Tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Đồng Nai xảy ra vào đêm Trung thu vừa qua, làm chết nhiều người. Một lần nữa dư luận lại đặt câu hỏi ai chịu trách nhiệm đối với những cái chết thương tâm này? Ai chống lưng cho nhà xe Thành Bưởi đã để xảy ra nhiều vi phạm thời gian qua? Cần tổ chức thanh tra toàn diện và xử lý thật nghiêm nhà xe này nếu có vi phạm, cần xử lý nghiêm cả những đơn vị, cá nhân bao che cho các vi phạm của nhà xe này.
Khoảng 2h30 sáng 30/9, xe khách giường nằm biển số 50F-004.83 của nhà xe Thành Bưởi chạy trên Quốc lộ 20, hướng từ Đồng Nai đi Lâm Đồng, đến Km 48, đoạn thuộc Ấp 3, xã Phú Vinh, huyện Định Quán, tỉnh Đồng Nai, đã xảy ra va chạm với xe khách 16 chỗ biển số 86B-015.75 chạy chiều ngược lại.
Sau cú tông mạnh, xe khách giường nằm đẩy xe 16 chỗ vào lề đường bên trái. Hai xe biến dạng, hư hỏng nặng.
Vụ tai nạn khiến 4 người chết tại chỗ, 5 người khác bị thương được đưa vào bệnh viện cấp cứu, trong đó có một số người bị thương nặng có tiên lượng xấu. Theo một số thông tin ban đầu thì vụ việc do lỗi của lái xe.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, đầu giờ sáng ngày 30/9, Thủ tướng Chính phủ đã có Công điện, gửi lời thăm hỏi, chia buồn sâu sắc tới thân nhân, gia đình các nạn nhân tử vong, động viên, thăm hỏi các nạn nhân bị thương và chỉ đạo các biện pháp khắc phục hậu quả vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng này.
Gần đây, hàng loạt vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng xảy ra, chủ yếu ở xe khách đường dài, gây tâm lý hoang mang lo sợ cho người tham gia giao thông. Điều này lại thêm một lần nữa báo động đến các doanh nghiệp vận tải và cơ quan quản lý Nhà nước cần có những giải pháp siết chặt hơn nữa trong việc quản lý tuyến vận tải hành khách, nhất là với các doanh nghiệp vận tải hành khách có nhiều sai phạm. Bởi nếu không quản lý chặt chẽ loại hình vận tải này thì không thể tránh được những vụ tai nạn giao thông thảm khốc có nguy cơ xảy ra bất kỳ lúc nào và hiểm họa tai nạn giao thông vẫn là vấn đề nhức nhối của xã hội.
Từ vụ tai nạn giao thông thảm khốc vừa xảy ra của nhà xe Thành Bưởi, nhiều câu hỏi được đặt ra. Trong đó, dư luận đặt nghi vấn: Thành Bưởi là ai? Không khó để biết câu trả lời khi báo chí đã thông tin nhiều về các vi phạm của nhà xe này. Mới đây, tại 97 Mai Chí Thọ, phường An Phú, TP. Thủ Đức, Thành phố Hồ Chí Minh (TPHCM) các loại xe khách, xe giường nằm của hãng xe Thành Bưởi liên tục ra vào đón trả khách đã ảnh hưởng lớn đến giao thông cũng như đời sống của người dân tại khu vực này. Bến cóc này đã hoạt động công khai, thách thức dư luận.
Trước đó, tại hẻm 602 Điện Biên Phủ, phường 22, quận Bình Thạnh, TPHCM cũng hình thành một “bến cóc” đón khách của xe khách Thành Bưởi khiến bà con địa phương bức xúc.
Trong khi đó, việc xử lý “bến lậu” Thành Bưởi kiểu “con voi chui lọt lỗ kim” khiến nhân dân mất niềm tin. Cứ sau 1 lần kiểm tra, xử phạt thì dường như đâu lại vào đấy, sai phạm lại lớn hơn, chặn đầu này lại lách đầu kia, cấm chỗ này thì đối phó chỗ khác. Vi phạm của nhà xe này rất nhiều, từ lập “bến cóc” và tổ chức “xe dù” ở nhiều nơi, nhiều tuyến, trong thời gian dài tại TPHCM và một số địa phương khác. Vậy có hay không lực lượng bảo kê, chống lưng cho sai phạm của nhà xe Thành Bưởi?
Nhiều ý kiến bức xúc của người dân cho rằng, sai phạm của Thành Bưởi có trách nhiệm của Sở Giao thông vận tải TPHCM, Thanh tra GTVT, của chính quyền địa phương…
Không có văn minh pháp luật sẽ không có văn minh giao thông. Văn minh pháp luật chính là thẳng tay xử lý tất cả các trường hợp vi phạm. Làm gắt gao mới chấn chỉnh được việc chấp hành quy định của pháp luật giao thông.
Trong Công điện vừa ban hành sáng 30/9 liên quan vụ tai nạn tại tỉnh Đồng Nai, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an tỉnh Đồng Nai và Công an các đơn vị có liên quan khẩn trương điều tra, làm rõ nguyên nhân vụ tai nạn và xử lý nghiêm theo đúng quy định của pháp luật đối với tổ chức, cá nhân vi phạm quy định, gây ra vụ tai nạn giao thông đặc biệt nghiêm trọng nêu trên.
Thiết nghĩ, Bộ Giao thông vận tải, Bộ Công an cần thanh tra toàn diện hoạt động của nhà xe Thành Bưởi – một doanh nghiệp vận tải có “truyền thống” tổ chức xe dù, bến cóc ở nhiều địa phương, nhất là tại TPHCM.
Sau hàng loạt vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng liên quan xe chở khách trên các tuyến cao tốc, các tuyến quốc lộ thời gian gần đây, nhiều chuyên gia góp ý, cần cấm xe khách, xe giường nằm lưu thông trên cao tốc, quốc lộ từ 1h-4h sáng bởi đây là thời gian thường xảy ra tai nạn gây hậu quả nghiêm trọng.
Gần 30 năm qua, Trung Quốc đã cấm xe chở khách chạy trên quốc lộ, cao tốc từ 2h-5h sáng. Từ năm 2002, Trung Quốc cấm xe khách giường nằm.
Các nhà xe cần nâng cao năng lực quản trị, đầu tư nhân lực và ứng dụng công nghệ thông tin. Hiện, ở Việt Nam đã có nhà xe mạnh dạn đầu tư công nghệ thông tin để kiểm soát tốc độ đối với các lái xe. Nếu để xảy ra vi phạm về tốc độ, hướng, tuyến, thì lái xe sẽ bị đuổi việc. Ứng dụng công nghệ thông tin để lái xe có dấu hiệu ngủ gật hoặc thiếu tập trung thì còi báo động sẽ kêu vang khắp xe, như vậy sẽ hạn chế tai nạn có thể xảy ra.
“Nhanh một phút, chậm một đời”, tai nạn giao thông chỉ xảy ra trong chớp mắt, nhưng nỗi đau sau đó là không thể bù đắp. Siết chặt kỷ cương, tăng cường kiểm tra, giám sát, bịt mọi “lỗ hổng” có thể xảy ra là điều cần thiết để giảm bớt tai nạn giao thông, để không còn nữa các nỗi đau do tai nạn giao thông để lại.
Thêm một lời kêu gọi, thêm một góp ý về bảo đảm an toàn giao thông sẽ không bao giờ là thừa.
Nguồn: Đức Tuân – Báo điện tử Chính phủ