Cầu Mỹ Thuận 2 là công trình được xây dựng hoàn toàn bằng bàn tay, khối óc của những kỹ sư, công nhân Việt Nam. Đây là lần đầu Việt Nam thực sự làm chủ công nghệ xây dựng một cây cầu lớn, phức tạp và có được những nguồn lực tốt nhất, những nhà thầu xây dựng có nhiều kinh nghiệm nhất thi công các công trình lớn khắp cả nước…
Năm 1997, cây cầu Mỹ Thuận đầu tiên được chính thức khởi công xây dựng, là cây cầu dây văng bắc qua sông Mekong đầu tiên ở Việt Nam, cầu được Chính phủ Australia hỗ trợ về tài chính và kỹ thuật.
26 năm sau, cầu Mỹ Thuận 2 đang được xây dựng với 100% sức lực của người Việt. Toàn bộ các yếu tố từ thiết kế, kỹ thuật cao, công nghệ phức tạp… do các cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam tự đầu tư, quản lý, giám sát và thi công.
Cầu Mỹ Thuận 2 là công trình trọng điểm khu vực Tây Nam Bộ giúp giải tỏa và kết nối giao thông vùng, rút ngắn thời gian di chuyển từ TPHCM đến vùng lõi kinh tế của đồng bằng sông Cửu Long, nằm trong mục tiêu tạo bứt phá kinh tế – xã hội, quốc phòng – an ninh cho khu vực đồng bằng sông Cửu Long theo tinh thần Nghị quyết 13-NQ/TW được Bộ Chính trị ban hành năm 2022.
Ngay sau khi có quyết định phê duyệt đầu tư xây dựng dự án, đơn vị liên danh nhà thầu Trung Nam E&C – Trung Chính – VNCN E&C trong đó Trung Nam E&C là nhà thầu đứng đầu đã bắt đầu các công tác triển khai thi công dự án trên địa bàn huyện Cái Bè (tỉnh Tiền Giang) và TP. Vĩnh Long (tỉnh Vĩnh Long).
Điểm đầu của dự án là Km101+126 khớp nối với dự án đường cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận còn điểm cuối tại Km107+740 khớp với dự án đầu tư xây dựng đường cao tốc Mỹ Thuận – Cần Thơ. Tổng chiều dài dự án 6,61km.
Trong đó, cầu chính dài 1,906 km với kết cấu dây văng nhịp giữa dài 350m, dầm chủ bằng bê tông cốt thép; đường dẫn và cầu trên tuyến dài 4,704 km, quy mô đường cao tốc, vận tốc thiết kế100km/h.
Dự án cầu Mỹ Thuận 2 thuộc tuyến cao tốc Bắc – Nam phía Đông giai đoạn 2017-2020, nằm trên trục đường cao tốc từ TPHCM đi thành phố Cần Thơ, kết nối hai cao tốc Trung Lương – Mỹ Thuận và Mỹ Thuận – Cần Thơ. Sau khi hoàn thành, cây cầu này sẽ nối hai tỉnh Vĩnh Long và Tiền Giang, trở thành trục đường huyết mạch, có lưu lượng giao thông lớn nhất trong các trục quốc lộ chính tại khu vực miền Tây. Đây còn là công trình mang tính trọng điểm quốc gia, cấp đặc biệt đối với công trình cầu Mỹ Thuận 2 và cấp 1 đối với phần đường dẫn, tổng vốn đầu tư dự án hơn 5.000 tỷ đồng.
Cầu Mỹ Thuận 2 là công trình có quy mô lớn, chiều cao trụ tháp tính từ đỉnh bệ đến đỉnh trụ là 119.5m, kết cấu dầm thi công ở vị trí cao hơn mặt sông khoảng 38m với khẩu độ nhịp chính 350m, là một trong các cầu dây văng lớn nhất hiện nay ở Việt Nam.
Công trình có yêu cầu kỹ thuật cao, công nghệ phức tạp do các cán bộ, kỹ sư và công nhân Việt Nam tự quản lý, thiết kế, giám sát và thi công, là công trình được xây dựng hoàn toàn bằng nguồn lực nước nhà. Đây cũng là lần đầu Việt Nam thực sự làm chủ công nghệ và có được những nguồn lực tốt nhất, những nhà thầu xây dựng có nhiều kinh nghiệm thi công các công trình lớn khắp cả nước như: cầu Trần Thị Lý ở Đà Nẵng, cầu Bạch Đằng ở Quảng Ninh – Hải Phòng tham gia thi công đảm bảo chất lượng và tiến độ, đặc biệt là khi thi công những hạng mục trên cao như trụ tháp, dầm dây văng,..
