá các đường dây mua bán, sản xuất các loại ma túy núp bóng.

Chủ động ngăn chặn ma túy 'núp bóng', đầu độc giới trẻ- Ảnh 1.

Các đối tượng bơm tinh dầu có ma túy vào đầu điếu thuốc lá điện tử, thuốc lá sợi sau đó lắp ráp, chạy máy để thành thuốc lá điện tử, điếu thuốc lá sợi có chứa chất ma túy – Ảnh: C04 cung cấp

Sản xuất với số lượng lớn, tinh vi

Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy cho biết, ma túy núp bóng thuốc lá điện tử, bánh kẹo, nước uống… đã xuất hiện ở Việt Nam từ nhiều năm trước. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, dạng ma túy này nổi lên phức tạp hơn và có giai đoạn bán công khai trên mạng xã hội.

Thực tế, công an các địa phương và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy đã bắt giữ được rất nhiều vụ ma túy núp bóng này. Trong đó phải kể đến chuyên án phá xưởng pha chế, đóng gói “nước vui” quy mô lớn tại TPHCM vào tháng 6/2023. Cảnh sát đã bắt giữ 17 đối tượng, trong đó, đối tượng Nguyễn Thị Hoài (31 tuổi, trú TP HCM) cầm đầu.

Hoài từng làm DJ ở nước ngoài, quãng thời gian này Hoài học được công thức pha chế ma túy “nước vui”. Nhận thấy đây là mặt hàng siêu lợi nhuận, Hoài về nước, tuyển mộ thêm người, bắt tay vào sản xuất hàng cấm.

Thủ đoạn của các đối tượng là mua bán ma túy qua mạng xã hội, chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng, thuê các công ty vận chuyển đưa ma túy, các loại phụ gia, bao bì đóng gói về Việt Nam tập kết tại kho ở TPHCM. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường xuyên thay đổi nơi cất giấu, pha chế, đóng gói ma túy.

Ban chuyên án đã  thu 217 kg ma túy tổng hợp các loại, 208 kg vỏ bao bì, cùng nhiều dụng cụ, phương tiện dùng vào pha trộn, đóng gói, vận chuyển ma túy, ước tính số bao bì các đối tượng có thể đóng được khoảng 1 tấn ma túy “nước vui”.

Tiếp đó, tại Hà Nội, tháng 9/2023, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy triệt phá đường dây có quy mô lớn, tính chất phức tạp, chuyên ngụy trang ma túy trong thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu. Trong chuyên án này, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy khởi tố, bắt tạm giam Lê Anh Thơ (28 tuổi, ở quận Hoàng Mai, Hà Nội) và 5 người khác để điều tra về tội mua bán trái phép chất ma túy. Trong đó, xác định Thơ là đối tượng cầm đầu.

Thơ lên mạng học công thức rồi mua hóa chất, tinh dầu, cần sa tổng hợp và các thiết bị của thuốc lá điện tử từ nước ngoài về Hà Nội để thuê người pha chế, bơm tinh dầu chứa ma túy vào điếu thuốc lá điện tử, thuốc lá điếu rồi tự thiết kế nhãn mác, bao bì. Thơ mang “sản phẩm” của mình đăng bài quảng cáo, livestream trên mạng xã hội nói chỉ chứa chất kích thích chứ không phải ma túy để lôi kéo, đánh lừa người dùng.

Tại hiện trường, cảnh sát thu giữ hơn 3.500 điếu thuốc lá thành phẩm đã được bơm tinh dầu có chứa chất ma túy. 5 can nhựa chứa 84 lít dung dịch ma túy. Một máy bơm tinh dầu có pha trộn ma túy tổng hợp. Gần 300 thùng cacton chứa thiết bị lắp ráp thành hơn 10.000 điếu thuốc lá điện tử, 01 triệu vỏ điếu thuốc lá sợi cùng nhiều dung môi, hóa chất, nguyên vật liệu, linh kiện, phụ kiện, vỏ hộp, nhãn mác dùng vào việc sản xuất, đóng gói thuốc lá điện tử.

