Bộ Tài chính Việt Nam cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các đối tác, doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác đem lại hiệu quả cao nhất. Đồng thời, hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác, đầu tư để chúng ta “cùng thành công, chung thắng lợi”.
Đây là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc tại Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Hàn Quốc với chủ đề “Việt Nam – Điểm đến đầu tư” tổ chức tại Seoul, Hàn Quốc sáng 7/3/2024.
Hội nghị thu hút gần 300 doanh nghiệp đến từ Hàn Quốc và Việt Nam, bao gồm các định chế tài chính, ngân hàng, quỹ đầu tư, công ty chứng khoán và các doanh nghiệp của hai nước.
Đánh giá cao thành tựu về tăng trưởng kinh tế
Phát biểu chào mừng tại Hội nghị, ông Kim Yong Jae, Ủy viên thường trực của Ủy ban Giám sát Tài chính Hàn Quốc (FSC) cho biết, kể từ sau khi thiết lập mối quan hệ ngoại giao năm 1992, Việt Nam và Hàn Quốc đã trở thành những người bạn đồng hành không thể thiếu trên tất cả các lĩnh vực. Hiện nay đã có khoảng 9.000 doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động tại Việt Nam, Hàn Quốc cũng trở thành quốc gia đầu tư lớn nhất vào Việt Nam, 2 quốc gia cũng trở thành quốc gia top 3 trong hợp tác thương mại của nhau.
Trong lĩnh vực tài chính, Việt Nam cũng là quốc gia thứ 2 trên thế giới mà các công ty, tổ chức tài chính Hàn Quốc đang có mặt, với số lượng lên tới 46 công ty tổ chức bao gồm Ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán…
“Việt Nam đang đạt được những thành tựu tăng trưởng kinh tế đáng kinh ngạc trong một thời gian dài. Tăng trưởng bình quân năm của Việt Nam trong 20 năm trở lại đây đạt 6,29% và gần đây Việt Nam cũng ghi nhận tỷ lệ tăng trưởng kinh tế cao trong bối cảnh kinh tế thế giới bị trì trệ. Tôi cho rằng, sự tăng trưởng kinh tế này chính là thành quả của sự nỗ lực của chính phủ và người dân Việt Nam, kết hợp với sự đầu tư quyết đoán của các doanh nghiệp quốc tế” , ông Kim Yong Jae nói.
Việt Nam là điểm sáng đầu tư
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc đã hoan nghênh các đại biểu, doanh nghiệp, nhà đầu tư đã đến tham dự Hội nghị Xúc tiến Đầu tư tại Hàn Quốc.
“Sự tham gia đông đảo của các doanh nghiệp, nhà đầu tư là một trong những minh chứng rõ nét nhất về những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong việc tạo dựng một môi trường đầu tư – kinh doanh thuận lợi, hấp dẫn dành cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài, đặc biệt là các nhà đầu tư đến từ Hàn Quốc. Tôi tin tưởng Hội nghị này sẽ mở ra những cơ hội lớn hơn cho hợp tác và sự phát triển thịnh vượng giữa hai nước nói chung và các doanh nghiệp, nhà đầu tư hai nước nói riêng, đặc biệt trong lĩnh vực thị trường tài chính”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc phát biểu.
Bộ trưởng thông tin, trong chặng đường hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ hai nước Việt Nam – Hàn Quốc đã có bước tiến triển vượt bậc với những dấu mốc quan trọng, từ Đối tác toàn diện năm 2001 đến Đối tác Chiến lược năm 2009 và Đối tác Chiến lược toàn diện năm 2022.
Trong năm 2023, quan hệ kinh tế, thương mại, đầu tư giữa Việt Nam và Hàn Quốc tiếp tục phát triển tích cực.
Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 3 của Hàn Quốc với tổng kim ngạch thương mại 2 chiều đạt gần 80 tỷ USD trong năm 2023, trong đó Hàn Quốc xuất siêu sang Việt Nam 27,55 tỷ USD. Lũy kế tổng vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam cho tới nay đã đạt khoảng 90 tỷ USD, nhà đầu tư Hàn Quốc hiện đứng thứ nhất trong số các quốc gia đầu tư vào Việt Nam với 9.863 dự án và trên 8.000 doanh nghiệp Hàn Quốc đang hoạt động tại Việt Nam. Năm 2023, Việt Nam cũng đón hơn 3,5 triệu lượt khách Hàn Quốc sang du lịch và hiện có khoảng 180 nghìn người Hàn Quốc đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
“Chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào mục tiêu nâng kim ngạch thương mại 2 chiều lên mức 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng, bền vững”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc tin tưởng.
Để hiện thực hóa mục tiêu này, trong phạm vi lĩnh vực phụ trách của mình, hàng năm Bộ Tài chính Việt Nam đều phối hợp với Đại sứ quán Hàn Quốc tổ chức Hội nghị đối thoại chính sách về lĩnh vực tài chính để trao đổi, lắng nghe, tháo gỡ vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tại Việt Nam.