Với các tiêu chuẩn kỹ thuật nghiêm ngặt, để đảm bảo cho chất lượng và thời gian thi công, toàn bộ công nhân, kỹ sư của công trình xây dựng cầu Mỹ Thuận 2 đã thi công liên tục 3 ca/ngày, kể cả ngày Lễ, Tết.
Một điều đặc biệt nữa là trong quá trình xây dựng công trình cầu Mỹ Thuận 2 gặp ảnh hưởng của dịch COVID-19 khiến việc huy động vật tư nhập ngoại càng khó khăn hơn. Để xử lý việc này và đảm bảo công trường làm việc liên tục, các đơn vị thực hiện dự án đã phối hợp chặt chẽ với địa phương tạo điều kiện cấp giấy đi đường liên tỉnh. Đồng thời, Ban quản lý dự án cũng đã chỉ đạo các nhà thầu áp dụng “3 tại chỗ” và mô hình bong bóng khép kín, cũng như chủ động tích trữ nguồn vật tư, vượt qua đại dịch COVID-19 để dự án đảm bảo đúng chất lượng công trình và tiến độ thi công.
Đến nay, trải qua 26 tháng thi công với nhiều thách thức về tiêu chí kỹ thuật và an toàn, cũng như việc thích ứng với các yêu cầu và biến động trong quá trình thi công, Cầu Mỹ Thuận 2 đã gần đi đến ngày hoàn thành, dự kiến sẽ được đi vào sử dụng vào ngày 31/12/2023 tới đây.
Ông Lưu Xuân Tuyến, Phó Ban điều hành Liên danh Liên Danh Nhà thầu Trung Nam E&C – Trung Chính – VNCN E&C cho hay: Các vấn đề khó khăn đã qua, bây giờ là thời điểm các nhà thầu, kỹ sư tập trung toàn bộ nhân lực, vật lực, huy động thiết bị hoàn thành nốt những công đoạn còn lại của cầu Mỹ Thuận 2.
“Chúng tôi vô cùng tự hào khi góp phần thực hiện công trình cầu Mỹ Thuận 2 – công trình do bàn tay khối óc con người Việt tạo nên. Cầu Mỹ Thuận 2 là thành quả đáng tự hào cho tinh thần nội lực và tâm huyết của con người Việt trên quê hương mình, như một mình chứng cho sự kiên cường, bền chí, không ngừng học hỏi và nỗ lực làm nên những điều phi thường của tất cả chúng ta”, ông Lưu Xuân Tuyến nói.
Trước đó vào tháng 10/2023, Thủ tướng Phạm Minh Chính tham dự lễ hợp long cầu Mỹ Thuận 2 cũng đã phát biểu: “Chính khát vọng dân tộc mà chúng ta thực hiện được giải phóng mặt bằng đến tổ chức thi công thiết kế, đôn đốc khắc phục khó khăn do đại dịch, khắc phục khó khăn cho nguyên vật liệu về giá cả… Trung Nam đã từng thi công cầu Bạch Đằng nên đã có kinh nghiệm, làm cho cây cầu này thanh thoát hơn và biểu dương Trung Nam phát huy được tinh thần tự lực tự cường, chúng ta đã có một công trình rất ý nghĩa”.
Công trình cầu Mỹ Thuận 2 do đơn vị Liên danh Nhà thầu Trung Nam E&C – Trung Chính – VNCN E&C trong đó Trung Nam E&C là nhà thầu đứng đầu liên danh thực hiện. Trước khi thực hiện dự án này, đơn vị đã có kinh nghiệm từ những dự án hạ tầng lớn như: Công trình nút giao thông ngã ba Huế tại TP. Đà Nẵng đạt Giải thưởng Công trình chất lượng cao do Bộ Xây dựng trao tặng; cầu Bạch Đằng (Hải Phòng – Quảng Ninh) và Công trình cống cái lớn tại tỉnh Kiên Giang…
Nguồn: Mai Ngọc – Báo điện tử Chính phủ