Bộ Tài chính rà soát, thu thêm khoảng 3000 tỷ đồng thuế kinh doanh trực tuyến

Kết quả thanh tra xử lý vi phạm của 3 năm 2021, 2022, 2023, cơ quan thuế đưa vào rà soát 31.570 đối tượng cả hộ kinh doanh và cá nhân, đã xử lý vi phạm 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm gần 3000 tỷ đồng trong lĩnh vực thương mại điện tử.

Bộ Tài chính rà soát, thu thêm khoảng 3000 tỷ đồng thuế kinh doanh trực tuyến- Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi trao đổi tại Họp báo Chính phủ – Ảnh: VGP/Quang Thương

Đây là thông tin của Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi chia sẻ tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5 tổ chức chiều ngày 1/6 tại Hà Nội.

Khi trao đổi về vấn đề thu thuế thu nhập từ hoạt động live stream, Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi khẳng định: Các hoạt động như live stream bán hàng trên mạng, phát sinh doanh thu thì phải chịu sự điều chỉnh các quy định của các luật thuế, sắc thuế cũng như sự quản lý giám sát của cơ quan thuế.

Với hoạt động thương mại điện tử nói chung hay live stream bán hàng nói riêng thực hiện quản lý theo 2 sắc thuế.

Nếu cá nhân có phát sinh doanh thu, thu nhập sẽ phải chịu thuế với thu nhập bản thân, được điều chỉnh bởi luật Thuế thu nhập cá nhân, cơ quan thuế thực hiện quản lý thu theo sắc thuế này.

Còn với trường hợp hộ kinh doanh, bán hàng online phát sinh doanh thu hay hoa hồng bán hàng, thực hiện quản lý thu thuế theo quy định quản lý hộ kinh doanh. Nếu khoán thì thu theo mức khoán thuế, còn hộ kê khai thực hiện theo hoạt động kê khai thuế.

Cùng với sự phát triển của CNTT, hoạt động thương mại điện tử phát triển khá mạnh, nên cơ quan thuế rất chú ý truyền thông để các đối tượng tham gia hoạt động hiểu rõ các quy định, từ đó, tự giác tiến hành các hoạt động kê khai và nộp thuế. Bên cạnh đó cơ quan thuế giám sát kiểm tra với các hoạt động các cá nhân, hộ kinh doanh…

Bộ Tài chính rà soát, thu thêm khoảng 3000 tỷ đồng thuế kinh doanh trực tuyến- Ảnh 2.

Toàn cảnh buổi họp báo – Ảnh: VGP/Quang Thương

Theo thống kê về hoạt động quản lý thuế từ hoạt động kinh doanh thương mại điện tử, năm 2022, doanh thu phát sinh quản lý thuế là 3,1 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp trên hơn 83 ngàn tỷ đồng, còn năm 2023, doanh thu là 3,5 triệu tỷ đồng, số thuế đã nộp là khoảng 97 ngàn tỷ đồng.

“Đáng chú ý, kết quả thanh tra xử lý vi phạm của năm 2021, 2022, 2023, cơ quan thuế đã đưa vào rà soát 31.570 đối tượng cả hộ kinh doanh và cá nhân, đã xử lý vi phạm 22.159 trường hợp, số thuế thu tăng thêm gần 3000 tỷ đồng. Mong các cơ quan báo chí tăng cường phối hợp truyền thông các quy định quản lý thuế để các đối tượng chủ động thực hiện đúng quy định pháp luật về thuế để giảm thiểu trường hợp vi phạm phải xử lý”,Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi nói.

Về việc sử dụng chữ ký con dấu trên chứng từ, Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Đức Chi cho biết: Theo Điều 19 Luật Kế toán năm 2015 chữ ký trên chứng từ kế toán phải đăng ký bằng loại mực không phai, không dùng mực đỏ, hoặc đóng dấu khắc sẵn chữ ký. Chứng từ điện tử phải có chữ ký điện tử, chữ ký trên chứng từ điện tử có giá trị như chữ ký chứng từ bằng giấy.

Đối chiếu với quy định của Luật Kế toán năm 2015 thì Trường Đại học Kinh doanh và Công nghệ (HUBT) dùng chữ ký khô trên chứng từ là trái với quy định của pháp luật về kế toán.

Qua phản ánh này, Bộ Tài chính sẽ chỉ đạo cơ quan thuế và các cơ quan chức năng khác của Bộ Tài chính thực hiện giám sát kiểm tra đối với HUBT trong việc thực hiện pháp luật về tài chính, kế toán, khi có kết quả chúng tôi sẽ thông báo tới báo chí.

“Chúng tôi khẳng định, sẽ phải bảo đảm thực hiện nghiêm các quy định về tài chính kế toán với các cơ sở giáo dục cũng như các các cơ sở sản xuất kinh doanh của người dân. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp, nếu việc sai phạm này làm ảnh hưởng đến quyền lợi giáo viên, sinh viên và các đối tượng khác có liên quan tới HUBT”, đại diện Bộ Tài chính nói .

Nguồn: Anh Minh – Báo điện tử chính phủ

https://baochinhphu.vn/bo-tai-chinh-ra-soat-thu-them-khoang-3000-ty-dong-thue-kinh-doanh-truc-tuyen-102240601183159819.htm