Sau đại dịch COVID-19, số bệnh nhân mắc lao trên thế giới gia tăng trở lại. Trong đó, Việt Nam là nước có số bệnh nhân lao gia tăng ở mức cao so với thế giới.
Thông tin này do TS Đinh Văn Lượng, Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương, Trưởng ban điều hành Chương trình Chống lao Quốc gia cho biết tại Hội nghị tổng kết chương trình phòng chống lao năm 2023 và trọng tâm công tác năm 2024, diễn ra ngày 22/12.
Theo báo cáo của tổ chức Y tế thế giới (WHO), bệnh lao hiện vẫn là nguyên nhân gây tử vong đứng thứ hai trên thế giới trong số các bệnh truyền nhiễm vào năm 2022, chỉ sau COVID-19, các mục tiêu toàn cầu trong công tác chống lao hiện nay vẫn đang hoàn toàn bị chậm tiến độ.
Số bệnh nhân lao mới được phát hiện và báo cáo năm 2022 trên toàn cầu là 7,5 triệu người. Đây là con số cao nhất kể từ khi WHO bắt đầu theo dõi bệnh lao toàn cầu vào năm 1995, cao hơn mức trước đại dịch COVID-19 (mức đỉnh lịch sử trước đó) là 7,1 triệu người vào năm 2019, cao hơn từ 5,8 triệu người vào năm 2020 và 6,4 triệu người vào năm 2021.
Trên toàn cầu trong năm 2022, bệnh lao đã gây ra khoảng 1,3 triệu ca tử vong. Công cuộc thanh toán bệnh lao toàn cầu vẫn còn rất nhiều trở ngại và cần nhiều hơn nỗ lực từ các quốc gia.
Tại Việt Nam, trong 9 tháng đầu năm, chương trình Chống lao quốc gia ghi nhận 78.674 ca lao, tăng hơn 1.900 bệnh nhân (tương đương 2%) so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 32% cùng kỳ 2021 – năm chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của COVID-19. Ngoài ra, chương trình còn phát hiện 2.764 bệnh nhân lao đa kháng thuốc, cao hơn 3 năm trước rất nhiều.
“Việt Nam vẫn là nước có gánh nặng bệnh lao cao. Mỗi năm ghi nhận khoảng 11.000 người tử vong vì bệnh lao, cao hơn số người chết do tai nạn giao thông. Việt Nam đứng thứ 11 trong 30 quốc gia có gánh nặng bệnh lao và lao đa kháng thuốc cao”, TS Đinh Văn Lượng cho biết.
Liên quan đến điều trị bệnh lao, các chuyên gia cho rằng, tỷ lệ điều trị khỏi có dấu hiệu cải thiện, đạt 80%, tuy nhiên con số này vẫn chưa bằng thời điểm trước đại dịch COVID-19. Năm 2020, tỷ lệ điều trị khỏi lao là 84,5%. Ba tỉnh có tỷ lệ điều trị thành công cao, đạt 97-99% gồm Yên Bái, Quảng Trị và Trà Vinh.
Các chuyên gia cũng nhận định, công tác phòng chống lao ở nước ta vẫn còn nhiều khó khăn.
“Chương trình Chống lao quốc gia rất mong nhận được sự ủng hộ của lãnh đạo các cấp, của các bộ, ban, ngành, đoàn thể và toàn xã hội để đảm bảo nguồn tài chính bền vững, nhằm bảo đảm tất cả bệnh nhân lao được khám, phát hiện và điều trị, ưu tiên tăng cường phát hiện bệnh lao trên toàn quốc…”, TS Đinh Văn Lượng cho biết.
Năm nay, chương trình Chống lao Quốc gia đã chuyển nguồn thanh toán chi phí thuốc điều trị lao từ nguồn ngân sách nhà nước sang quỹ Bảo hiểm y tế. Việt Nam cũng đã áp dụng trí tuệ nhân tạo trong chẩn đoán bệnh lao, có ý nghĩa lớn trong phát hiện bệnh, đặc biệt là các trường hợp dễ bị bỏ sót hoặc khó tiếp cận. Việt Nam cũng đặt mục tiêu kết thúc bệnh lao vào năm 2035.
Mới đây, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia được tổ chức WHO lựa chọn thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 vaccine lao M72 phòng bệnh lao trên toàn cầu. Thời gian thử nghiệm dự kiến vào đầu năm 2024, tại Hà Nội, TP HCM và Đà Nẵng.
Nguồn: Hiền Minh – Báo điện tử Chính phủ
https://baochinhphu.vn/benh-lao-dang-tang-tro-lai-102231222175147027.htm