Thông tin tới Hội nghị, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thêm, trong những năm gần đây, mặc dù chịu tác động lớn từ suy thoái kinh tế toàn cầu song nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng tốt, đồng thời cũng là điểm sáng trong đầu tư, thu hút dòng vốn trực tiếp và gián tiếp trên toàn cầu. Năm 2023 các cân đối lớn của nền kinh tế tiếp tục được duy trì ổn định, với những con số ấn tượng: GDP của Việt Nam tăng 5,05%, dự kiến năm 2024 phấn đấu đạt khoảng 6-6,5%. GDP bình quân đầu người đạt 4.284,5 USD, tăng 160 USD so với năm 2022.
Tổng vốn FDI đăng ký đạt gần 36,6 tỷ USD, tăng 32,1%; vốn FDI thực hiện đạt 23,18 tỷ USD, tăng 3,5%, cao nhất trong 5 năm trở lại đây.
Tổng kim ngạch XNK ước đạt 683 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất siêu khoảng 28 tỷ USD, kỷ lục từ trước tới nay.
Thu NSNN đạt khoảng 71,5 tỷ USD, vượt 8,12% so với dự toán trong bối cảnh vẫn thực hiện các chính sách miễn giảm gia hạn thuế với quy mô khoảng 8 tỷ USD.
So với các nền kinh tế khác trên thế giới, lạm phát của Việt Nam được kiểm soát tốt, chỉ tăng 3,25%, thấp mục tiêu đề ra là 4,5%.
Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế Việt Nam. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”, châu Á – Thái Bình Dương chỉ có 2 trong 62 nước được nâng hạng. Hết năm 2023, nợ công khoảng 37% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần 60% Quốc hội đề ra.
Việt Nam quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán
Đối với thị trường tài chính Việt Nam, Bộ trưởng khẳng định, Chính phủ Việt Nam đặc biệt quan tâm, có nhiều chỉ đạo sát sao nhằm củng cố và kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc để kiên định mục tiêu phát triển ổn định, lành mạnh và bền vững.
Riêng đối với thị trường chứng khoán (TTCK), mặc dù còn khá non trẻ nhưng đã có sự phát triển tương đối nhanh. TTCK Việt Nam đã phát huy vai trò tích cực là kênh dẫn vốn trung, dài hạn quan trọng của nền kinh tế, đồng thời là điểm đến đầu tư hấp dẫn của dòng vốn nhà đầu tư trong và ngoài nước. Cấu trúc thị trường, khuôn khổ pháp lý tiếp tục được hoàn thiện.
Tính tới cuối tháng 2/2024, vốn hóa thị trường cổ phiếu đã đạt gần 270 tỷ USD, tương đương gần 63% GDP. Toàn thị trường có hơn 1.600 cổ phiếu, chứng chỉ quỹ niêm yết và đăng ký giao dịch. Số lượng nhà đầu tư tăng trưởng mạnh mẽ với 7,4 triệu tài khoản chứng khoán, tương đương 7,2% dân số, vượt kế hoạch đề ra.
Mới đây nhất, tại Hội nghị phát triển TTCK năm 2024 được tổ chức ngày 28/2, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam Phạm Minh Chính đã khẳng định: “Việt Nam tiếp tục phát triển thị trường chứng khoán công khai, minh bạch, an toàn, hiệu quả, toàn diện, hội nhập và bền vững, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của các chủ thể tham gia. Chính phủ quyết tâm nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi, với tinh thần “đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có sản phẩm, hiệu quả cân đong đo đếm được để thu hút mạnh mẽ hơn dòng vốn đầu tư trong và ngoài nước”.
“Tôi mong rằng, sau Hội nghị này, các doanh nghiệp hai nước sẽ có thêm nhiều ý tưởng và dự án hợp tác mới để làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế cũng như quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Hàn Quốc. Về phía Bộ Tài chính Việt Nam, chúng tôi cam kết đồng hành và tạo thuận lợi cho các đối tác, doanh nghiệp và nhà đầu tư hai nước tìm kiếm cơ hội đầu tư và hợp tác đem lại hiệu quả cao nhất. Chúng tôi hoan nghênh các doanh nghiệp, nhà đầu tư Hàn Quốc tăng cường đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư tại Việt Nam, phát huy hơn nữa hiệu quả hợp tác, đầu tư để chúng ta “cùng thành công, chung thắng lợi”, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc nhấn mạnh.
Nguồn: Anh Minh – Báo điện tử chính phủ
https://baochinhphu.vn/bo-tai-chinh-cam-ket-cung-thanh-cong-chung-thang-loi-voi-cac-doi-tac-han-quoc-102240307123349444.htm