Ngoài ra, thu giữ gần 15.000 điếu thuốc lá điện tử chứa tinh dầu vị được Lê Anh Thơ nhập lậu từ nước ngoài về Việt Nam chờ bán ra thị trường.

Theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, trước đây Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy và công an các tỉnh như Quảng Ninh, Tuyên Quang bắt giữ được nhiều vụ việc nhưng chủ yếu là các đối tượng mua bán, vận chuyển. Tuy nhiên, hiện nay, các đối tượng còn có xu hướng tự tìm công thức trên mạng rồi mua các nguyên liệu ở nước ngoài về gia công, sản xuất với số lượng lớn. Thủ đoạn hoạt động của chúng ngày càng tinh vi.

Chủ động ngăn chặn ma túy 'núp bóng', đầu độc giới trẻ- Ảnh 2.

Những gói “nước vui” do đối tượng Nguyễn Thị Hoài cùng các đồng phạm pha chế bị lực lượng chức năng bắt giữ – Ảnh: C04 cung cấp

Kiên quyết đấu tranh, ngăn chặn

Theo giải thích của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, các loại ma túy núp bóng hấp dẫn giới trẻ là do mẫu mã rất bắt mắt và mùi vị quyến rũ. Đặc biệt, chúng đánh vào tâm lý của giới trẻ là thích khám phá, tìm tòi và muốn thể hiện mình.

Qua giám định của Viện Khoa học hình sự, phát hiện các loại ma túy núp bóng, chủ yếu là tinh dầu cần sa, ketamine, methamphetamine… Người sử dụng các loại ma túy trên sẽ bị kích thích thần kinh gây ảo giác, ảnh hưởng đến hệ thống tim mạch thậm chí là tử vong do bị ngộ độc.

Đối với chuyên án Lê Anh Thơ tại Hà Nội, các đối tượng tinh vi hơn khi sản xuất ma túy với xưởng sản xuất quy mô rất lớn. Nguồn ma túy nhập khẩu chủ yếu ở nước ngoài, rồi đưa vào Việt Nam, bơm tinh dầu chứa ma túy vào các điếu thuốc lá sợi, thuốc lá điện tử.

“Quá trình điều tra, cơ quan Công án phát hiện thủ đoạn mới của các đối tượng là sử dụng tiền ảo để mua bán nguyên liệu phục vụ sản xuất ma túy”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang cho hay.

Trong chuyên án mà đối tượng Nguyễn Thị Hoài (TPHCM) cầm đầu, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang cho biết, bản chất vụ án là các đối tượng sản xuất “nước vui” – đây là loại ma túy mà dân chơi thường dùng sau mỗi cuộc liên hoan, sinh nhật khi đã có rượu, bia theo “công thức” gói 6 hoặc gói 10 (tương ứng với 6 hoặc 10 người).

“Hiện nay, vẫn còn nhiều người nghĩ rằng sử dụng các loại chất này không gây nghiện. Tuy nhiên, không có loại ma túy nào là không gây nghiện”, Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang nhấn mạnh.

Về biện pháp ngăn chặn, theo Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Quang, ngoài công tác đấu tranh, triệt phá, đơn vị đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tuyên truyền tới các nhà trường, cùng như trên các phương tiện thông tin đại chúng về tác hại của loại ma túy này.

Vì vậy, các gia đình cần phối hợp với nhà trường thường xuyên quan tâm, quản lý thanh thiếu niên, giáo dục các em tránh xa ma túy cũng như cảnh giác với các loại thực phẩm, đồ uống dễ bị tội phạm lợi dụng pha trộn ma túy; nhất là thuốc lá điện tử, một trong những loại hàng hóa dễ bị pha trộn ma túy tổng hợp nhất trong thời điểm hiện nay.

Thời gian tới, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy tiếp tục phối hợp các đơn vị chức năng chủ động nắm chắc, dự báo đúng tình hình, đề ra giải pháp phòng, chống hiệu quả theo phương châm “giải quyết hiệu quả nguồn cầu và tấn công mạnh mẽ nguồn cung của ma túy”. Các địa phương tăng cường kiểm tra, đôn đốc, giám sát công tác phòng, chống ma túy ở cơ sở…

Nguồn: Hoàng Giang – tiengchuong.vn